Tâm sự của một bà mẹ ở nhà chăm con được hàng nghìn mẹ đồng cảm vì cùng cảnh ngộ
Ngay từ giây phút đầu tiên con chào đời, gia đình bỗng trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết. Trong tưởng tượng của mỗi bà mẹ, mình và chồng sẽ cùng nhau chăm sóc con, cùng nhau chia sẻ công việc nhà. Một nhà 3 người sẽ sống cuộc sống tràn ngập tiếng cười.
Song, tiếc rằng đó chỉ là tưởng tượng. Thực tế thì có không ít các bà mẹ rơi vào trầm cảm sau sinh vì không nhận được sự sẻ chia của chồng. Các ông bố luôn tự mặc định rằng "ai đẻ thì người ấy chăm", còn việc của mình là kiếm tiền về nuôi gia đình. Chỉ có thế thôi.
Mới đây, một bà mẹ tên là Lizquizbluesclues, đến từ Mỹ, đã lên trang Reddit chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình. Điều đáng nói là bài đăng này hiện đang được lan truyền chóng mặt với hàng ngàn lời bình luận và lượt chia sẻ dù chỉ mới tồn tại được 2 ngày. Lý do câu chuyện của bà mẹ ở nhà chăm con này gây sốt vì nó chạm vào nỗi lòng chung của nhiều bà mẹ khác: Có chồng cũng như không.
Kể từ sau khi trở lại làm việc, chồng tôi đã quay về cuộc sống trước khi có con, bỏ mặc tôi loay hoay với mọi việc (Ảnh minh họa).
"Tôi không nhận được sự giúp đỡ nào từ anh ấy cả!"
Bà mẹ Lizquizbluesclues chia sẻ rằng chồng của chị năm nay 41 tuổi và có đủ tất cả các phẩm chất của một người đàn ông hoàn hảo. Anh ấy rất quan tâm và chăm sóc từng li từng tí khi chị mang thai. Sẵn sàng nghỉ phép ở nhà chăm vợ chăm con trong 2 tuần đầu tiên vợ mới sinh nở. Anh chấp nhận thức đêm thức hôm hỗ trợ vợ hút sữa hay cho con bú bình để vợ được nghỉ ngơi.
Chị Lizquizbluesclues nói: "Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi anh ấy trở lại làm việc. Anh ấy quay lại cuộc sống trước đây lúc chưa có con. Trong khi tôi dành cả ngày lẫn đêm để chăm sóc cho con và chỉ mong chồng trông hộ con một lát để đi làm việc riêng thì chồng tôi lại từ chối. Mỗi ngày, cứ vào đúng 4 giờ 30 phút chiều, chồng tôi về đến nhà, bế con gái lên nựng nịu vài phút rồi liền nhanh chóng đưa con trả lại cho mẹ.
Thay vì phụ vợ chăm con và nấu nướng thì anh ấy lại nằm dài trên ghế sofa để chơi game trên điện thoại. Tôi phải một mình làm tất cả mọi thứ, từ nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, bế con, cho con bú và ru con ngủ. Đã thế, con gái tôi lại là một đứa trẻ khó tính, hay khóc và ít khi bằng lòng. Tôi luôn ở trong trạng thái căng thẳng cực độ cả với con lẫn chồng".
Bà mẹ 1 con còn tiết lộ thêm rằng chồng của chị chẳng những không phụ vợ mà còn đòi hỏi vợ phải nấu một bữa tối hoàn chỉnh. Anh ấy chỉ bế con để vợ đi tắm trong vài phút, rồi sẽ ngay lập tức trả con lại cho mẹ khi chị vừa bước chân ra khỏi nhà tắm.
"Một vài lần hiếm hoi tôi được ra khỏi nhà để mua đồ dùng trong nhà. Đó là hình thức xả stress duy nhất của tôi. Tuy nhiên, trước khi đi, tôi phải ru con ngủ và chồng tôi chỉ có một nhiệm vụ là nằm bên cạnh canh con. Đôi lúc tôi cố tình la cà một chút để hai cha con tự xoay sở, khi trở về nhà đã thấy con ị trây trét cả ra người nhưng chồng tôi vẫn ngồi bình thản chơi game bên cạnh", người mẹ bức xúc kể.
Cảm giác cô đơn và mệt mỏi bao trùm lên toàn bộ cơ thể và tinh thần tôi (Ảnh minh họa).
