Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn so với các biến chủng khác

00:00' 09-12-2021
Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi cho biết bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron dường như có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với các chủng trước đây, mặc dù vẫn cần thêm nghiên cứu.


    muc do nghiem trong cua Omicron anh 1

    Hôm 6/12, tổng thống Nam Phi cho biết biến chủng Omicron đang lây lan nhanh hơn bao giờ hết ở nước này. Đó là một dấu hiệu cho thấy cách mà chủng mới có thể gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng trên toàn cầu.

    Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho biết vẫn có những tín hiệu tích cực khi bằng chứng ban đầu chỉ ra Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn so với các chủng khác của virus SARS-CoV-2.

    Mới đây, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện lớn ở Pretoria, tỉnh Gauteng, Nam Phi báo cáo những bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với người mắc Covid-19 họ từng điều trị trước đây.

    Người nhiễm chủng mới Omicron dường như ít có xu hướng ốm nặng hơn và điều này cũng được ghi nhận ở nhiều bệnh viện khác. Trên thực tế, họ cho hay hầu hết bệnh nhân bị nhiễm nhập viện vì những lý do khác và không có triệu chứng Covid-19.

    muc do nghiem trong cua Omicron anh 2

    Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân ở thị trấn Khayelitsha gần Cape Town, Nam Phi. Ảnh: Reuters.

    Dù vậy, các nhà khoa học cảnh báo không nên quá tin tưởng vào nhận định một phía. Biến chủng Omicron chỉ mới được phát hiện vào tháng 11 và cần thêm nghiên cứu trước khi các chuyên gia có thể tự tin khẳng định chắc chắn mức độ nguy hiểm của nó.

    Ngoài ra, tác động thực sự của virus corona không phải lúc nào cũng cảm nhận được ngay lập tức. Trên thực tế, các trường hợp nhập viện và tử vong do Covid-19 thường xảy ra chậm hơn, sau đợt bùng phát ban đầu, theo New York Times.

    Cảnh tượng chưa từng có

    “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu điều đó (Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn) trở thành sự thật. Nhưng tôi không chắc chúng ta có thể kết luận điều này ngay hay chưa", tiến sĩ Emily S. Gurley, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết.

    Ở Nam Phi, nơi các nhà khoa học cho biết Omicron đang dần trở thành chủng chi phối, đại dịch lại bùng phát một lần nữa. Một tháng trước, quốc gia này ghi nhận ít hơn 300 ca nhiễm mỗi ngày, nhưng vào hôm 4/12, con số này là hơn 16.000.

    "Nam Phi đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư. Chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ mắc bệnh chưa từng có kể từ đại dịch bùng phát", Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết.“Gần 1/4 (tương đương với 25%) kết quả xét nghiệm hiện cho kết quả dương tính. Hai tuần trước, tỷ lệ xét nghiệm dương tính chỉ khoảng 2%".

    Các quan chức y tế và nhà nghiên cứu nhận định Omicron có thể là biến chủng dễ lây lan nhất và sẽ sớm thay thế Delta trở thành chủng chi phối. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng sau hai năm sống cùng với các biện pháp hạn chế, thế giới sẽ lại bước vào một chu kỳ bệnh tật và phong tỏa với những thiệt hại kinh tế khác.

    Trong bối cảnh đó, báo cáo mới được công bố vào cuối tuần trước từ các bác sĩ tại Bệnh viện quận Tshwane và Steve Biko Academic ở Pretoria, đã làm dấy lên hy vọng mới trong cuộc chiến với biến chủng Omicron.

    muc do nghiem trong cua Omicron anh 3

    Người dân Nam Phi chờ lấy giấy chứng nhận sau khi tiêm vaccine ở thị trấn Orange Farm vào tuần trước. Ảnh: AP.

    Tác giả báo cáo, tiến sĩ Fareed Abdullah, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu về HIV/AIDS và Bệnh lao tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, cho biết ông đã theo dõi 42 bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện vào hôm 2/12 và nhận thấy 29 người trong đó (tương đương 70%) vẫn hô hấp bình thường. Trong số 13 người thở oxy, 4 người sử dụng thiết bị này với lý do không liên quan đến Covid-19.

    Chỉ một người trong số 42 bệnh nhân được đưa vào khu hồi sức tích cực (ICU). Báo cáo phù hợp với số liệu do Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia công bố vào tuần trước, cho thấy chỉ 106 bệnh nhân vào ICU trong hai tuần, dù số ca nhiễm tăng vọt.

