Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ với ASEAN giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Hàn Quốc tập trận tên lửa đạn đạo Hyunmoo sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap
Đây là nhận định được đăng trong bài bình luận của Tiến sỹ Chheang Vannarith, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, trên tờ Khmer Times mới đây.
ASEAN có vai trò quan trọng trong chiến lược của Hàn Quốc đối phó với Triều Tiên nếu ASEAN có thể tạo ra một môi trường cho việc đối thoại, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột. Triều Tiên là một thành viên của Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF) - cơ chế duy nhất trong khu vực mà Triều Tiên là thành viên.
Trong tình hình bất ổn an ninh do Triều Tiên gây ra sau hàng loạt cuộc thử tên lửa và hạt nhân, Hàn Quốc đã cố gắng tăng cường hợp tác chiến lược và an ninh với ASEAN để tạo nên một khung áp lực ngoại giao và kinh tế với Triều Tiên và hy vọng về một Bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân.
Tại phiên họp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 tại thủ đô Manila (Philippines), các Bộ trưởng đã kêu gọi Triều Tiên “tuân thủ nghiêm túc và ngay lập tức các nghĩa vụ được đưa ra trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)”.
Hiện nay, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ năm của ASEAN sau Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. ASEAN là điểm đến đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Mỹ.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc vào ASEAN đã đạt 4,16 tỉ USD vào năm 2016, chiếm 15,3% đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc. Indonesia, Singapore và Việt Nam là những đối tác chính nhận đầu tư từ Hàn Quốc.
Liên quan tới an ninh và hợp tác chiến lược ASEAN, Hàn Quốc đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Một trong những lý do là vì Hàn Quốc chưa đủ khả năng và sự tự tin để mở rộng hợp tác chiến lược tại Đông Nam Á.
Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc thường tập trung vào Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên được coi là mối đe dọa chính tới an ninh quốc gia của Hàn Quốc. Do đó, chính sách quốc phòng của Hàn Quốc xoay quanh mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Gần đây, Seoul đã bắt đầu coi ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng trong vấn đề Triều Tiên khi mà Đông Nam Á là một trong những khu vực kinh tế và ngoại giao hiếm hoi còn có mối liên hệ với Triều Tiên.
Các phương pháp tiếp cận kép đã được thực hiện trong việc đối phó với Triều Tiên, bao gồm cả áp lực lẫn đối thoại. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chọn việc gây áp lực nhiều hơn với Bình Nhưỡng trong khi vẫn đối thoại trực tiếp.
Ông Trump đã kêu gọi Trung Quốc gây áp lực với Triều Tiên vì Trung Quốc có nhiều cơ sở để làm việc này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại chọn đối thoại để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh: Kyodo
Nước Mỹ đôi khi lại gửi những tín hiệu không rõ ràng tới các đồng minh và đối tác trong khu vực. Hàn Quốc và Nhật Bản muốn sử dụng các biện pháp ngoại giao, trong khi tìm kiếm thêm sức ép từ cộng đồng quốc tế để cô lập và trừng phạt việc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Mỹ sẽ không có hành động quân sự đơn phương chống lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không có sự tham khảo ý kiến và đồng thuận từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tăng cường hợp tác ba bên Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản được kỳ vọng sẽ có thể giải quyết tốt hơn vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản lại thường bị hạn chế bởi thái độ căng thẳng trước đây do lịch sử và chủ nghĩa dân tộc, do đó làm suy yếu sự hợp tác 3 bên này.
ASEAN là một nhân tố khu vực quan trọng có thể trấn an tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên bằng cách tạo ra một kênh đối thoại đa phương. ASEAN đã có uy tín trong việc xây dựng sự hợp tác giữa các nước lớn và gây dựng lòng tin thông qua đối thoại.
Hàn Quốc cần xây dựng một chiến lược để làm việc với ASEAN. Bằng cách tăng cường vai trò chiến lược và an ninh trong khu vực, Hàn Quốc có thể góp phần xây dựng cân bằng chiến lược và tăng cường chủ nghĩa đa phương an ninh ở Đông Á.
Nhà nghiên cứu Jaehyon Lee thuộc Học viện Nghiên cứu Chính sách ASEAN tại Seoul cho biết: “Quan hệ hợp tác chiến lược sâu hơn và chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Hàn Quốc là một cách hữu ích để khôi phục hợp tác đa phương khu vực ở Đông Á”.
Chiew-Ping Hoo, một chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia Malaysia, cho rằng Hàn Quốc sẽ sử dụng vị trí trung tâm ngoại giao của ASEAN trong việc tiếp cận Triều Tiên, cho phép sự trung lập của bên thứ ba để thúc đẩy việc nối lại đàm phán liên Triều thông qua nền tảng ASEAN.
Rõ ràng, vấn đề Triều Tiên không thể được giải quyết trừ khi cộng đồng quốc tế có thể hợp tác với nhau để thực thi hiệu quả các nghị quyết của LHQ. ASEAN đã và nên đóng một vai trò trong nỗ lực toàn cầu ngăn chặn vũ khí hạt nhân.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1892345