Sức mạnh từ kho vũ khí chống tăng của Hamas

12:00' 22-11-2023
Hamas trong những năm qua không ngừng nâng cấp kho vũ khí, đặc biệt các hệ thống chống tăng, cản bước lực lượng Israel tác chiến ở Gaza.


    Trong những ngày đầu Israel mở chiến dịch tấn công Dải Gaza, tên lửa chống tăng của Hamas đã đánh trúng một xe bọc thép, khiến ít nhất 9 lính Israel thiệt mạng. Các phương tiện bọc thép khác trong đoàn cũng bị ảnh hưởng.

    Đấy là đòn đánh gây thương vong lớn nhất với Israel trong chiến dịch đáp trả Hamas. Nó cũng cho thấy sức mạnh kho vũ khí chống tăng của nhóm vũ trang Palestine.

    Nhiều năm trước, khi lực lượng Israel mở các chiến dịch quy mô nhỏ vào Dải Gaza, các thành viên Hamas thường đối phó bằng bom xăng và gạch đá. Song giờ đây, Hamas đã tự trang bị những vũ khí tốt nhất có thể, sử dụng cả tên lửa dẫn đường bằng laser và đạn chống tăng để chống lại sức mạnh hỏa lực áp đảo của Israel.

    Giới quan sát cho rằng xét về tổng thể, Israel vẫn có ưu thế hơn, bởi họ là một trong những lực lượng vũ trang có công nghệ tinh vi nhất thế giới. Tuy nhiên, trong các trận đánh cận chiến ở Gaza City, đô thị lớn nhất của dải đất, Hamas cho thấy kho vũ khí của họ đã được nâng cấp đáng kể.

    Quân nhân Israel tác chiến ở miền bắc Dải Gaza vào ngày 11/11. Ảnh: IDF

    Quân nhân Israel tác chiến ở miền bắc Dải Gaza vào ngày 11/11. Ảnh: IDF

    Hamas sở hữu số lượng lớn súng B-41 và tên lửa chống tăng dẫn đường, phần lớn được tuồn vào Dải Gaza thông qua hệ thống đường hầm, cửa khẩu trên bộ và đường biển trong một thập kỷ qua. Số vũ khí này nhiều khả năng xuất phát từ các cuộc chiến tranh ở Iraq, Libya, Syria, Sudan hoặc là sản phẩm do Iran sản xuất.

    Nhiều biến thể của các loại vũ khí này được Hamas lắp ráp ngày càng tinh vi trong các nhà máy dưới lòng đất ở Gaza.

    Giới phân tích nói Israel đã theo dõi chặt chẽ những loại vũ khí Hamas đang sở hữu, gồm súng bắn tỉa hiện đại, dù lượn, súng chống tăng, mìn nam châm, máy bay không người lái tự sát, tên lửa chống tăng, rocket tầm xa có thể vươn tới Haifa gần biên giới Lebanon ở phía bắc hay Eilat gần Biển Đỏ ở phía nam.

    Michael Milshtein, cựu quan chức IDF và hiện là nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Dayan thuộc Đại học Tel Aviv, cho rằng Hamas với khoảng 30.000 thành viên là một trong những nhóm vũ trang được trang bị vũ khí và huấn luyện tốt nhất ở Trung Đông.

    Milshtein cho biết khi theo dõi hai tuần đầu chiến dịch trên bộ của Israel, "không có gì bất ngờ về loại vũ khí của Hamas, nhưng bất ngờ về số lượng mà họ sử dụng". Chuyên gia này nói Israel phải đối mặt với "Hamas mạnh hơn rất nhiều" so với các lần đụng độ trước đây.

    Avi Melamed, cựu quan chức tình báo Israel và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Inside the Middle East, cũng cho rằng Tel Aviv sẽ phải đối mặt với những điều kiện "rất thách thức" khi chiến đấu với Hamas và đồng minh của họ ở Gaza.

    "Họ giờ là đối thủ được trang bị tốt, không phải nhóm non trẻ chỉ có những vũ khí thô sơ", Melamed nói.

    Việc Hamas triển khai lượng lớn "tổ chống tăng" chuyên đối phó với các đội hình tăng thiết giáp là điều đáng lo ngại với Israel đến mức IDF dường như đang tập trung tìm cách sử dụng lực lượng không quân và bộ binh để quét sạch họ.

