Thử nghiệm đánh lừa hệ thống tự lái trên ô tô
Hệ thống tự lái Autopilot của Tesla đã trở thành tâm điểm tranh cãi trong vài năm qua. Đó là bởi vì đã có tai nạn đã xảy ra, một số thậm chí gây tử vong. Người ta cho rằng nguyên nhân là người lái đã mất tập trung và quá tin tưởng vào Autopilot. Một cỗ máy có thể vẫn tính toán sai hoặc bị lừa, bất chấp các hãng đều tìm cách vô hiệu hóa hệ thống nếu người lái quá lạm dụng. Jake Fisher, Giám đốc cấp cao về thử nghiệm ô tô của Consumer Reports, đã phát hiện ra rằng không khó để lừa Autopilot lái xe trong khi không có ai ngồi sau tay lái.
Tuy nhiên, hóa ra, tất cả các thương hiệu xe hơi được trang bị hệ thống tự lái tương tự đều có thể bị lừa như vậy. Đó là một trong những phát hiện mà Car and Driver đưa ra dựa trên bài kiểm tra hành trình mới nhất liên quan đến 4 tình huống trên đường cao tốc và 17 loại xe đến từ hầu hết các thương hiệu xe hơi lớn.
Bài kiểm tra đầu tiên nhằm tìm hiểu xem các tính năng hỗ trợ người lái của ô tô - hành trình thích ứng được đặt ở tốc độ 97km/h và kích hoạt hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường - sẽ phản ứng như thế nào khi thắt dây an toàn. Trong thử nghiệm này, xe Subaru đã tắt mọi tính năng hỗ trợ lái xe ngay lập tức, trong khi Tesla và Cadillac hủy bỏ các hệ thống hỗ trợ người lái rồi phanh và dừng lại. Nhưng phần lớn các phương tiện được thử nghiệm đã không làm gì trong trường hợp này.
Thử nghiệm hai, cùng một kịch bản, nhưng lần này bỏ tay khỏi vô lăng để kiểm tra xem mất bao lâu để gửi cảnh báo và tắt hệ thống. Nhanh nhất trong những chiếc xe thử nghiệm là Cadillac, Ford, Volvo, Toyota và Lexus, tắt hệ thống trong vòng 21 giây, trong khi Hyundai là chậm nhất với 91 giây.
Lần thử nghiệm thứ ba tương tự như lần trước nhưng lần này, Car and Driver cố gắng đánh lừa hệ thống bằng cách cài vật đủ nặng vào vô lăng để khiến hệ thống nghĩ rằng tài xế vẫn đang trong tư thế đúng. Hầu hết các xe bị lừa, trừ BMW và Mercedes vì ở đó hệ thống dựa trên cảm ứng.
Car and Driver đã thử nghiệm riêng Super Cruise của GM, vì đây hiện là hệ thống duy nhất cho phép lái xe rảnh tay trên các đường cao tốc có giới hạn được lập bản đồ. Super Cruise sử dụng một camera hồng ngoại để xác định sự chú ý của người lái, nên bạn không thể bỏ tay khỏi vô lăng, nhưng nó vẫn có thể bị đánh lừa nếu sử dụng kính có in nhãn cầu giả. Ford sẽ sớm tung ra một công nghệ tương tự có tên là BlueCruise và có thể bạn cũng sẽ đánh lừa được nó với mẹo này.
Cuối cùng, cũng là điều gây tranh cãi nhất, Car and Driver đã kiểm tra xem liệu những chiếc xe này có cho phép lái xe không người lái hay không bằng cách chuyển sang ghế hành khách khi đang bật hệ thống tự lái. Tất cả các ô tô đều cho phép như vậy, chỉ cần đặt thứ gì đó đủ nặng lên vô lăng, một cái tay với sang một cách hờ hững chẳng hạn.
Ngoài ra, họ cũng phát hiện ra rằng dù một số phương tiện hủy bỏ hệ thống tự lái khi chưa thắt dây an toàn, thì chỉ cần thắt dây an toàn trên ghế lái trống là không phương tiện nào có thể phân biệt được.
Thử nghiệm cho thấy các hệ thống tự lái này chỉ có thể bị lừa nếu người lái xe cố tình làm như vậy. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là, với một tay lái quá lười biếng hay mất tập trung, họ hoàn toàn có thể sẽ lựa chọn chơi trò may rủi. Vì thế, tốt hơn hết, các nhà sản xuất ô tô nên đóng những lỗ hổng này để ngăn chặn những người thích "đánh quá" như vậy. Và trên hết, một điều quan trọng mà bất cứ tài xế nào cũng cần nhớ: Hiện tại, chưa có phương tiện nào được thiết kế để người lái xe rời khỏi vị trí và làm như vậy là cực kỳ nguy hiểm!
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/chi-voi-vai-thao-tac-reviewer-nay-da-danh-lua-he-thong-tu-lai-cua-moi-hang-xe-bao-gom-ca-autopilot-cua-tesla-20210813110836771.chn