Bóng ma hạt nhân tiếp tục ám ảnh toàn cầu

04:00' 19-10-2024
Chiến tranh Lạnh kết thúc mang tới hy vọng về xóa bỏ vũ khí hạt nhân, song triển vọng đó đang dần lu mờ giữa loạt căng thẳng trên toàn cầu.


    Ủy ban Nobel Na Uy hôm 11/10 thông báo trao giải Nobel Hòa bình cho Tổ chức của Nạn nhân Bom nguyên tử và Bom khinh khí (Nihon Hidankyo) vì những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

    Ủy ban cho rằng nỗ lực phi thường của Nihon Hidankyo đã đóng góp rất lớn vào việc biến vũ khí hạt nhân trở thành "điều cấm kỵ" với thế giới trong thời gian dài.

    Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và Nga đã hợp tác để cùng vô hiệu hóa hơn 3.000 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai ở các nước như Belarus, Kazakhstan và Ukraine.

    Năm 1988, Nga có tới 41.000 vũ khí hạt nhân và Mỹ sở hữu 23.500 đầu đạn, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ. Tới năm 2012, Nga và Mỹ chỉ sở hữu chưa đến 5.000 đầu đạn mỗi nước.

    Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vào đầu những năm 1990. Một thập kỷ sau, Libya cũng đồng ý chấm dứt chương trình hạt nhân.

    Sau chiến tranh Iraq năm 2003-2011, Iran cũng đồng ý bắt đầu đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Iran năm 2015 đạt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với 6 cường quốc. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.

    Nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân từng đối mặt một số rào cản. Pakistan đã thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1998 và Triều Tiên có động thái tương tự vào năm 2006.

    Khi căng thẳng toàn cầu gia tăng trong những năm gần đây, sự đồng thuận về vấn đề này ngày càng lung lay. Ủy ban Nobel Na Uy lo ngại trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, điều cấm kỵ về vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa và nỗi lo về loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này ngày càng được quan tâm.

    "Lời cam kết về nỗ lực giải trừ vũ khí của các cường quốc hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh hiện tại dường như kém thực tế hơn bất kỳ lúc nào", Laurence Norman, nhà phân tích của WSJ, nhận định.

    Hình ảnh thử tên lửa xuyên lục địa Yars tại Plesetsk, tây bắc Nga được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26/10/2022. Ảnh: AP

    Hình ảnh phóng thử tên lửa xuyên lục địa Yars tại Plesetsk, tây bắc Nga được Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 26/10/2022. Ảnh: AP

    Tổ chức Chiến dịch Quốc tế Giải trừ Vũ khí hạt nhân (ICAN) nhận định thế giới hiện có 9 cường quốc hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Israel chưa từng công khai thừa nhận mình sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính nước này sở hữu khoảng 90 đầu đạn.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng trước công bố loạt đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân, trong đó cho phép nước này dùng vũ khí nguyên tử nếu bị không kích quy mô lớn. Moskva nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để phòng thủ.

    Nga gần đây cũng nhất trí triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, nước giáp với một số thành viên NATO như Ba Lan. Nikolai Sokov, cựu nhà ngoại giao Nga và hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, cho biết quyết định chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga cho Belarus cũng tương đương với hành động chia sẻ hạt nhân của Mỹ với các đồng minh châu Âu.

    Sokov cho biết ông Putin leo thang cảnh báo hạt nhân vì lo ngại phương Tây không coi trọng các lằn ranh đỏ của Moskva. Ông nhấn mạnh việc Nga đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân cũng là một tín hiệu như vậy.

    Tuy nhiên, những người khác coi hành động của Nga là động thái nới lỏng những điều cấm kỵ về sử dụng vũ khí hạt nhân. Cựu tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước chỉ trích Nga có những phát biểu "liều lĩnh" về hạt nhân.

    NATO đáp lại bằng cách công khai thông báo về cuộc tập trận hạt nhân thường niên Steadfast Noon, gửi tín hiệu rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột nếu cần.