    Cứ vài ngày một lần, quan chức truyền thông IDF lại công bố thông tin về việc lực lượng Israel đã hạ các chỉ huy đơn vị chống tăng của Hamas. Nhóm vũ trang Palestine không xác nhận thông tin thương vong, khiến các tuyên bố của Israel thường khó có thể xác minh độc lập.

    Kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ, IDF đã ghi nhận 41 binh sĩ thiệt mạng ở Gaza. Quân đội Israel nói rằng họ sẽ chịu thương vong nặng nề hơn nếu không dành cả thập kỷ qua để cải thiện hệ thống phòng thủ.

    Trong cuộc xung đột vào tháng 5/2021, các tổ chống tăng của Hamas đã có thể tấn công và gây thương vong cho quân nhân Israel, chứng tỏ chúng hiệu quả hơn những cuộc tập kích bằng rocket và UAV mà nhóm này vẫn thường tiến hành, theo Behnam Ben Taleblu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ ở Washington.

    "Phần lớn UAV và rocket của Hamas bị Israel đánh chặn, song các tổ chống tăng lại tung được những đòn giáng nặng nề vào lực lượng đối thủ", ông nói.

    Các vũ khí chống tăng mà Hamas triển khai gồm Bulsae-2, bản sao tên lửa dẫn đường Fagot thời Liên Xô, B-41 có nguồn gốc từ Nga, và một phiên bản của Triều Tiên được gọi là F-7, theo giới phân tích quân sự. Các hệ thống khác xuất hiện trong video của Hamas trước đây gồm Konkurs và Kornet kiểu Nga, cũng như Raad của Iran.

    "Những loại vũ khí này có thể gây khó khăn ngay cả cho những đội quân có công nghệ cao nhất thế giới trong các cuộc giao tranh đô thị", Taleblu nói, thêm rằng "Hamas sẽ tăng cường nhiều hơn vũ khí và tác chiến chống tăng khi IDF xâm nhập sâu hơn vào Gaza".

    Cục diện miền bắc Dải Gaza tính đến ngày 15/11. Đồ họa: War Mapper

    Lực lượng Israel đang bao vây miền bắc Dải Gaza. Đồ họa: War Mapper

    Trong thập kỷ trước, nhiều vũ khí chống tăng được tuồn vào Gaza thông qua đường hầm nối từ sa mạc Sinai của Ai Cập hoặc trên các xe tải qua cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Gaza, theo giới phân tích.

    Yehoshua Kalisky, chuyên gia vũ khí kiêm nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, nói rằng vũ khí có thể được tháo rời thành các bộ phận riêng lẻ và giấu trong những lô hàng thực phẩm, viện trợ.

    Trong số các vũ khí chống tăng của Hamas, một số được sản xuất bên trong Dải Gaza như đầu đạn Tandem 85, theo Amael Kotlarski, nhà phân tích cấp cao và chuyên gia vũ khí tại công ty tình báo quốc phòng Janes ở Mỹ.

    Những loại đạn này có thể xuyên qua phương tiện bọc thép hiện đại. Chúng là vũ khí đặc trưng của Iran được cung cấp cho các nhóm vũ trang như Hamas và từng được dùng để chống lại binh sĩ Mỹ ở Iraq.

    Israel đã phát triển hệ thống phòng thủ chủ động Trophy nhằm đối phó với những vũ khí này, theo Ryan Brobst, thành viên Quỹ Phòng vệ Dân chủ. Hệ thống Trophy sử dụng radar để theo dõi đầu đạn chống tăng đang bay tới và phóng đạn đánh chặn.

    Phần lớn các vụ đánh chặn đã thành công, song hệ thống Trophy vẫn có thể bị đánh bại trước cuộc tấn công với số lượng lớn hoặc ở cự ly gần.

    Nhà phân tích Kalisky cho biết trong chiến tranh Israel - Arab năm 1967, lực lượng Israel ở Sinai cần ba sư đoàn để đánh bại quân đội Ai Cập trong 6 ngày. IDF đang sử dụng cùng số lực lượng đó trong gần một tháng ở Gaza, nhưng chưa thể "nghiền nát" được Hamas như họ kỳ vọng.

    "Đây là cuộc chiến rất khác và khó khăn, vì đối thủ được trang bị kho vũ khí hùng hậu", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Pre-Uni New College Vùng: Oakleigh East. Phone: 8524 0062
Xem thêm

Trường pre-uni new college khai giảng các khoá học mới cho năm 2019


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-vu-khi-hamas-can-buoc-quan-doi-israel-o-gaza-4676359.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