Thách thức ngày càng gia tăng cho chiến lược 'không Covid' của Trung Quốc
Kể từ ngày 17/10, Trung Quốc đã báo cáo ít nhất một ca nhiễm cộng đồng mỗi ngày, khi các ổ dịch vẫn liên tiếp bùng lên hết nơi này đến nơi khác, với khoảng cách ngày càng ngắn.
Dù số ca nhiễm của Trung Quốc rất ít so với nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ, nước ghi nhận trung bình hơn 100.000 ca mỗi ngày, những đợt bùng phát lẻ tẻ không ngừng suốt 7 tuần qua cho thấy thách thức ngày càng tăng của nước này khi theo đuổi mục tiêu "không Covid".
Trong hơn năm qua, Trung Quốc đã ngăn chặn các đợt bùng phát cộng đồng hiệu quả với xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa nhanh, giám sát nghiêm ngặt và cách ly diện rộng, đồng thời đóng cửa biên giới. Trung Quốc đã không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào vì Covid-19 kể từ cuối tháng 1.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 10. Ảnh: AFP.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc gần đây phải tăng cường các biện pháp kiểm soát, không chỉ với người đã tiếp xúc trực tiếp với ca nhiễm, mà cả những người thuộc diện F2 và tình cờ xuất hiện cùng nơi với F0.
Gần 10.000 khách du lịch bị mắc kẹt ở Nội Mông suốt một tuần vì giới chức địa phương áp lệnh phong tỏa sau khi phát hiện hàng chục ca nhiễm. Disneyland Thượng Hải bị đóng cửa vì một người nhiễm virus từng tới đây. Nhiều chuyến tàu cao tốc cũng phải dừng khi đang trên đường tới Bắc Kinh, khi phát hiện ca F1 trong số các nhân viên.
Những biện pháp nghiêm ngặt cuối cùng đã đưa số ca nhiễm cộng đồng về 0, nhưng không duy trì được lâu.
Trong tuần qua, hơn 300 ca nhiễm được báo cáo ở Nội Mông và lần này là ở Mãn Châu giáp biên giới Nga. Chính quyền địa phương đã áp lệnh phong tỏa nhanh và thành phố đang triển khai xét nghiệm hàng loạt lần thứ 9 cho hơn 150.000 cư dân. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn cho rằng giới chức địa phương phản ứng chưa đủ nhanh.
Hai quan chức thành phố cuối tuần qua bị sa thải vì "phản ứng chậm chạp và yếu kém" với ổ dịch, gồm trì hoãn cách ly hơn 100 ca tiếp xúc gần và quản lý yếu kém các khách sạn cách ly, theo truyền thông Trung Quốc. Bốn quan chức khác bị phê bình vì không làm việc hiệu quả.
Nhiều quan chức địa phương trên khắp Trung Quốc cũng đã bị sa thải hoặc trừng phạt vì không ngăn chặn được các đợt bùng phát Covid-19.
"Mục tiêu giữ số ca nhiễm cộng đồng ở mức 0 đã gây áp lực rất lớn với chính quyền địa phương, buộc họ đôi khi phải áp đặt các biện pháp hà khắc không cần thiết và khiến cuộc sống người dân bị gián đoạn", Nectar Gan và Steve George, biên tập viên của CNN, viết.
Trong khi dư luận Trung Quốc dường như vẫn ủng hộ chiến lược không Covid-19 của chính phủ, cách tiếp cận này hứng chịu chỉ trích ở một số khu vực như thành phố Thụy Lệ ở biên giới phía nam giáp Myanmar và quận Ili ở Tân Cương.
Ngoài Nội Mông, ca nhiễm mới cũng được phát hiện rải rác ở một số thành phố lớn Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Thượng Hải tới Quảng Châu, cũng như các tỉnh Hắc Long Giang, Thiểm Tây, Hà Bắc và Vân Nam trong tuần qua.
Trung Quốc vẫn là một trong số những quốc gia cuối cùng cố gắng duy trì chiến lược "không Covid", trong khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với virus. Nhưng sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã khiến nhiều nước phải chạy đua áp các hạn chế đi lại.
Trung Quốc tới nay chưa ghi nhận ca nhiễm chủng Omicron nào. Huang Yanzhong, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức phi lợi nhuận ở New York, Mỹ, cho rằng điều này sẽ củng cố quyết tâm đóng cửa biên giới của Bắc Kinh.
"Omicron là liều tăng cường cho chiến lược không Covid của Trung Quốc", Huang nói.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Bắc Kinh nhận định Trung Quốc có thể phải ghi nhận hơn 630.000 ca nhiễm một ngày nếu từ bỏ chính sách không khoan nhượng với Covid-19. Báo cáo cho rằng hệ thống y tế "gần như chắc chắn" phải trả giá đắt nếu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
Nhóm nghiên cứu kết luận Trung Quốc không nên từ bỏ chiến lược không Covid-19 cho đến khi "chiến dịch tiêm chủng hiệu quả hơn hoặc có các biện pháp điều trị cụ thể hơn, và tốt nhất là có cả hai".
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Mãn Châu, thuộc Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc ngày 29/11. Ảnh: Reuters.
Cuối tuần qua, Chung Nam Sơn, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc kiêm cố vấn chính phủ, đề xuất hai điều kiện tiên quyết để từ bỏ chiến lược "không Covid": tỷ lệ tử vong vì Covid-19 giảm xuống khoảng 0,1% và hệ số lây nhiễm cơ bản R0 ở mức 1-1,5, có nghĩa mỗi người nhiễm chỉ lây trung bình cho 1-1,5 người khác.
Hồi tháng 8, các nhà nghiên cứu về đợt bùng phát chủng Delta ở tỉnh Quảng Đông ước tính hệ số R0 của Delta là 6,4, cao hơn nhiều so với chủng virus lần đầu được phát hiện ở Vũ Hán. Giới khoa học hiện chưa thể xác định chính xác khả năng lây nhiễm và mức độ nguy hiểm của Omicron so với Delta.
Mặc dù 76% dân số của đất nước hơn 1,4 tỷ người đã tiêm chủng đầy đủ, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục duy trì chiến lược không Covid-19 cho tới khi "giới chức tự tin rằng tình trạng lây nhiễm diện rộng không gây áp lực cho hệ thống y tế hoặc tới khi nó trở nên không còn hữu dụng trước một biến thể dễ lây truyền hơn", Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực Đông Á tại công ty Capital Economics ở London, Anh, nhận định.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bay-tuan-trung-quoc-chat-vat-khong-covid-4399216.html