Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh gây tranh cãi của NATO
Trong một liên minh hoạt động theo cơ chế đồng thuận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên có những quyết định đi ngược lại số đông.
Năm 2009, ông phản đối cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen được bổ nhiệm làm Tổng thư ký NATO, cáo buộc nước này quá khoan dung với các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed và thể hiện thái độ ủng hộ "những kẻ khủng bố người Kurd" ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các lãnh đạo phương Tây phải trải qua nhiều giờ tranh cãi và tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama phải hứa rằng NATO sẽ bổ nhiệm một người Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí lãnh đạo, ông Erdogan mới xuôi lòng.
Sau khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel căng thẳng vào năm sau đó, ông Erdogan đã ngăn NATO họp với Israel trong 6 năm. Vài năm sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn suốt nhiều tháng kế hoạch của NATO nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ cho các nước ở sườn đông, với điều kiện liên minh phải tuyên bố dân quân người Kurd ở Syria là "khủng bố".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại họp báo ở Ankara hôm 23/5. Ảnh: AFP.
Năm 2020, ông Erdogan điều một tàu thăm dò cùng các chiến đấu cơ hộ tống áp sát vùng biển Hy Lạp, buộc Pháp phải điều chiến hạm hỗ trợ Athens, cũng là một thành viên NATO.
Giờ đây, Thụy Điển và Phần Lan trở thành mục tiêu tiếp theo trong chiến lược mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan phản đối hai nước gia nhập NATO, cáo buộc rằng Helsinki và Stockholm ủng hộ dân quân người Kurd.
"Những quốc gia này gần như đã trở thành nơi trú chân cho các tổ chức khủng bố. Điều đó khiến chúng tôi không thể ủng hộ họ gia nhập NATO", ông nói đầu tháng này.
Giới quan sát cho rằng thái độ kiên quyết của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là một lời nhắc nhở về vấn đề tồn đọng từ lâu trong cơ chế đồng thuận của NATO, liên minh quân sự hàng đầu thế giới đang có tới 30 thành viên. Trong bối cảnh NATO đang dốc sức ứng phó Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, họ lại đang bế tắc trước sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Lục đục và tranh cãi trong nội bộ NATO được cho là tình huống có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã trở nên thân thiện hơn với ông Erdogan trong những năm gần đây. Đối với lãnh đạo Nga, việc Phần Lan và Thụy Điển bị từ chối gia nhập NATO sẽ là một chiến thắng quan trọng, theo Michael Crowley và Steven Erlanger, hai nhà phân tích của NY Times.
Tình hình có thể bớt phức tạp hơn nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giữ vai trò rất quan trọng đối với liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952, giúp liên minh kiểm soát vị trí chiến lược tại điểm giao giữa châu Âu và châu Á, nối giữa Biển Đen với Trung Đông. Đây là nơi Mỹ đặt một căn cứ không quân lớn và cất giữ vũ khí hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiểm soát eo biển Borphorous, nơi có thể ngăn tàu chiến Nga tiến vào Biển Đen để áp sát Ukraine.
Nhưng dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành vấn đề đau đầu với NATO. Là thủ tướng và sau đó là Tổng thống, ông đã không còn xoay trục nhiều về châu Âu mà duy trì một nền chính trị dân túy, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành nhắm vào ông năm 2016.
Tổng thống Erdogan đã mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga, bất chấp NATO gọi đây là mối đe dọa đối với hệ thống phòng thủ của họ. Năm 2019, ông cũng phát động một chiến dịch quân sự chống lại dân quân người Kurd ở miền bắc Syria, dù lực lượng này đang hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
"Trong 4 năm tôi ở đó, liên minh thường rơi vào tình trạng 27 chống một", Ivo H. Daalder, cựu đại sứ Mỹ ở NATO dưới thời chính quyền Obama, khi NATO có 28 thành viên, nói.
