Thủ tướng Đức nỗ lực 'tháo ngòi' căng thẳng giữa Nga và phương Tây
Nhìn lại lịch sử những lần đối đầu giữa Nga và phương Tây từ trước tới nay, có thể nói trong số các nước chủ chốt ở châu Âu, Đức vẫn luôn có cách tiếp cận được đánh giá là ôn hòa hơn đối với Nga, một phần do mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai bên.
Do đó, giới phân tích nhận định Berlin thích hợp đóng vai trò “sứ giả” nhằm tháo ngòi căng thẳng hiện nay giữa Moskva và phương Tây xoay quanh vấn đề an ninh, trong đó Ukraine là “trường hợp điển hình.”
Kết quả chuyến công du của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Moskva và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, phần nào đã chứng minh được điều đó.
Những thông điệp "không muốn chiến tranh" và "sẵn sàng tiếp tục đối thoại" đã được cả hai nhà lãnh đạo phát đi trong và sau cuộc hội đàm ngày 15/2.
“Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo rằng không có chiến tranh ở châu Âu,” Thủ tướng Đức Scholz đã tuyên bố như vậy và được Tổng thống Putin hoàn toàn đồng ý.
Tổng thống Nga cũng một lần nữa khẳng định Moskva không muốn chiến tranh, do đó đã đưa ra các đề xuất về đảm bảo an ninh ở châu Âu, đồng thời đảm bảo rằng Moskva sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề an ninh thông qua ngoại giao và sẵn sàng thảo luận về các sáng kiến có trong các phản ứng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với đề xuất của Nga.
Ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Đức tới Nga, những động thái được xem là thiện chí từ cả hai bên đều được ghi nhận.
Thủ tướng Đức Scholz, trong các cuộc tiếp xúc với các tổng thống Mỹ, Pháp, Ba Lan hay trong chuyến công du Ukraine, đều nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm hòa bình ở châu Âu thông qua ngoại giao, và nêu bật tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Nga.
Về phần Nga, Moskva luôn bày tỏ hy vọng việc duy trì các kênh đối thoại ít ỏi giữa nước này và phương Tây sẽ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề Ukraine.
Việc Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/2 thông báo quân đội nước này đã hoàn thành các hoạt động tập trận ở khu vực giáp biên giới Ukraine, Quân khu miền Nam và Quân khu miền Tây đã bắt đầu đưa binh sỹ triển khai tại khu vực biên giới này trở lại nơi đóng quân thường trực, được đánh giá là một động thái xuống thang căng thẳng đối với tình hình xung quanh biên giới Nga và Ukraine, mở đường cho tiến trình đàm phán ngoại giao.
Trước đó, phương Tây cho rằng việc Nga triển khai quân gần biên giới Ukraine là bước chuẩn bị cho một hành động quân sự nhằm vào chính quyền Kiev, dù Moskva nhiều lần bác bỏ.
Phía Mỹ cũng có phản ứng tích cực trước sự biến chuyển của tình hình. Đáp lại yêu cầu bình luận về tuyên bố của phía Nga sẵn sàng tiếp tục đối thoại, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Nga về các vấn đề gây tranh cãi, nhấn mạnh “cánh cửa cho các cuộc đàm phán đang mở.”
Tất nhiên, diễn biến tích cực này không phải chỉ nhờ chuyến đi của ông Scholz mà là kết quả “cộng gộp” từ các nỗ lực đối thoại trước đó giữa Nga và phương Tây, sau các chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, các bộ trưởng Anh tới Nga… hay một loạt cuộc điện đàm giữa giới lãnh đạo Nga và các nước.
Trở lại với vai trò của Đức, trong cuộc thương thuyết này, Đức là đối tác thương mại số một của Nga ở châu Âu, và là khách hàng tiêu thụ khí đốt tự nhiên lớn nhất của Moskva, trong đó dự án cung cấp khí đốt đầy tham vọng Dòng chảy phương Bắc 2 đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Chính do sự ràng buộc này, Thủ tướng Đức Scholz, người mới lên nắm quyền hơn hai tháng, có những tuyên bố chừng mực hơn trong vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga.
Mặt khác, việc Thủ tướng Scholz cam kết theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm về hợp tác với Nga và có nhiều công cụ kinh tế hữu hiệu trong tay để có ảnh hưởng nhất định đối với tình hình hiện nay là lý do để nhiều người tin tưởng rằng ông sẽ hoàn thành vai trò cầu nối giữa Nga và phương Tây.
