Tehran đã hoàn thiện hơn 20 loại tên lửa khác nhau
Tên lửa Qadr của Iran trong một cuộc phóng thử tên lửa.
Ông Vladimir Sazhin, chuyên gia về khu vực Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông của Nga cho biết, Tehran đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc sản xuất tên lửa khi họ đã hoàn thiện hơn 20 loại tên lửa khác nhau, và rằng lệnh cấm vận nghiêm khắc mà Mỹ áp dụng để ngừng chương trình tên lửa của Iran sẽ không có tác dụng.
“Trong những năm gần đây, Iran đã mua, nâng cấp và thiết kế nhiều chủng loại tên lửa tầm ngắn chiến lược”, ông Sazhin cho biết. “Tuy nhiên, Iran chú trọng vào việc chế tạo tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu ở xa”. Chuyên gia người Nga khẳng định chương trình tên lửa của Tehran đã phát triển nhanh chóng trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.
Chương trình phát triển tên lửa của Iran được bắt đầu từ thời Chiến tranh Iran – Iraq (kéo dài từ năm 1980 – 1988). Khi đó, Tehran mua về tên lửa Scud-B và Scud-C do Liên Xô thiết kế từ Libya, và sau một quá trình nâng cấp các loại tên lửa tầm ngắn này lần lượt được mang tên Shahab-1 và Shahab-2.
Ông Sazhin khẳng định Iran đã chế tạo thành công Shahab-3, có tầm bắn vào khoảng 1.700km. Loại tên lửa này cũng là tiền đề để Iran phát triển dòng tên lửa Qadr: Qadr-101 có tầm bắn 80km, trong khi đó Qadr-110 có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách khoảng 2.000 đến 2.500km.
Chuyên gia người Nga nhấn mạnh rằng Tehran cũng có kế hoạch phát triển một loại tên lửa Shahab mới, có thể đạt tầm bắn 5.000 đến 6.000km. Các chuyên gia Iran cũng đang chế tạo các loại tên lửa nhiên liệu rắn, và vào năm 2009, một tên lửa hai tầng mang tên Sajil đã được thử nghiệm. Được biết, tầm bắn của tên lửa này vào khoảng 2.000km, và với việc giảm trọng lượng mũi tên lửa xuống còn 500kg, nó sẽ bay được một quãng đường lên đến 3.000km.
Ông Sazhin khẳng định tên lửa của Iran “có thể được dễ dàng vận chuyển và hoạt động tốt ở nhiều điều kiện thời tiết”, chúng cũng được ngụy trang cẩn thận và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không. “Tên lửa Iran là mối đe dọa tiềm tàng đối với những đối thủ của nước này, và vì vậy nhiều quốc gia đã tỏ ra lo lắng”, chuyên gia người Nga nói.
Theo ông Sazhin, chính sách cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran đã không đạt được kết quả như Mỹ mong muốn. Sau khi Tổng thống Donald Trump ký kết lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Nga và Triều Tiên vào đầu tháng 8, Tehran đã gia tăng ngân sách phát triển tên lửa từ 300 triệu USD lên thành 520 triệu.
Chuyên gia người Nga cho biết, mặc dù các nghị sĩ Mỹ khẳng định rằng chương trình phát triển tên lửa của Tehran đã vi phạm nội dung được nêu ra trong thỏa thuận hạt nhân Iran, song trong thỏa thuận này không có điều luật nào nghiêm cấm thử nghiệm tên lửa.
Tuy nhiên, Nghị định 2231 của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Iran không được thực hiện các hoạt động liên quan đến việc chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Dự án tên lửa Iran dự kiến sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán quốc tế được Liên Hợp Quốc chấp thuận trong thời gian tới.
“Việc áp đặt sức ép lớn đối với Iran vì chương trình tên lửa của họ là không hiệu quả và sẽ không mang lại tác dụng”, ông Sazhin nhấn mạnh.
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1892335