Taliban trỗi dậy ngay khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan
Thiếu tá không quân Dastagir Zamaray lo sợ bị Taliban ám sát đến mức phải bán nhà và đưa gia đình đến khu vực được coi là an toàn ở thủ đô Kabul của Afghanistan.
Tuy nhiên, sĩ quan 41 tuổi này đã bị một tay súng đóng giả là người mua nhà nã đạn vào mặt tại văn phòng môi giới đất đai. Zamaray cố lấy súng ngắn để tự vệ, nhưng đối phương bắn bồi thêm một phát vào đầu, khiến sĩ quan này thiệt mạng tại chỗ, ngay bên cạnh đứa con trai 14 tuổi. Đứa bé được tha mạng, nhưng không còn nói chuyện với những người xung quanh, gia đình Zamaray cho hay.
"Cậu ấy chỉ đến đó vì quen thân với người môi giới và nghĩ nơi đó an toàn. Chúng tôi không nghĩ rằng cậu ấy sẽ chết ở đó", Samiullah Darman, anh vợ của Zamaray, cho hay.
Phi công cường kích A-29 của Afghanistan. Ảnh: Reuters.
Zamaray chỉ là một trong ít nhất 7 phi công không quân Afghanistan bị sát hại khi rời căn cứ trong những tháng gần đây. Loạt vụ ám sát được giới chức Mỹ và Afghanistan nhận định là âm mưu của Taliban nhằm xóa sổ lực lượng phi công được phương Tây đào tạo, vốn là một trong những tài sản quý nhất của quân đội Afghanistan.
Điều này có thể cho phép Taliban cân bằng lợi thế chiến trường, trong bối cảnh nhóm phiến quân này không có lực lượng không quân. Các tay súng Taliban đang chiếm nhiều vùng lãnh thổ từng nằm trong quyền kiểm soát của quân đội chính phủ Afghanistan, gây lo ngại rằng chính quyền ở Kabul được Washington hậu thuẫn có thể bị lật đổ chỉ trong vài tháng sau khi Mỹ rút quân.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid xác nhận thông tin về vụ sát hại Zamaray, cho biết nhóm phiến quân đang thực hiện chiến dịch nhắm vào các phi công không quân Afghanistan "vì họ đều ném bom vào người dân".
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy 229 dân thường Afghanistan đã thiệt mạng vì hoạt động quân sự của Taliban trong ba tháng đầu năm 2021, trong khi không quân Afghanistan cũng làm 41 người chết trong cùng thời gian.
Chính phủ Afghanistan không công khai số phi công bị ám sát. Lầu Năm Góc cho biết đã nắm thông tin về những vụ Taliban sát hại phi công quân sự Afghanistan, nhưng từ chối bình luận về hoạt động tình báo và điều tra liên quan tới những sự việc này.
Nhiều quan chức Mỹ và Afghanistan thừa nhận phi công quân sự là mục tiêu ám sát hàng đầu với Taliban. Họ có thể thực hiện những cuộc không kích nhằm vào vị trí tập trung phiến quân, đưa đặc nhiệm tới các khu vực sâu trong lãnh thổ đối phương kiểm soát và cung cấp hỏa lực chi viện cho binh sĩ dưới mặt đất. Quá trình đào tạo phi công quân sự mất nhiều năm và họ rất khó thay thế, khiến mỗi người thiệt mạng đều là mất mát lớn với quân đội Afghanistan.
Sự cố kỹ thuật và bị bắn rơi trong chiến đấu luôn là nguy cơ đe dọa tính mạng phi công. Tuy nhiên, họ lại dễ tổn thương nhất khi ở chính khu nhà của mình, nơi các sát thủ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. "Khi rời căn cứ, họ dễ mất mạng hơn nhiều so với lúc làm nhiệm vụ", tướng về hưu David Hicks, chỉ huy chương trình đào tạo không quân Afghanistan giai đoạn 2016-2017, nhận xét.
Các vụ ám sát nhằm vào phi công quân sự Afghanistan từng diễn ra trong quá khứ, nhưng loạt cuộc tấn công gần đây có tác động lớn hơn nhiều, khi không quân Afghanistan đang trải qua những thử thách chưa từng thấy, trong bối cảnh Mỹ đã rút 90% lực lượng khỏi quốc gia này.
