Thách thức chờ đợi thủ tướng tương lai Nhật Bản
Cựu ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hôm qua giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ghế chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, sau cuộc so kè quyết liệt với ba ứng viên khác. Ông gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm Thủ tướng Yoshihide Suga sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào cuối tháng 11.
Ngay trong bài phát biểu chiến thắng sau cuộc bỏ phiếu, Kishida thừa nhận những thách thức ông sẽ phải đối mặt. "Chúng ta có cả núi vấn đề ở phía trước liên quan đến tương lai đất nước", Thủ tướng tương lai của Nhật Bản nhấn mạnh.
Fumio Kishida phát biểu tranh cử ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, hôm 17/9. Ảnh: Reuters.
Những thách thức này nổi lên cả ở trong và ngoài nước. Trong khu vực, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi Triều Tiên lại bắt đầu thử tên lửa sau nhiều tháng im ắng.
Đảo Đài Loan và Trung Quốc đều đang muốn trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Với tư cách là thủ tướng tiếp theo của Nhật, thành viên hàng đầu của CPTPP, Kishida nhiều khả năng sẽ phải tìm ra phương cách không làm phật lòng cả hai nền kinh tế.
Là ngoại trưởng tại vị lâu nhất của Nhật Bản và dày dạn kinh nghiệm ngoại giao, Kishida có lợi thế lớn trong việc quản lý chính sách đối ngoại, theo Motoko Rich, bình luận viên của NYTimes. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng ông sẽ duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ và tiếp nối chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" mà hai người tiền nhiệm Shinzo Abe cùng Yoshihide Suga đã thực hiện.
Trong chiến lược này, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục củng cố liên minh với Australia và Ấn Độ nhằm tạo ra một bức "tường thành" ứng phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, an ninh.
Kishida trước đây nổi tiếng là người ôn hòa trong phe cánh hữu nhiều ảnh hưởng do cựu thủ tướng Abe dẫn dắt, nhưng trong cuộc chạy đua cho ghế thủ tướng, ông lại thể hiện một lập trường khá cứng rắn và quyết liệt đối với Trung Quốc.
Với tư cách đại biểu quốc hội của thành phố Hiroshima, Kishida phản đối vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, ông lại thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Nhật Bản tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, vốn đã ngừng hoạt động từ sau vụ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima 10 năm trước.
Về đối nội, Kishida chủ yếu đưa ra những cam kết mang màu sắc chính sách từ thời cựu thủ tướng Abe, vốn chưa thể giải quyết được nhiều vấn đề thách thức, Rich nhận định.
Bất bình đẳng thu nhập đang gia tăng khi rất ít người lao động được hưởng lợi từ hệ thống việc làm trọn đời được ca ngợi của Nhật Bản. Đây là một thực tế được phản ánh trong chiến dịch tranh cử của Kishida về một "chủ nghĩa tư bản mới" khuyến khích các công ty chia sẻ nhiều lợi nhuận hơn với những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu.
"Nợ tích lũy của Nhật đang tăng lên và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cũng đang được nới rộng hơn", Tsuneo Watanabe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hòa bình Sasakawa ở Tokyo, nhận xét. "Tôi nghĩ ngay cả một thiên tài cũng không thể giải quyết vấn đề này".
Về đại dịch Covid-19, Kishida bước đầu có thể không phải đối mặt với một số áp lực như với người tiền nhiệm Suga, khi chiến dịch tiêm chủng của Nhật đang tăng tốc và gần 60% người dân đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, ông lại đưa ra rất ít chính sách giải quyết các vấn đề khác như già hóa, suy giảm dân số hay biến đổi khí hậu.
Trong một cuộc phỏng vấn, Kishida từng cho biết ông cần "chứng cứ khoa học" về việc các hoạt động của con người đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Kishida cũng tuyên bố ông không tán thành hôn nhân đồng giới, đi ngược lại quan điểm ủng hộ của đại đa số công chúng, nhưng đây lại là quan điểm của giới tinh hoa bảo thủ trong đảng LDP.
"Tôi nghĩ Kishida hiểu rõ vì sao ông chiến thắng và nó không phải là nhờ thu hút ủng hộ từ công chúng, cũng không phải vì ông tranh cử với tư cách người theo chủ nghĩa tự do", Tobias Harris, chuyên gia tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ ở Washington, nhận định.
Ở nhiều khía cạnh, cuộc bỏ phiếu ngày 29/9 giống như một cuộc trưng cầu dân ý về ảnh hưởng lâu dài của cựu thủ tướng Abe, người từ chức vào mùa thu năm ngoái vì lý do sức khỏe sau 8 năm liên tiếp lãnh đạo đảng LDP. Khi ông từ chức, đảng đã chọn Suga, người từng là chánh văn phòng nội các cho Abe, dường như nhằm nối tiếp di sản của ông.
Nhưng trong một năm qua, công chúng ngày càng thất vọng khi Suga không thể kết nối với những cử tri là người dân bình thường. Dù Abe tuyên bố ủng hộ Sanae Takaichi, một người theo đường lối bảo thủ cứng rắn ôm hy vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, các nhà phân tích và nghị sĩ tin rằng ông đã quay sang hậu thuẫn Kishida ở giai đoạn cuối của quá trình tranh cử, yếu tố quan trọng giúp cựu ngoại trưởng chiến thắng, nhưng cũng ràng buộc ông với di sản của Abe.
"Kishida không thể đi ngược lại mong muốn của cựu thủ tướng Abe", Shigeru Ishiba, cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật, người từng hai lần thách thức Abe cho vị trí lãnh đạo đảng, bình luận. "Điều rõ ràng là ông ấy phụ thuộc vào ảnh hưởng của Abe".
Trong chiến dịch tranh cử, cam kết về "chủ nghĩa tư bản mới" mà Kishida đưa ra dường như đi ngược lại với quan điểm của Abe. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là một chiến lược quen thuộc trong đảng LDP, khi các ứng viên đưa ra lập trường chính sách giống với phe đối lập, nhằm khiến các cử tri yên tâm.
"Đây là một trong những lý do khiến họ giữ vững vị thế đảng cầm quyết suốt quãng thời gian dài như vậy", Saori N. Katada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam California, đánh giá. "Kishida chắc chắn đã nắm bắt được bí quyết này và tận dụng nó".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nui-thach-thuc-cho-don-thu-tuong-tuong-lai-nhat-4364461.html