Sự kiện Facebook tại Úc: Hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia
Sáng ngày 26/2, Facebook thông báo đã khôi phục nội dung trên trang của các hãng truyền thông Australia trên nền tảng xã hội này, sau hơn một tuần bị gián đoạn do bất đồng với Chính phủ Australia.
Trước đó ngày 25/2, Quốc hội Australia đã thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông do chính phủ liên bang đề xuất, trong đó quy định các công ty công nghệ toàn cầu phải trả phí cho việc sử dụng những nội dung tin tức của các hãng truyền thông Australia.
Chính phủ Australia khẳng định luật mới này sẽ bảo đảm rằng các hãng truyền thông "được chi trả công bằng cho nội dung tin tức tạo ra, giúp duy trì mối quan tâm của dư luận đối với báo chí". Mặc dù vậy, luật này đã bị các công ty công nghệ của Mỹ phản đối dữ dội.
Một doanh nghiệp đối đầu với cả một quốc gia?
Trước đó ngày 17/2, Facebook đã đưa ra quyết định hạn chế đọc và và chia sẻ nội dung tin tức ở Australia để phản ứng lại dự thảo luật về Bộ quy tắc thương lượng bắt buộc. Quyết định của Facebook đã tác động đến hơn 13 triệu người dùng Australia và lập tức gây ảnh hưởng tới các trang tin dịch vụ và xã hội y tế thiết yếu ở nước này, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa dịch COVID-19 trên cả nước.
Ngoài ra, nội dung trên trang tin của các cơ quan chính quyền địa phương như Cứu hỏa và Cứu hộ bang New South Wales, Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp bang Tây Australia, Cơ quan Y tế bang Nam Australia và Queensland Health trên Facebook cũng đều bị xóa và chỉ được khôi phục vào chiều ngày 18/2.
Hành động của Facebook đã kéo theo làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Thủ tướng Morrison thậm chí đã phát động một cuộc tấn công vào Facebook và tuyên bố việc công ty này đã "hủy kết bạn" với Australia, nhấn mạnh hành động của Facebook là đáng thất vọng.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch chính sách công của Facebook khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã lên tiếng xin lỗi vì vô tình xóa các trang do các tổ chức từ thiện, cơ quan chính phủ và cơ quan y tế địa phương Australia.
Đến ngày 19/2, Chính phủ Australia và Facebook đã có cuộc thảo luận quan trọng vào ngày 19/2. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết đã thảo luận 30 phút với Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg để tìm ra cách thức thoát khỏi tình trạng hiện nay.
Cuộc "so găng" giữa Australia và Facebook: Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo?. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN
Nội dung của Bộ quy tắc thương lượng truyền thông Australia
Bộ quy tắc thương lượng truyền thông của Australia được thông qua sau các cuộc đàm phán kể trên, với những sửa đổi có khả năng giúp Facebook và Google không phải tuân theo quy định.
Tuy nhiên, cả hai công ty này đều đã cam kết trả các khoản tiền “béo bở” cho một số nhà xuất bản lớn của Australia. Đây được coi là sự thỏa hiệp của những công ty công nghệ khổng lồ.
Luật của Australia được xem là một thử nghiệm cho những quy định tương tự có thể được ban hành ở các quốc gia khác, nhằm buộc các nền tảng kỹ thuật số phải trả tiền cho những nội dung đăng tải trên nền tảng của mình. Luật sửa đổi đã được thông qua tại Hạ viện, sau khi được Thượng viện thông qua trước đó.
Vậy Bộ quy tắc này gồm những điều khoản nào? Thứ nhất, Bộ quy tắc khuyến khích những công ty công nghệ khổng lồ và các cơ quan truyền thông đàm phán để thương lượng về các giao dịch giữa hai bên. Nếu đàm phán không đưa đến thỏa thuận, các trọng tài độc lập sẽ đứng ra phân giải.
Chính phủ lập luận rằng Bộ quy tắc đưa ra một quy trình đàm phán “công bằng hơn” giữa các bên và sẽ giúp các nhà sản xuất tin có vị thế để thương lượng hơn.
Cơ quan quản lý thị trường Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) nhận định rằng các nhà xuất bản hiện có rất ít quyền lực trong việc đàm phán vì họ quá phụ thuộc vào các công ty độc quyền công nghệ như Google và Facebook.
Do đó với Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, mọi tranh chấp về giá trị của nội dung tin tức sẽ được trọng tài giải quyết. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ có lợi cho giới truyền thông. Ngoài ra, Bộ quy tắc cũng buộc các nền tảng công nghệ báo cho các nhà xuất bản tin khi họ có những thay đổi về thuật toán.
