Thủ tướng Scott Morrison chờ cơ hội điện đàm với Pháp
Căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp với Mỹ liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia đã dịu bớt sau cuộc điện đàm vào tối 22/9 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý gặp nhau vào tháng 10/2021. Không chỉ dừng lại ở đó, sau cuộc điện đàm này, Pháp cho biết sẽ cử đại sứ quay trở lại Mỹ vào tuần tới.
Thủ tướng Australia Morrison. Ảnh: Pickles.
Trong lúc đó, Pháp vẫn còn chưa nguôi giận với Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, các quan chức của nước này đang cố gắng thu xếp cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp song đến nay vẫn chưa có cơ hội để làm điều này và Australia sẽ kiên nhẫn chờ đợi.
Ông Morrison nói: “Việc kết nối rất quan trọng. Tôi đang chờ đợi thời điểm và cơ hội phù hợp để có thể có cuộc thảo luận tương tự. Tuy nhiên vấn đề mà hai nước Mỹ và Australia phải đối mặt là khác nhau. Australia quyết định không tiếp tục duy trì hợp đồng quân sự quan trọng và chúng tôi hiểu rằng Pháp thất vọng vì điều này. Vì thế tôi cho rằng vấn đề này sẽ cần thêm nhiều thời gian để giải quyết hơn là khúc mắc giữa Mỹ và Pháp”.
Mỹ không liên quan trực tiếp đến hợp đồng Australia đặt mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel của Pháp. Vì thế việc Australia hủy hợp đồng này là vấn đề giữa Australia với Pháp. Với Mỹ, Pháp tức giận bởi cho rằng quan hệ đồng minh giữa hai nước có đủ sự tin cậy để nước này có thể tham vấn với Pháp về vụ việc này.
Hơn nữa Mỹ đóng vai trò nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là cường quốc có nhiều ảnh hưởng nhất hiện nay, nên việc làm căng với Mỹ quá lâu sẽ không có lợi cho Pháp. Thế nên khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ra tín hiệu trước bằng việc đề nghị điện đàm với Tổng thống Pháp thì Pháp đã có đủ cớ để nguôi giận.
Việc Mỹ đồng ý với Pháp về việc xây dựng tiến trình tham vấn đề không lặp lại tình huống như vừa rồi cũng là động thái vỗ về kịp thời đối với Pháp.
Câu chuyện với Australia lại khác, tuy hai nước không phải là đồng minh nhưng lại là đối tác quan trọng trong khu vực. Sự hiện diện của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là sự hỗ trợ vô cùng quan trọng đối với Australia trong nỗ lực làm giảm sự can thiệp của bên ngoài.
Ngoài ra, việc Australia chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh phối hợp sản xuất đồng nghĩa với việc hợp đồng mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel trị giá 90 tỷ AUD mà nước này ký với Pháp năm 2016 sẽ bị hủy bỏ.
Điều này vừa khiến Pháp mất mặt lại vừa khiến nước này bỏ lỡ một thương vụ làm ăn lớn. Vì thế chắc chắc Pháp sẽ không dễ dàng bỏ qua cho Australia như cách mà nước này nhanh chóng hàn gắn với Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian cho biết Australia và Pháp có thể mất tới 3 năm đàm phán trước khi đi đến việc chính thức hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp./.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VOV.