Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Takashi Fujikado hôm 5.12 cho hay, từ giữa năm 2010 các nhà nghiên cứu tại khoa dược Đại học Osaka đã đặt những con chip platinum 7mm2 và 49 điện cực vào sau võng mạc của hai phụ nữ bị mất thị lực hơn 10 năm vì viêm sắc tố võng mạc. Ngoài ra một điện cực 1mm2 cũng được đưa thêm vào mỗi cầu mắt. Những chiếc camera được gắn trên trán của hai phụ nữ này và truyền thông tin thị giác được mã hóa qua một thiết bị bên đặt ngoài cơ thể vào các chip trong mắt. Các thông tin kích thích võng mạc của các bệnh nhân và truyền lên não, cho phép họ cảm nhận được ánh sáng.
Hai bệnh nhân này ở tuổi 72 và 67, đến từ Hyogo và Chiba, được dùng thử chip này trong một tháng. Sau đó thiết bị được gỡ ra, người phụ nữ từ Chiba cho biết bà có thể nhận thấy ánh sáng từ ngọn nến mà không cần chip vì tế bào thần kinh trong võng mạc của bà đã hoạt động trở lại. “Trong hai năm tới, chúng tôi muốn giúp họ đọc những ký tự lớn, và có thể bước đi mà không cần gậy vài năm sau đó”, ông Fujikado nói.
Một phương pháp khác dùng điện từ kích thích võng mạc cũng được nghiên cứu tại Mỹ, nhưng công nghệ của nhóm nghiên cứu Osaka được cho là an toàn hơn, vì việc đặt chip vào màng cứng sẽ ít gây tổn hại cho mắt.