Tuy nhiên, Bộ quy tắc cũng yêu cầu chính phủ xem xét những đóng góp hiện có của các nền tảng công nghệ này cho báo chí, chẳng hạn như giao dịch thương mại với các nhà xuất bản - trước khi được áp dụng. Điều này có nghĩa là Facebook và Google hoàn toàn có thể thoát khỏi quy trình phân xử.
Google và Facebook nói gì?
Các công ty công nghệ cho rằng họ đang giúp các nhà xuất bản tin tức bằng cách đưa nhiều lượng truy cập đến các trang web những các công ty này từ nền tảng của họ.
Hai “gã khổng lồ” công nghệ này khẳng định rằng họ chỉ đơn giản là giúp mọi người tìm thấy nội dung tin tức và vận động Chính phủ Australia sửa đổi luật, đồng thời xúc tiến việc thương lượng với các công ty tin tức địa phương.
Google từng đe dọa rút công cụ tìm kiếm chính của mình khỏi Australia, nhưng gần đây đã đồng ý thỏa thuận với các công ty truyền thông địa phương, gồm Nine Entertainment và Seven West Media, với trị giá tổng cộng ước tính khoảng 47 triệu USD. Ngoài ra, Google cũng ký một thỏa thuận với một khoản tiền không được tiết lộ với Rupert Murdoch's News Corporation.
Trong một tuyên bố ngày 23/2, Facebook cam kết sẽ hủy bỏ lệnh cấm nội dung tin tức, mặc dù các trang tin tức của Australia vẫn không khả dụng. Kể từ đó, Facebook đã ký ít nhất một thỏa thuận với Seven West Media và đang đàm phán với các nhóm tin tức khác của nước này.
Hồi chuông cảnh báo đối với các quốc gia
Việc Facebook chặn người dùng Australia chia sẻ và đọc tin tức đã gây ra những lời chỉ trích gay gắt cả ở Australia và trên toàn thế giới. Facebook thừa nhận họ đã đi quá giới hạn trong việc xoá hơn 100 trang không phải tin tức, gồm các trang của các cơ quan y tế quan trọng và khẩn cấp. Tuy nhiên, hành động mạnh mẽ của Facebook được coi là hồi chuông cảnh cáo đối với các nhà lập pháp ở những nước khác, chẳng hạn như ở Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) - những nơi đã tỏ ra quan tâm đến Bộ quy tắc của Australia.
Các công ty công nghệ khổng lồ đã phải đối mặt với những lời kêu gọi toàn cầu, yêu cầu họ trả nhiều tiền hơn cho nội dung được lưu trữ trên nền tảng của mình, trước xu hướng người theo dõi tin chuyển sang đọc trực tuyến nhiều hơn. Ngoài ra, họ cũng được yêu cầu phải đối mặt với nhiều giám sát hơn về quyền lực, bao gồm cả việc phải tích cực hơn nữa trong việc chống lại thông tin sai lệch và lạm dụng nền tảng.
Australia không phải quốc gia duy nhất “sờ gáy” các công ty công nghệ lớn toàn cầu. Trước đó ngày 9/12, các cơ quan chống độc quyền của liên bang và các bang tại Mỹ đã khởi kiện Facebook với cáo buộc mạng xã hội này lạm dụng ưu thế để giữ độc quyền, đồng thời tìm cách đảo ngược các thỏa thuận của Facebook thu mua các ứng dụng tin nhắn Instagram và WhatsApp.
Trong vụ kiện thứ nhất, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) yêu cầu Facebook thoái vốn đối với Instagram và WhatsApp trong nhóm ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook. Giám đốc Cục Cạnh tranh của FTC Ian Conner cho rằng các hành động của Facebook nhằm duy trì thế độc quyền của mạng xã hội này, khiến người tiêu dùng không được hưởng lợi từ cạnh tranh.
Vụ kiện thứ hai do liên minh các cơ quan chống độc quyền từ 48 bang và vùng lãnh thổ Mỹ tiến hành. Tổng Chưởng lý bang New York Letitia James, người đứng đầu liên minh này, nhấn mạnh: "Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng ưu thế và sự độc quyền để loại bỏ các đối thủ và dập tắt cạnh tranh, bất chấp lợi ích của người dùng"./.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/cuoc-so-gang-giua-australia-va-facebook-da-den-luc-giong-len-hoi-chuong-canh-bao/187828.html