    Trong một cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Abdullah kể lại khi bước vào khu điều trị Covid-19, ông đã chứng kiến "cảnh tượng chưa từng thấy ở các giai đoạn trước của đại dịch".

    "Trong số 17 bệnh nhân, có 4 người thở oxy. Với tôi, đó không phải khu điều trị Covid-19, trông giống khu khám bệnh bình thường hơn", ông nói.

    Báo cáo mới đây cho biết hầu hết bệnh nhân ở Nam Phi được nhập viện “vì những chẩn đoán không liên quan đến Covid-19”. Họ đều được phát hiện một cách “ngẫu nhiên” và “phần lớn là do chính sách bệnh viện yêu cầu xét nghiệm tất cả bệnh nhân”.

    Theo báo cáo, hai bệnh viện lớn khác ở tỉnh Gauteng, bao gồm Pretoria và Johannesburg - điểm nóng dịch bệnh hiện nay - có tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 cần thở oxy thậm chí còn thấp hơn.

    Ông Abdullah cũng xem xét tất cả 166 bệnh nhân mắc Covid-19 được đưa vào tổ hợp bệnh viện Biko-Tshwane kể từ ngày 14-29/11. Ông nhận thấy thời gian nằm viện trung bình của họ là 2,8 ngày và dưới 7% tử vong. Trong 18 tháng trước, thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân là 8,5 ngày, và tỷ lệ tử vong là 17%.

    Điều này có thể được xem là tín hiệu tích cực bởi bệnh nhân nhập viện ít ngày sẽ giảm thiểu sức ép cho các cơ sở y tế.

    Ngoài ra, 80% trong số 166 bệnh nhân dưới 50 tuổi. Số liệu tương tự cũng được báo cáo trên khắp tỉnh Gauteng, cho thấy một sự tương phản rõ rệt so với nhóm bệnh nhân Covid-19 nhập viện vào các đợt dịch trước - những người thường lớn tuổi hơn. Điều này có thể cho thấy Nam Phi có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao ở nhóm trên 50 tuổi, trong khi đó tỷ lệ này thấp hơn ở người trẻ.

    Chưa thể kết luận chắc chắn

    Dù vậy, tiến sĩ Fareed Abdullah cho biết vẫn cần cân nhắc trước khi rút ra kết luận. Quy mô nghiên cứu của báo cáo trên còn nhỏ, chưa được bình duyệt và ông Fareed Abdullah không biết chắc chắn số bệnh nhân nhiễm Omicron - mặc dù chính phủ báo cáo vào tuần trước rằng nhóm này chiếm 3/4 số mẫu virus ở Nam Phi.

    muc do nghiem trong cua Omicron anh 4

    Các chuyến bay ở Nam Phi đã bị hủy sau khi nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng lệnh hạn chế đi lại. Ảnh: New York Times.

    Tiến sĩ Gurley ở Johns Hopkins cũng lưu ý mức độ nghiêm trọng của bệnh không chỉ phản ánh đặc tính biến chủng, nó còn đặc trưng bởi đối tượng lây nhiễm. Hai năm sau đại dịch, nhiều người có kháng thể với virus thông qua tiêm chủng, lây nhiễm tự nhiên hoặc cả hai. Điều này có thể khiến các triệu chứng nhẹ hơn.

    "Chúng tôi chưa thể dự đoán nguy cơ của biến chủng từ kết quả trình tự gene. Hiện chúng tôi đang nhận thông tin từ Nam Phi - một khu vực có thể đã có miễn dịch từ trước", bà nói.

    Trong khi đó, tiến sĩ Maria D. van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết ngay cả khi tỷ lệ bệnh trở nặng thấp hơn, Omicron với các đột biến có khả năng lây lan nhanh vẫn là vấn đề.

    Một câu hỏi lúc này nữa là liệu vaccine có còn hiệu quả mạnh mẽ trước Omicron hay không. Báo cáo của tiến sĩ Abdullah và các đồng nghiệp chưa giải đáp được điều này.

    Ông Abdullah thừa nhận những hạn chế đó và lưu ý số ca chuyển nặng vẫn có thể tăng trong thời gian tới. Nhưng cho đến nay, mặc dù số ca mắc bệnh gia tăng đột biến, Nam Phi vẫn đang tránh được "thảm họa" tử vong do Covid-19.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
iRest Australia Vùng: Lidcombe. Phone: 1800 879 219
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/bien-chung-omicron-lay-lan-nhanh-nhung-co-the-gay-benh-nhe-hon-post1281910.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