Tham vọng tái tạo Con đường Tơ lụa cổ ở châu Phi của Trung Quốc
Hơn 600 năm trước, Trịnh Hòa, đô đốc thời nhà Minh, từng đi sứ tới Kenya. Hạm đội của Trịnh Hòa từng tới thăm bờ biển quốc gia này bốn lần, bắt đầu từ thị trấn Malindi năm 1418. Nhiều thế kỷ sau, Trung Quốc đang cố tái hiện con đường lịch sử này bằng nhiều dự án ở châu Phi.
Cơ quan quản lý cảng Kenya (KPA) hôm 16/4 cho hay Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc đã xây xong ba cầu cảng đầu tiên ở cảng Lamu, nơi được quy hoạch trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa container và tàu chở dầu dự kiến vận hành vào tháng 6. Cảng biển nước sâu này có khả năng tiếp nhận tàu biển cỡ lớn, hỗ trợ cho cảng chính của Kenya tại Mombasa.
Cảng Lamu tại Kenya vào cuối tháng 3. Ảnh: Twitter/Kenya Ports
Dự án 5 tỷ USD là một phần của kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng 25 tỷ USD có tên Hành lang giao thông vận tải cảng Lamu Nam Sudan, kết nối Kenya với Ethiopia, Uganda và Nam Sudan.
Tập đoàn Thương thuyền Trung Quốc (CMG) đã đầu tư lớn và ký nhượng quyền tại Djibouti, Nigeria và Togo. Hồi tháng 12/2020, tập đoàn này đã ký thỏa thuận trị giá 350 triệu USD với Công ty đầu tư Great Horn, một tập đoàn nhà nước Kenya, mở đường cho việc cải tạo cảng Djibouti thành một trung tâm vận tải hậu cần và kinh doanh quốc tế. Dự án trị giá 3 tỷ USD lấy hình mẫu cảng Xà Khẩu ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi tích hợp khu vực thương mại tự do kiêm trung tâm buôn bán.
CMG rót đầu tư vào cảng Djibouti ngay sau khi đầu tư 590 triệu USD vào cảng đa chức năng Doraleh và 3,5 tỷ USD vào Khu vực tự do thương mại quốc tế Djibouti.
Các nhà phân tích của EIU, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dữ liệu, cố vấn doanh nghiệp có trụ sở tại Anh, cho biết các khoản đầu tư, bao gồm một tuyến đường sắt tới Ethiopia và một căn cứ hải quân Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên, bởi Djibouti đóng vai trò quan trọng là một trung tâm trung chuyển của Con đường Tơ lụa trên biển thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường, cũng như tiềm năng thương mại của nó trong tiếp cận với những khu vực khác ở châu Phi. Nó cũng có vị trí an ninh chiến lược, kết nối các tuyến vận tải nhộn nhịp đi qua Vịnh Aden và Biển Đỏ.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/trung-quoc-muon-tai-tao-con-duong-to-lua-co-o-chau-phi-4264848.html