Súng trường chiến đấu phổ biến trở lại

04:00' 04-05-2024
Thay đổi trong môi trường chiến tranh hiện đại khiến súng trường chiến đấu dùng đạn cỡ lớn xuất hiện phổ biến trở lại, dù từng được coi là lỗi thời.


    Tuy không được sử dụng trong các tài liệu quân sự chính thống, thuật ngữ "súng trường chiến đấu" thường được dùng để phân biệt loại súng trường sử dụng đạn cỡ lớn 7,62x51 mm với các loại súng trường dùng đạn cỡ trung 5,56x45 mm.

    Súng trường chiến đấu bắt đầu được được dùng từ thời Thế chiến II, với sự xuất hiện của các dòng như M1 Garand của Mỹ, SVT-40 của Liên Xô, Gewehr 41 và 43 của Đức. Loại khí tài này trở nên phổ biến hơn trong Chiến tranh Lạnh, khi NATO chấp nhận sử dụng đạn cỡ lớn 7,62x51 mm, cũng như súng trường M14 và FAL.

    Súng trường chiến đấu dần biến mất trước việc NATO đưa vào sử dụng đạn cỡ trung 5,56x45 mm từ cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, loại khí tài này đã "hồi sinh" trong thế kỷ 21, khi nhiều quốc gia quay lại sử dụng những dòng súng trường có sức công phá mạnh hơn.

    Lính dù Israel cầm súng trường FAL trong buổi huấn luyện tháng 6/1965. Ảnh: Wikimedia

    Lính dù Israel cầm súng trường FAL trong buổi huấn luyện tháng 6/1965. Ảnh: Wikimedia

    Sau Thế chiến II, quân đội Liên Xô biên chế súng trường AK-47 dùng đạn cỡ trung 7,62x39 mm làm vũ khí tiêu chuẩn cho bộ binh. Được phân loại là súng trường tấn công, dòng AK có trọng lượng nhẹ hơn các loại súng trường khác, cho phép binh sĩ Liên Xô có thể khai hỏa với tốc độ lớn hơn và mang theo nhiều đạn hơn.

    Trong khi đó, súng trường FAL mà phần lớn các nước NATO sử dụng có chiều dài lớn hơn AK, đồng thời có thể khai hỏa đạn 7,62 mm chuẩn NATO với sức công phá mạnh hơn. Tuy nhiên, kích thước lớn của đạn khiến FAL chỉ được trang bị băng đạn 20 viên, so với 30 viên của dòng AK. Đây cũng là hạn chế của dòng súng trường M14 của quân đội Mỹ, do nó cũng sử dụng đạn 7,62 mm chuẩn NATO.

    Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhược điểm này đã khiến binh sĩ Mỹ gặp bất lợi trước các đối thủ sử dụng súng trường AK. Tuy đạn 7,62 mm chuẩn NATO giúp M14 có sức công phá mạnh hơn và tầm bắn hiệu quả xa hơn, tốc độ nhả đạn vượt trội của AK giúp người sử dụng chiếm ưu thế hỏa lực trong các cuộc giao tranh tầm gần, tình huống thường xảy ra trong môi trường rừng rậm mà binh sĩ Mỹ hay phải tác chiến trong giai đoạn này.

    Nhận thức được vấn đề, quân đội Mỹ đã biên chế thêm mẫu súng trường M16 sử dụng đạn cỡ trung .223 Remington. Loại đạn này sau đó được NATO chuẩn hóa thành đạn 5,56x45 mm.

    Việc NATO chấp nhận sử dụng đạn cỡ trung vào cuối thế kỷ 20 khiến súng trường chiến đấu nhanh chóng không còn được trọng dụng. Các quốc gia có đủ tiền đã thay hết súng FAL, M14 và G3 dùng đạn 7,62 mm chuẩn NATO bằng súng M16, AUG và G36 sử dụng đạn 5,56 mm.

    Binh sĩ Mỹ cầm súng trường M110 (trước) và M14 tại Afghanistan tháng 1/2013. Ảnh: Lục quân Mỹ

    Binh sĩ Mỹ cầm súng trường M110 (trước) và M14 tại Afghanistan tháng 1/2013. Ảnh: Lục quân Mỹ

    Nhẹ và cơ động hơn, các loại súng trường tấn công dạng này đã trở thành vũ khí bộ binh tiêu chuẩn của hầu hết các quân đội lớn trên thế giới. Một số quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển vẫn tiếp tục sử dụng súng trường chiến đấu, song chỉ biên chế cho lực lượng cảnh vệ, còn bộ binh chính quy thì chuyển sang dùng súng trường tấn công.

    Sang thế kỷ 21, đặc biệt là sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, những nhược điểm của súng trường tấn công và loại đạn cỡ trung mà nó sử dụng bắt đầu thể hiện rõ hơn.

    Súng trường tấn công không có độ chính xác và tầm bắn xa như súng trường chiến đấu, nên phải được sử dụng kèm với các dòng súng trường thiện xạ như M14 và M110 dùng đạn 7,62 mm chuẩn NATO để có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến. Đặc biệt là các khu vực đồi núi, nơi súng trường dùng đạn cỡ lớn được cho là lựa chọn hợp lý hơn so với súng dùng đạn cỡ trung.

    Quân đội Ấn Độ hồi năm 2021 đã mua hơn 140.000 khẩu súng trường chiến đấu dùng đạn 7,62 mm chuẩn NATO từ tập đoàn vũ khí SIG Sauer của Đức. Việc Ấn Độ, quốc gia sở hữu lực lượng vũ trang có quy mô lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đầu tư mạnh vào súng trường dùng đạn cỡ lớn cho thấy loại khí tài này đang dần lấy lại được vị thế.

    Sĩ quan Mỹ bắn thử súng trường XM7 tại căn cứ Fort Campell ở bang Kentucky tháng 9/2023. Ảnh: Lục quân Mỹ

    Sĩ quan Mỹ bắn thử súng trường XM7 tại căn cứ Fort Campell ở bang Kentucky tháng 9/2023. Ảnh: Lục quân Mỹ

    Năm 2022, quân đội Mỹ đã trao cho tập đoàn SIG Sauer hợp đồng thực hiện chương trình Vũ khí Phân đội Thế hệ Tiếp theo (NGSW), nhằm thay thế súng carbine M4 và súng máy hạng nhẹ M249 sử dụng đạn 5,56 mm chuẩn NATO được biên chế cho quân đội Mỹ từ nhiều thập kỷ trước.

    Súng trường XM7 và súng máy hạng nhẹ XM250, hai vũ khí thuộc dòng NGSW, đều dùng đạn cỡ lớn 6,8x51 mm Fury có kích thước tương tự đạn 7,62 mm chuẩn NATO, đánh dấu sự trở lại của súng trường chiến đấu trong biên chế quân đội mạnh nhất thế giới.

    Mỹ cho biết các cuộc giao tranh tầm xa ở Afghanisgtan và sự xuất hiện ngày càng nhiều của áo giáp chống đạn trên chiến trường là nguyên nhân khiến Lầu Năm Góc quay lại với dòng súng trường dùng đạn cỡ lớn.

    Lục quân Mỹ lên kế hoạch đặt mua khoảng 107.000 khẩu XM7 và 13.000 khẩu XM250 để trang bị cho binh sĩ. Tổng trị giá hợp đồng gồm súng và đạn ước tính khoảng 4,7 tỷ USD.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/su-hoi-sinh-cua-sung-truong-chien-dau-4729224.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