Trong cuộc hội đàm, cả Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Hiện tại, Nga cung cấp hơn một phần ba nhu cầu năng lượng của Đức, trong đó 34% nhu cầu về dầu thô và 35% về và khí đốt tự nhiên. Năm 2021, Nga cung cấp hơn 50,7 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho thị trường Đức.
Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Ngay cả trong thời kỳ giá khí đốt tăng cao và sự thiếu hụt nguồn cung ở châu Âu, chúng tôi vẫn tiếp tục đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng Đức trên cơ sở giá theo hợp đồng dài hạn.”
Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định các mối quan hệ kinh tế của hai nước có tiềm năng rất lớn. Điều này bao hàm các chủ đề quan trọng như giảm phát thải carbon, các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu hydro và số hóa nền kinh tế, cũng như biến đổi khí hậu.
Việc hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế có thể coi là chỉ dấu cho thấy cam kết về an ninh nêu trên không phải là "lời nói suông,” đồng thời, trên phương diện nào đó, đây cũng là chìa khóa mở rộng hơn cánh cửa ngoại giao để giải quyết căng thẳng.
Điều dư luận quan tâm hiện nay là các cuộc đối thoại sắp tới sẽ diễn ra như thế nào. Nhiều nhà quan sát cho rằng Nga sẽ không “mở rộng” gói các vấn đề thảo luận hoặc loại bỏ các điều khoản trọng tâm trong đề xuất an ninh của mình, đặc biệt là về việc không mở rộng NATO và không triển khai vũ khí ở Đông Âu.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin đã khẳng định với Thủ tướng Scholz rằng ông mong muốn vấn đề đảm bảo Ukraine sẽ không gia nhập NATO “phải được giải quyết ngay lập tức.”
Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng rằng các điểm mang tính nguyên tắc trong đề xuất an ninh sẽ được tính đến trong các cuộc đàm phán, đồng thời nhấn mạnh, kết quả của quá trình đàm phán phải là một thỏa thuận về đảm bảo an ninh bình đẳng cho mọi quốc gia.
Về phần mình, Thủ tướng Đức đã nhắc lại rằng vấn đề NATO mở rộng về phía Đông không nằm trong chương trình nghị sự và “mọi người đều biết chắc chắn điều đó.”
Ông thừa nhận rằng lập trường của các bên về đảm bảo an ninh có sự khác biệt, nhưng phương Tây tìm thấy “một số điểm tích cực.” Theo nhà lãnh đạo Đức, điều quan trọng là phải tận dụng mọi cơ hội để tình hình phát triển một cách hòa bình.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev đánh giá phản ứng cụ thể của Mỹ và NATO đối với các đề xuất của Nga phản ánh sự khác biệt trong cách tiếp cận của các bên, song tạo cơ sở để tính đến thời điểm bắt đầu đàm phán trên một số hồ sơ cụ thể, điều này sẽ có tác động có lợi đối với tình hình an ninh chung của châu Âu.
Theo ông Kosachev, việc Nga phối hợp cùng lúc biện pháp ngoại giao và các cuộc điều động quân đội trên quy mô lớn là một cách để tránh tiếp tục đàm phán bất tận mà không đi đến kết quả cụ thể nào.
Ông giải thích: “Đó là một “thông điệp” rất quan trọng: Nga không e ngại các lệnh trừng phạt, không nao núng trước “NATO và các đối tác...” nhưng Moskva ủng hộ các phương pháp tiếp cận mang tính xây dựng và sẵn sàng thảo luận về bất kỳ sáng kiến nào.”
Lịch sử đã chứng minh, ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh hay trong cuộc khủng hoảng quan hệ Nga-phương Tây năm 2014, Berlin vẫn là cầu nối giữa Moskva với phương Tây, đặc biệt thông qua con đường kinh tế.
Như Thủ tướng Đức Scholz đã khẳng định “một hệ thống an ninh đáng tin cậy chỉ có thể được xây dựng cùng với Nga chứ không phải chống lại họ,” ngoại giao là lựa chọn tốt nhất để giải quyết căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây, thay vì những lời đe dọa làm gia tăng đối đầu, vì môi trường an ninh ổn định chung có lợi cho tất cả các bên.
Cơ hội cho việc giải quyết hòa bình căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây đã được mở ra trên bàn đàm phán, điều còn lại là các bên có đủ thiện chí để nắm bắt cơ hội này hay không./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: https://www.vietnamplus.vn/lieu-duc-co-thao-duoc-ngoi-no-cang-thang-giua-nga-va-phuong-tay/773355.vnp