Thế giới bỏ quên hoạt động quân sự tại Thái Bình Dương?
Theo tờ South China Morning Post ngày 22-5, trong bối cảnh dư luận thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc xung đột ở Ukraine, hải quân các nước lớn đang tăng cường hoạt động ở Thái Bình Dương và khiến căng thẳng ở khu vực này âm thầm gia tăng.
Tàu chiến "nhộn nhịp" trên biển
Cụ thể, đầu tháng 5, Trung Quốc đã cử tàu sân bay Liêu Ninh và 7 tàu hộ tống tập trận ở eo biển Miyako (nằm giữa đảo Miyako ở phía nam và đảo Okinawa ở phía bắc trong chuỗi đảo Ryukyu của Nhật). Tại đây, quân đội Trung Quốc đã điều khoảng 100 chiến đấu cơ đến diễn tập cất và hạ cánh.
Ngay sau đó, Nhật đã điều các máy bay chiến đấu và cử tàu sân bay Izumo đến khu vực để theo dõi và giám sát các cuộc tập trận của Trung Quốc.
Trong khi giữa Trung Quốc và Nhật đang diễn ra một cuộc xung đột ngầm, ba tàu hải quân Mỹ đã được triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương, theo các hình ảnh do USNI News (trang tin tức của viện Hải quân Mỹ) và Mizar Vision (công ty hình ảnh vệ tinh có trụ sở tại Thượng Hải) công bố.
Theo hình ảnh được USNI News công bố ngày 16-5, tàu tấn công đổ bộ của Mỹ được triển khai gần TP Sasebo của Nhật. Trong khi đó, một tàu tấn công khác là USS Tripoli ở vùng biển phía đông Nhật, còn tàu sân bay lớp Nimitz Abraham Lincoln khi đó đang di chuyển trên biển Philippines.
Ngoài ra, hình ảnh được Mizar Vission công bố ngày 20-5 còn cho thấy tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ đã quay trở lại cảng Yokosuka của Nhật.
Máy bay chiến đấu cũng "bận rộn" không kém
Ngoài các chuyển động của tàu chiến, các máy bay cũng khá "bận rộn" ở Tây Thái Bình Dương.
Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) ngày 16-5 cũng cho biết máy bay do thám Boeing RC-135 của Mỹ được phát hiện đang hoạt động trên Biển Philippines vào cùng ngày.
Theo SCSPI, khi đó, mục tiêu do thám của máy bay này nhiều khả năng chính là đội hình tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Máy bay do thám Boeing RC-135 của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Trong một bài đăng khác trên Twitter, SCSPI cho biết một máy bay RC-135 khác được phát hiện đang hoạt động ở vùng biển Nhật Bản từ ngày 29-4 đến ngày 4-5.
Gần như cùng lúc đó, máy bay chống tàu ngầm Y-8 của Trung Quốc đã nối lại các cuộc tuần tra gần Đài Loan, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Hoạt động "bình thường" hay "bất thường"?
Vào thời điểm các cường quốc đang tăng cường hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương, ông Ridzwan Rahmat - nhà phân tích quốc phòng của tạp chí quân sự và quốc phòng Janes, cho rằng các hoạt động quân sự gần đây trong khu vực gửi đi những thông điệp khác nhau.
"Trung Quốc đã trau dồi khả năng vận hành các nhóm tác chiến tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương và ngày càng triển khai các tàu chiến mới hơn và lớn hơn để đi cùng các tàu sân bay trong khu vực" - ông Rahmat nói.
Theo ông Rahmat, việc Trung Quốc triển khai các lực lượng tác chiến tương đối mới trên biển là một dấu hiệu cho thấy nước này muốn áp dụng các bài học kinh nghiệm mà họ đã thu thập được từ các hoạt động trước đó.
Ông Rahmat nhận định điều này sẽ giúp cho các đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm thực thế có cơ hội được va chạm nhiều hơn.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AFP
“Nhật và Mỹ đang tăng cường triển khai các tàu chiến lớn đến khu vực Trung Quốc đang diễn tập. Bởi vì đây là nơi có thể xảy ra các hoạt động quân sự tiềm tàng giữa các bên nếu giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra một cuộc xung đột trực diện" - ông nói.
Cũng theo ông Rahmat, việc triển khai các hạot động vào lúc này là nhằm cải thiện khả năng tương tác giữa các khí tài quân sự của hai nước.
Tuy nhiên, ông Malcolm Davis - nhà phân tích cấp cao chuyên về an ninh Trung Quốc tại viện Chính sách Chiến lược Úc, lại coi tất cả những điều này là những hoạt động bình thường.
“Các lực lượng hải quân trên toàn thế giới đều phải hoạt động trên biển và triển khai tới các khu vực chủ chốt, và họ theo dõi lẫn nhau" - ông nói.
“Việc triển khai tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ ’kích’ hoạt động của Nhật và dẫn tới việc [Tokyo] triển khai tàu sân bay Izumo" - theo ông.
"Việc hải quân Mỹ triển khai các lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay cũng là một hoạt động bình thường, lúc đó họ đang theo dõi tàu Liêu Ninh" - ông nói thêm.
Căng thẳng có nguy cơ bùng phát trong tương lai
Mặc dù việc triển khai tàu Liêu Ninh hiện không tạo ra bất kỳ sự đối đầu nào, căng thẳng có thể xảy ra trong những năm tới.
Theo ông Zhou Chenming - chuyên gia từ viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang (Trung Quốc), nếu Bắc Kinh đi tiến sâu hơn vào Thái Bình Dương, nguy cơ xảy ra chạm trán giữa các tàu hải quân sẽ tăng lên.
“Có thể dự đoán được rằng các tàu hải quân Trung Quốc sẽ tiến sâu hơn vào Thái Bình Dương, vì họ đã có đủ kinh nghiệm thông qua các cuộc tập trận gần bờ biển. Và khi họ đi qua chuỗi đảo đầu tiên, khả năng gặp tàu nước ngoài, đặc biệt là tàu chiến Mỹ sẽ cao hơn" - ông Zhou nhận định.
Chuỗi đảo đầu tiên chạy từ phía bắc của Nhật đến đảo Đài Loan và xuống Philippines.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3482298