Tàu sân bay Mỹ - Trung răn đe lẫn nhau trên Biển Đông

15:00' 16-04-2021
Việc hai nhóm tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc xuất hiện cùng lúc trên Biển Đông được cho động thái dằn mặt nhau giữa hai cường quốc.


    Báo Global Times của Trung Quốc hôm 11/4 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến vào Biển Đông sau khi hoàn thành 7 ngày diễn tập quanh đảo Đài Loan.

    Hình ảnh được vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp hôm 10/4 cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh vượt eo biển Luzon nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines, tiến vào Biển Đông và xuất hiện ngoài khơi quần đảo Đông Sa do Đài Bắc kiểm soát.

    Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh vượt eo biển Luzon hôm 10/4. Ảnh: ESA.

    Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh vượt eo biển Luzon hôm 10/4. Ảnh: ESA.

    Thông tin về hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc được đưa ra sau khi Lầu Năm Góc ngày 9/4 thông báo nhóm tàu đổ bộ tấn công Makin Island đã tiến vào Biển Đông, hội quân với nhóm tàu sân bay Theodore Roosevelt đang hoạt động ở khu vực nhằm thực hiện các "chiến dịch Lực lượng Tiến công Viễn chinh".

    Trước khi hội quân, hai nhóm tàu chiến Mỹ đã tổ chức diễn tập với Malaysia và Singapore, hai đối tác quan trọng của Mỹ, trên Biển Đông.

    "Lực lượng tiến công viễn chinh này là bằng chứng đầy đủ rằng chúng tôi vẫn duy trì được một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy, có khả năng ứng phó với mọi tình huống bất trắc, ngăn chặn các hành động gây hấn, đồng thời mang đến an ninh và ổn định cho khu vực nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", tướng Stewart Bateshansky, chỉ huy Hạm đội Đổ bộ số ba thủy quân lục chiến Mỹ, tuyên bố.

    Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng đây không phải lần đầu tiên nhóm tác chiến đổ bộ Mỹ xuất hiện ở Biển Đông, nhưng đặt trong bối cảnh căng thẳng hiện nay tại khu vực, đó là hành động "đáng chú ý".

    "Tôi nghĩ USS Makin Island có thể qua Biển Đông và Thái Bình Dương để đến cảng nhà ở San Diego và sẽ thực hiện các cuộc diễn tập trong lúc di chuyển", Koh nhận định.

    "Nhóm tác chiến USS Mankin Island sẽ phô diễn sức mạnh của hải quân Mỹ", nhà bình luận quân sự Liang Guoliang nhận xét. Theo Liang, động thái này phát đi thông điệp tới quân đội Trung Quốc rằng kể cả Bắc Kinh xây ba đường băng có thể tiếp nhận mọi loại chiến đấu cơ trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở Trường Sa, Mỹ vẫn có thể đối phó được nhờ khả năng đổ bộ mạnh nhất thế giới của mình.

    Mỹ hôm 11/4 đăng bức ảnh cho thấy khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Mustin của họ đang bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc, động thái mà các chuyên gia tin rằng nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh.

    "Trong ảnh, hạm trưởng Mỹ Robert Briggs trông rất thư giãn, gác một chân lên quan sát tàu Liêu Ninh cách đó vài nghìn mét, trong khi cấp phó của ông ngồi bên cạnh, cho thấy họ xem thường hải quân Trung Quốc", Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện phòng vệ trên biển Đài Loan ở Cao Hùng, đánh giá. "Bức ảnh là một dạng 'chiến tranh nhận thức', cho thấy Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa tức thời".

    Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defense Review Andrei Chang nhận định bức ảnh là "lời cảnh báo với quân đội Trung Quốc" rằng Mỹ nắm trong lòng bàn tay về mọi di biến động của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.

    USS Makin Island (phía trên) hội quân với USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông hôm 9/4. Ảnh: US Navy.