    Ông Putin hồi tháng 2/2023 ký thông qua luật đình chỉ tham gia New START, thỏa thuận kiểm soát hạt nhân cuối cùng giữa Moskva và Washington. Nga khẳng định sẽ không tham gia New START tới khi nào Mỹ lắng nghe lập trường của Moskva.

    Một số chuyên gia tin rằng Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận không chính thức để duy trì giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà hai bên triển khai sau khi New START dự kiến hết hạn năm 2026.

    Tuy nhiên, Washington được cho phải đối mặt với áp lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Một ủy ban do quốc hội bổ nhiệm năm ngoái khuyến nghị Mỹ phải chuẩn bị tăng cường lực lượng hạt nhân để ngăn mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

    Khả năng phát triển hạt nhân của Trung Quốc được đánh giá là có tốc độ nhanh nhất, theo giới quan sát. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Trung Quốc có khoảng 500 đầu đạn và có thể đạt mức 1.500 vào năm 2035.

    Đầu năm nay, Elbridge Colby, quan chức Lầu Năm Góc dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, cho rằng Hàn Quốc nên xem xét mọi phương án khả thi, kể cả trang bị vũ khí hạt nhân, để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Giới quan sát nhận định Triều Tiên cũng đang nỗ lực mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

    Căng thẳng leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, từ bán đảo Triều Tiên, chiến trường Ukraine cho đến Trung Đông, đã khiến một số nước xem xét nghiêm túc về kịch bản sở hữu vũ khí hạt nhân, dù đây từng được coi là điều cấm kỵ.

    Giới chức Mỹ cho biết Iran có thể đủ khả năng chế tạo được vũ khí hạt nhân trong vài tháng. Điều này làm dấy lên lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, khi Arab Saudi tuyên bố sẽ có động thái tương tự nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

    Một số thành viên quốc hội Mỹ đã chỉ trích kế hoạch chia sẻ công nghệ hạt nhân với Arab Saudi trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa quốc gia Tây Á với Israel. Họ cho rằng bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào đều phải ngăn nguy cơ Arab Saudi có thể làm giàu uranium trong nước.

    Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu đang đứng bên bờ vực đổ vỡ hơn bất kỳ thời điểm nào từ Chiến tranh Lạnh. Nguy cơ đối đầu hạt nhân trở nên đáng lo ngại hơn, thay vì chỉ được xem là điều viển vông như trước.

    "Sự đồng thuận chung giữa các cường quốc về tầm quan trọng của nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân đã bị xói mòn. Tôi nghĩ chúng ta ít nhất sẽ thấy một thế giới với nhiều quốc gia có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân hơn", ông nói.

    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cơ sở làm giàu vật liệu hạt nhân cấp vũ khí, trong hình ảnh được công bố ngày 13/9. Ảnh: Rodong Sinmun

    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cơ sở làm giàu vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí, trong hình ảnh được công bố ngày 13/9. Ảnh: Rodong Sinmun

    Dù vậy, Matthew Kroenig, giám đốc cấp cao Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ ra rằng hơn 190 nước vẫn tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hiệp ước này coi hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân quan trọng hơn tìm kiếm lợi thế bằng cách cung cấp bom hạt nhân cho đồng minh.

    Theo NPT, các quốc gia không có bom hạt nhân sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình và trao quyền giám sát cho IAEA. Trong khi đó, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết hành động thiện chí để giảm kho vũ khí của họ.

    Nhưng Tổng giám đốc IAEA Grossi không lạc quan như vậy. Ông cho rằng môi trường toàn cầu căng thẳng hiện tại khiến "sức hấp dẫn của vũ khí hạt nhân" trở nên rất mạnh mẽ.

    "Đây thực sự là thời điểm khó khăn", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cang-thang-toan-cau-gay-lo-ngai-ve-bong-ma-hat-nhan-4805111.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