Sữa cung cấp canxi và vitamin D, nhưng ai không nên uống?
Sữa luôn được biết tới là một loại thực phẩm giúp cung cấp canxi và vitamin D cho cơ thể. Bên cạnh đó, hương vị của sữa cũng rất thơm ngon, dễ uống nên thường được mọi người lựa chọn trong bữa sáng hay khi cần hồi phục sức lực cấp tốc.
Tuy nhiên, dù chứa nhiều lợi ích là vậy nhưng có một số đối tượng lại cần tránh tiêu thụ sữa, điển hình như 7 trường hợp sau đây.
Người mắc bệnh sỏi thận
Những người mắc bệnh sỏi thận thường được bác sĩ khuyến cáo nên tránh tiêu thụ sữa vì loại thực phẩm này có chứa hàm lượng canxi cao. Khi có tiền sử bệnh sỏi thận, việc bổ sung canxi quá mức có thể làm tăng quá trình hình thành sỏi trong thận, từ đó càng khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ hơn.
Người bị thiếu máu
Với những người bị thiếu máu do cơ thể không đủ sắt, việc uống sữa lúc này sẽ càng làm lượng canxi và phốt pho trong sữa ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt của cơ thể. Đặc biệt, nếu bạn bổ sung 300 - 600mg canxi cùng lúc thì sẽ làm ức chế quá trình hấp thu, ảnh hưởng đến việc bổ sung máu cho cơ thể.
Người mắc bệnh trào ngược dạ dày
Hàm lượng chất béo trong sữa có thể gây ảnh hưởng đến sự co bóp cơ vòng thực quản dưới, từ đó làm thúc đẩy quá trình trào ngược dịch dạ dày và ruột nên khiến tình trạng bệnh càng trở nên tồi tệ hơn.
Người bị viêm loét đường tiêu hóa
Những người bị viêm loét đường tiêu hóa nếu uống sữa sẽ làm kích thích lớp niêm mạc dạ dày, từ đó khiến ruột bài tiết nhiều axit. Điều này sẽ càng làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Người mắc bệnh dị ứng với sữa
Với những người được chẩn đoán bị dị ứng với đạm sữa bò thì chắc chắn không nên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Nếu cố tình uống sữa thì nguy cơ cao sẽ gặp phải những triệu chứng như tiêu chảy, nổi phát ban, ngứa ngáy khắp cơ thể...
Người bị viêm thận cấp
Cũng tương tự như người mắc bệnh sỏi thận, người bị viêm thận cấp mà uống sữa hàng ngày sẽ làm sản sinh nhiều amoniac trong cơ thể. Một lượng lớn amoniac xuất hiện sẽ làm gián đoạn quá trình bài tiết của thận. Vậy nên, những người bị viêm thận cấp cần kiểm soát chế độ ăn uống một cách chặt chẽ, cắt bỏ sữa ra khỏi thực đơn ăn uống để giảm bớt gánh nặng cho thận.
Người có chức năng túi mật hoặc tuyến tụy không tốt
Trong thành phần của sữa có khá nhiều chất béo nên để tiêu hóa thì bạn cần đảm bảo chức năng làm việc của túi mật và tuyến tụy luôn ở tình trạng tốt nhất. Nếu 2 cơ quan này không hoạt động ổn định, chất béo sẽ không tiêu hóa mà trực tiếp đi vào các phần khác của đường tiêu hóa, làm gia tăng gánh nặng lên đường ruột.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/sua-giup-phat-trien-chieu-cao-nhung-neu-mac-mot-trong-nhung-benh-sau-thi-ban-khong-nen-uong-20191121173131988.chn