    USS Makin Island (phía trên) hội quân với USS Theodore Roosevelt trên Biển Đông hôm 9/4. Ảnh: US Navy.

    Về phía Trung Quốc, tờ Global Times ngày 11/4 gọi các cuộc diễn tập của Mỹ ở Biển Đông là hành động gây hấn. Tuy nhiên, bàn về việc tàu sân bay hai nước xuất hiện cùng thời điểm, chuyên gia quân sự Hong Kong Tống Trung Bình cho rằng đây "chỉ là sự trùng hợp".

    "Những trùng hợp như thế này sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn khi Trung Quốc tiếp tục phát triển chương trình tàu sân bay", một nhà phân tích quân sự giấu tên nói với Global Times.

    Dù vậy, chuyên gia quân sự Ngụy Đông Húc ở Bắc Kinh nhấn mạnh các cuộc diễn tập của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông cũng nhằm giúp nước này "kiềm chế hoạt động quân sự của Mỹ" ở khu vực, dựa trên quan điểm rằng các động thái của Mỹ là "động thái khiêu khích".

    Bình luận viên Tống Trung Bình tỏ ra đồng tình, bổ sung thêm rằng bên cạnh việc quản lý những rủi ro về xung đột quân sự với Mỹ, quân đội Trung Quốc nên tiếp tục tăng cường sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nỗ lực phát triển khả năng và trở thành lực lượng đối trọng với Mỹ, bên đang cố gắng "kiềm chế Trung Quốc".

    Giới quan sát Trung Quốc còn đánh giá chính quyền Biden sẽ tiếp tục dựa vào "quân bài Đài Loan" để gây áp lực lên Bắc Kinh. Việc Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây ban hành hướng dẫn mới về tương tác giữa chính phủ nước này với các đối tác trên đảo Đài Loan bị coi là phép thử phản ứng của Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, họ cho rằng bản chất quan hệ giữa Mỹ và hòn đảo sẽ không thay đổi.

    Shi Hong, tổng biên tập tạp chí Vũ khí Hàng hải của Trung Quốc, tuần trước cho biết các tàu sân bay nước này đang hoạt động ở phía đông đảo Đài Loan có khả năng cô lập lực lượng của hòn đảo và cắt đứt chi viện của nước ngoài từ hướng đó.

    Tuy nhiên, giới phân tích nhận định hoạt động của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông gần đây cho thấy lực lượng Mỹ cũng có thể tiếp viện cho đảo Đài Loan từ phía nam nếu xung đột quân sự nổ ra. Mặc dù vậy, Tống Trung Bình cho hay quân đội Trung Quốc đã được chuẩn bị cho mọi tình huống.

    Theo bình luận viên Kyle Mizokami của tạp chí Popular Mechanics, đây có thể là lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc điều tàu sân bay đến Biển Đông cùng một lúc, và bức ảnh hạm trưởng USS Mustin Robert Briggs quan sát tàu sân bay Liêu Ninh đang di chuyển song song mang lại cảm giác đánh dấu sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới.

    Chỉ huy khu trục ham Mỹ USS Mustin quan sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tại biển Hoa Đông hồi đầu tháng 4. Ảnh: US Navy.

    Chỉ huy khu trục ham Mỹ USS Mustin quan sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tại biển Hoa Đông hồi đầu tháng 4. Ảnh: US Navy.

    "Nó gói gọn một cách hoàn hảo khoảnh khắc hải quân Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới phương Tây, đang quan sát sự phát triển vượt bậc của quân đội Trung Quốc. Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của họ, là biểu tượng tuyệt vời cho điều này", Mizokami nêu ý kiến.

    Tuy nhiên, Mizokami hy vọng hải quân Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động song song trong kỷ nguyên này, như cách hai con tàu di chuyển, thay vì chuyển hướng đối đầu với nhau.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Hikaru Sushi M-City Vùng: Seven Hills. Phone: 8512 0843
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tau-san-bay-my-trung-dan-mat-nhau-tren-bien-dong-4262275.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