Việc Ankara phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh tiếp tục làm dấy lên câu hỏi về việc liệu NATO có hoạt động tốt hơn nếu thiếu Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Trong bài bình luận đăng trên WSJ hôm 18/5, cựu thượng nghị sĩ Mỹ Joseph I. Lieberman và Mark D. Wallace, giám đốc Dự án Dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo các chính sách của Ankara, gồm cả mối quan hệ nồng ấm với ông Putin, đang làm suy yếu lợi ích của NATO. Lieberman còn cho rằng liên minh nên tìm cách đẩy Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO.
"Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO, nhưng dưới thời ông Erdogan, họ không còn tán thành các giá trị nền tảng của liên minh vĩ đại này", bài viết có đoạn.
"Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan không nên và không thể được xem là một đồng minh của phương Tây", thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez nói sau khi Ankara mở chiến dịch quân sự ở Syria năm 2019.
Nhưng NATO là một liên minh quân sự và Thổ Nhĩ Kỳ, nước sở hữu lực lượng quân đội lớn thứ hai trong liên minh và có ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến cùng vị trí địa lý quan trọng, đóng góp vai trò quan trọng.
Giới chức phương Tây cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn nếu đứng ngoài liên minh và thắt chặt quan hệ hơn với Nga. "Thổ Nhĩ Kỳ đang làm suy yếu hình ảnh của chính họ", Alper Coskun, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và hiện là thành viên cấp cao Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói, nhưng thêm rằng Ankara "vẫn là một thành viên quan trọng của liên minh".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi, Nga hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.
Câu hỏi đặt ra là liệu điều gì có thể xoa dịu Tổng thống Erdogan và đảm bảo sự ủng hộ của ông đối với mong muốn gia nhập NATO của Thụy Điển, Phần Lan.
Hầu hết giới phân tích cho rằng ông Erdogan cuối cùng sẽ không ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, nhưng ông muốn nhấn mạnh các mối lo ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và đạt được một số lợi ích chính trị trong nước trước cuộc bầu cử vào năm tới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu quan tâm đến sự ủng hộ mà Thụy Điển dành cho đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, liên minh châu Âu liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, dù một số chính phủ như Thụy Điển coi đây là một phong trào dân tộc.
Mỹ ủng hộ nhóm dân quân người Kurd ở Syria mang tên Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG), trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn liệt YPG vào nhóm khủng bố.
Ông Erdogan cũng phản đối lệnh cấm vũ khí của Thụy Điển và Phần Lan đối với Thổ Nhĩ Kỳ, được áp đặt sau chiến dịch ở Syria năm 2019. Thụy Điển đã thảo luận về việc dỡ lệnh cấm sau cuộc xung đột Ukraine.
Một số nhà phân tích cho rằng phương Tây không thể phủ nhận mối lo ngại của Ankara với PKK nếu muốn tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Mỹ hy vọng ông Erdogan cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển sau các cuộc đàm phán giữa các bên.
Julianne Smith, đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết đây dường như là khúc mắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển, nên Washington sẽ để họ tự giải quyết và cung cấp hỗ trợ nếu cần.
Xuất hiện cùng Ngoại trưởng Phần Lan ở Washington tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ông "tự tin rằng chúng tôi sẽ thông qua quá trình kết nạp thành viên mới một cách nhanh chóng và mọi thứ sẽ tiến triển".
Emre Peker, giám đốc phụ trách châu Âu của công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định Ankara có thể đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan thông qua trung gian là Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid vào tháng tới. Ưu tiên chính của ông Erdogan là khiến những lo ngại an ninh về người Kurd được các đồng minh lắng nghe và họ sẽ dỡ lệnh cấm vận vũ khí với Ankara.
7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.
Một số nhà phân tích nhận định Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ phải nhượng bộ với ông Erdogan để giành được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong kết nạp Phần Lan, Thụy Điển vào NATO.
Tại cuộc tọa đàm tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tuần trước, Adam Smith, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho rằng tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan đủ quan trọng để Mỹ trực tiếp can thiệp với Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng ta cần ngồi xuống và đi đến thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta cần phải rất quyết liệt với điều đó", ông nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tho-nhi-ky-dong-minh-khien-nato-dau-dau-4469964.html