"Cảm giác cô đơn và mệt mỏi bao trùm lên toàn bộ cơ thể và tinh thần tôi"
Chị Lizquizbluesclues cho biết mình cảm thấy cô đơn và mệt mỏi đến mức ước gì chồng không ở cùng nhà với hai mẹ con. Chị đã cố gắng nói chuyện với chồng về những gì chị đã và đang phải chịu đựng, nhưng mọi thứ luôn kết thúc trong thất vọng.
Chị tâm sự: "Khi tôi bảo với anh ấy rằng tôi cảm thấy thất vọng thì anh ấy lại cười khúc khích và nói với tôi bằng một giọng trẻ con rằng: "Vì sao em buồn?". Tôi nói chuyện nghiêm túc thì anh ấy hứa sẽ thay đổi nhưng thật sự mọi chuyện vẫn không có gì tiến triển. Tôi không biết phải làm gì. Tôi đã từng nghĩ rằng anh ấy sẽ là một người chồng tốt và sẽ là một người cha tốt khi chúng tôi có con. Song, có lẽ tôi đã lầm".
Ngay sau khi bài tâm sự được đăng tải, mọi người đã đổ xô vào chỉ trích hành vi tồi tệ của ông chồng này và an ủi bà mẹ.
- Đây là một người đàn ông vô tâm, vô trách nhiệm và sống ích kỷ. Anh ta còn thiếu cả sự thấu hiểu. Một người cha như thế này làm sao có thể nuôi dạy con nên người.
Bà mẹ cảm thấy cô đơn và mệt mỏi đến mức ước gì chồng không ở cùng nhà với hai mẹ con (Ảnh minh họa).
- Tôi đã từng giống như người chồng này – bỏ mặc vợ một mình loay hoay với hàng đống công việc không tên ở nhà. Cho đến khi vợ tôi kiệt sức và phải nhập viện. Tôi phải làm thay cô ấy tất cả mọi việc trong nhà. Lúc đó tôi mới thấu hiểu vợ mình đã vất vả như thế nào. Tôi đã từng trách vợ vô lý khi đòi hỏi tôi phải phụ giúp việc nhà trong khi cô ấy chỉ việc ở nhà chăm con. Tôi đã đòi hỏi cô ấy phải chăm lo cho mình khi tôi đi làm về. Tôi đã không nhìn thấy vợ mình đã nỗ lực như thế nào. Tôi cứ nghĩ mình là nạn nhân vì cho rằng mình là người gánh kinh tế nuôi cả nhà nên mình có quyền. Song, thực tế thì việc nuôi dạy một đứa trẻ vất vả hơn công việc rất nhiều.
Tuy vậy, cũng có một vài người khuyên bà mẹ này nên nói chuyện nghiêm túc với chồng.
- Chị cần phải có một cuộc nói chuyện thật sự nghiêm túc với chồng. Có thể anh ấy đã không biết mọi chuyện và cho rằng con ngủ cả ngày nên chị sẽ có nhiều thời gian rảnh. Chị cũng nên để anh ấy chăm con 3 giờ mỗi ngày để san sẻ bớt những vất vả của chị.
- Chồng đã nói rằng tôi có thể vừa địu con vừa làm việc nhà. Tôi bảo nếu anh ấy làm được như thế thì tôi cũng sẽ làm như thế. Kết quả là sau khi địu con được 5 phút trong khi hút bụi, anh ấy đã đến chỗ tôi xin lỗi.
Suy cho cùng, làm cha mẹ, nghe thì đơn giản nhưng thật ra lại là công việc khó khăn nhất trong cuộc đời của mỗi người. Thế nên, việc chăm sóc con cái và nhà cửa không phải là công việc riêng của các bà mẹ. Họ cũng cần được chồng và người thân giúp đỡ. Họ cũng cần được nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ chăm con mệt nhoài hay những đêm trông con thức trắng. Do đó, nếu thương vợ, các ông chồng hãy đưa vai vào san sẻ bớt những gánh nặng mà vợ mình đang mang đi nhé.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/dang-long-khi-nghe-tam-su-cua-mot-ba-me-o-nha-cham-con-hang-nghin-me-dong-cam-vi-thay-canh-ngo-cua-minh-giong-y-chang-20210320225718627.chn