Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên ngày 16/7
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh minh họa. THX)
Trong khi đó, số liệu tăng trưởng kinh tế vượt dự báo của Trung Quốc không thể xoa dịu tình trạng bất ổn trên các sàn giao dịch.
Các thị trường chứng khoán đã đi lên kể từ khi chạm mức thấp hồi tháng 3/2020 nhờ các kế hoạch hỗ trợ của chính phủ và việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên, những hy vọng vào sự phục hồi kinh tế khá bấp bênh do dịch COVID-19 vẫn đang điễn biến phức tạp trên thế giới.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang làm dấy lên những bất ổn.
Trung Quốc cho biết kinh tế nước này đã tăng 3,2% trong quý 2/2020, tốt hơn nhiều so với mức 1,3% trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế. Điều này cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi sau nhiều tháng bị phong tỏa trong quý đầu tiên.
Số liệu này đã nhận được sự hoan nghênh, song các nhà phân tích đã chỉ ra một số liệu khác đó là doanh số bán lẻ tháng Sáu của Trung Quốc đã giảm nhiều hơn dự kiến, cho thấy người dân nước này vẫn hạn chế chi tiêu. Lĩnh vực bán lẻ có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh các chính phủ nước này chú trọng đến người tiêu dùng, thay vì thương mại và đầu tư, để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 4,5% xuống 3.210,10 điểm, do đợt bán tháo cổ phiếu kéo dài gần đây sau khi chỉ số này tăng khoảng 15% trong tháng này. Còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 2% xuống 24.970,69 điểm.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 22.770,36 điểm. Chứng khoán Sydney và Singapore giảm 0,7%, chứng khoán Seoul hạ 0,8%. Chứng khoán Đài Bắc, Bangkok và Wellington cũng giảm, trong khi chứng khoán Mumbai, Manila và Jakarta tăng.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo rằng mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Bà đồng thời kêu gọi các chính phủ duy trì những chương trình cứu trợ hiện nay.
Theo bà Georgieva, gói kích thích trị giá 11.000 tỷ USD của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã giúp ngăn ngừa những hậu quả xấu hơn, và chúng vẫn cần được duy trì, thậm chí là mở rộng trong những trường hợp cần thiết.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/chung-khoan-chau-a-di-xuong-do-lo-ngai-ca-nhiem-covid19-gia-tang/652080.vnp