Sức ép của truyền thông Mỹ khi Trump tuyên bố chiến thắng sớm
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định có bài phát biểu tuyên bố chiến thắng ngay trong đêm 3/11, dù lượng lớn phiếu bầu gửi qua thư tại các bang chiến trường trọng yếu chưa được kiểm đếm, đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội trong truyền thông Mỹ.
Các kênh truyền hình sẽ phải chịu áp lực về quyết định có tường thuật bài phát biểu của Trump hay không, bởi một sự kiện như vậy được coi là "tin thời sự", nhưng nó cũng có thể là thông tin không đúng sự thật, tiềm ẩn nguy cơ kích động bạo lực khắp đất nước và phá hoại tiến trình dân chủ.
Sự xung đột về trách nhiệm này sẽ gia tăng sức ép lên mối quan hệ của Trump với truyền thông Mỹ, vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" suốt 4 năm qua.
Tổng thống Mỹ trong cuộc vận động tranh cử tại Sân bay Khu vực Fayetteville, thành phố Fayetteville, Bắc Carolinc hôm 2/11. Ảnh: AFP
Nếu Trump tìm cách tuyên bố một "chiến thắng" một cách kịch tính như vậy, khi các dữ liệu kiểm phiếu chưa được công bố đầy đủ, nó sẽ đổ thêm dầu vào lửa hoài nghi mà Trump đã thổi bùng lên về tính hợp pháp của cuộc bầu cử, với những tuyên bố lặp đi lặp lại rằng bỏ phiếu qua thư là một hình thức gian lận quy mô lớn.
Trump có thể sẽ tự tuyên bố mình là người chiến thắng sau khi chứng kiến "làn sóng đỏ ảo", những tín hiệu có lợi cho ông khi phiếu bầu trực tiếp được kiểm đếm nhanh hơn so với phiếu bầu qua thư. Với tuyên bố chiến thắng sớm, ông có thể tạo ra cảm tưởng rằng "cuộc bầu cử đã bị đánh cắp" nếu dữ liệu kiểm đếm phiếu bầu qua thư sau đó dập tắt "sóng đỏ ảo" này.
Jake Tapper, phóng viên của CNN, chỉ ra rằng bất kỳ tuyên bố chiến thắng sớm nào cũng vô nghĩa về mặt bầu cử, giống như việc một huấn luyện viên đội bóng khẳng định đã giành chiến thắng chỉ sau một hiệp đấu.
"Đó không phải là cách cuộc bầu cử hoạt động và kết quả kiểm phiếu không phụ thuộc vào tuyên bố của ông ấy", Tapper nói.
Nhưng nó vẫn khiến truyền thông Mỹ bối rối trước câu hỏi nên đưa tin thế nào về việc một tổng thống tuyên bố "chiến thắng", vốn có thể thu hút rất nhiều người xem, nhưng lại có khả năng gây bất ổn xã hội nghiêm trọng.
Vivian Schiller, cựu chủ tịch kiêm CEO của Đài phát thanh Quốc gia, đồng thời là giám đốc kỹ thuật số của NBC News, nhận định các hãng tin không có lý do gì để không lường trước hậu quả của một sự kiện như vậy.
Những tiêu đề như "Trump tuyên bố chiến thắng", đặc biệt là trên mạng xã hội, có thể "định hình dư luận và trở thành vũ khí chống lại sự thật và lòng tin vào quá trình dân chủ", Schiller nói.
Schiller đang giữ vai trò giám đốc điều hành của Aspen Digital, người đã lên kịch bản cho các ban tin tức về cách đưa tin cho cuộc bầu cử năm nay, đề nghị các kênh truyền hình Mỹ nên tích cực chống lại bất kỳ "chiêu trò" nào của Trump.
Một trong những kỹ thuật đó là hiển thị một cột thông tin, nhằm nhắc nhở khán giả rằng phiếu bầu vẫn đang được kiểm đếm và người chiến thắng vẫn chưa được công bố.
"Nếu Trump tiếp tục đưa thông tin sai lệch trong hơn một, hai phút, hãy cắt ngay sóng tường thuật trực tiếp và để phóng viên giải thích kết quả bầu cử không phải do ứng viên xướng lên. Hãy giải thích tại sao một tuyên bố chiến thắng sớm như vậy vừa sai lầm vừa gây nguy hiểm", cô nói.
Đêm bầu cử cũng có thể tạo ra thách thức lớn với những người khổng lồ trong giới truyền thông, sau khi đã phải chật vật suốt nhiều tháng để chống lại nạn tin giả suốt quá trình bầu cử. Facebook cho hay sẽ chặn quảng cáo chính trị trên nền tảng của mình sau khi cuộc bầu cử kết thúc, nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của lá phiếu.
Còn Twitter tháng trước cho hay sẽ không cho phép Trump hay Biden tuyên bố chiến thắng trên mạng xã hội này cho tới khi kết quả cuối cùng được quan chức bầu cử tuyên bố, hay ít nhất là hai hãng tin quốc gia uy tín công bố.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/truyen-thong-my-boi-roi-voi-kich-ban-trump-tuyen-bo-chien-thang-som-4186417.html