Một tổ bay trực thăng Mi-17 Afghanistan chuẩn bị xuất phát làm nhiệm vụ. Ảnh: Reuters.
"Phi công không quân là mục tiêu hàng đầu của Taliban", một quan chức cấp cao Afghanistan giấu tên cho hay, thêm rằng giới chức đang cố gắng bảo vệ các phi công và gia đình bằng cách chuyển nhà của họ vào căn cứ, hoặc di dời đến những khu vực an toàn hơn.
David Petraeus, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan, cảnh báo sẽ xảy ra thảm họa nếu Mỹ không có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho quân đội Afghanistan sau khi rút quân.
Washington đang sơ tán nhiều thông dịch viên làm việc cho quân đội Mỹ, nhưng chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có mạo hiểm làm điều tương tự với các phi công hay không. Một số quan chức cho rằng việc rút lực lượng tinh nhuệ Afghanistan ra nước ngoài có nguy cơ đẩy nhanh sự sụp đổ của quân đội sau khi Mỹ rời đi.
Hai phi công Afghanistan thiệt mạng hôm 7/7 khi cố gắng sơ tán những binh sĩ bị thương trong cuộc giao tranh với Taliban. Nhóm phiến quân tuyên bố đã bắn rơi trực thăng Mi-17 của họ.
Bộ Quốc phòng Afghanistan xác nhận trực thăng bị rơi nhưng không cho biết nguyên nhân, trong khi một quan chức giấu tên xác nhận nó đã bị bắn hạ.
Phi công và máy bay đều là những tài sản rất quý giá với quân đội Afghanistan. Không quân nước này chỉ biên chế 13 trực thăng đa dụng Mi-17 và 65 tổ bay đủ khả năng vận hành chúng, theo dữ liệu của quân đội Mỹ hồi tháng 4/2021.
Toàn bộ không quân Afghanistan hiện có 160 máy bay và 339 tổ bay, trong khi số phi cơ có khả năng vận hành chỉ khoảng 140 chiếc, do nhiều máy bay đang bảo dưỡng.
Lực lượng này được xây dựng theo hình mẫu của Mỹ với nhiều trực thăng đa dụng UH-60 Black Hawk và vận tải cơ C-130H, nhưng không có kỹ thuật viên nào đủ trình độ bảo dưỡng chúng. Tất cả những máy bay này đều được duy trì hoạt động bởi các nhà thầu dân sự Mỹ, họ cũng đảm nhận nhiệm vụ bảo dưỡng cường kích hạng nhẹ A-29 Super Tucano và AC-208 Eliminator, cùng trực thăng MD-530.
Binh sĩ triển khai từ trực thăng UH-60 Afghanistan trong một cuộc diễn tập. Ảnh: Reuters.
Tổng thanh tra Lầu Năm Góc hồi năm 2020 cảnh báo toàn bộ máy bay không quân Afghanistan sẽ mất khả năng chiến đấu chỉ vài tháng sau khi các nhà thầu quân sự Mỹ rút đi.
Không quân và đặc nhiệm là những cột trụ trong chiến lược đối phó Taliban của chính quyền Afghanistan. Không quân có trách nhiệm bảo đảm yểm trợ hỏa lực và công kích mục tiêu đối phương, cũng như tải thương, vận chuyển hậu cần và binh sĩ, hỗ trợ lực lượng lục quân bị dàn mỏng khắp đất nước.
Taliban đã kiểm soát gần một nửa trong 407 quận khắp lãnh thổ Afghanistan kể từ khi Tổng thống Biden tuyên bố rút quân Mỹ hồi tháng 4. Đà tiến quân nhanh chóng của nhóm phiến quân khiến không quân Afghanistan ngày càng bị quá tải. Lực lượng này phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn dự kiến, đặt ra gánh nặng bảo dưỡng và khiến nhiều máy bay phải ngừng hoạt động.
"Không quân Afghanistan sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn hồi phục năng lực chiến đấu sau khi bị sử dụng quá mức như vậy", tướng Austin Miller, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan, nói hồi cuối tháng 6.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tham-kich-cua-phi-cong-afghanistan-khi-my-rut-quan-4308056.html