Sự bùng nổ các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến khiến Trung Quốc ngập rác thải nhựa
Cốc nhựa sử dụng một lần. (Ảnh: AFP)
Giới quan sát tỏ ra lo ngại rằng sự bùng nổ các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến đang khiến Trung Quốc ngập rác vỏ hộp nhựa và túi nylon. Điều đáng lưu tâm là phần lớn số rác này không được tái chế và không thể tiêu hủy trong vài trăm năm.
Theo báo New York Times số ra ngày 28/5/2019, các nhà khoa học ước tính rằng trong năm 2017, dịch vụ đặt đồ ăn online ở Trung Quốc đã thải ra 1,6 triệu tấn rác nhựa, nylon gói bọc đồ ăn. Con số này tăng gấp 9 lần so với mức ghi nhận hồi hai năm trước đó.
Trong số này, 1,2 triệu tấn là hộp nhựa, 175.000 tấn là đũa dùng một lần, 164.000 tấn túi nylon và 44.000 tấn thìa nhựa.
Các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến như Meituan và Ele.me hiện rất phổ biến ở Trung Quốc bởi người đặt luôn có nhanh và giá khá rẻ. Những ứng dụng này ngày càng khiến những người bận rộn hoặc lười nấu gọi đồ thường xuyên hơn, thậm chí là gọi đồ hàng ngày.
Riêng trong năm 2018, Meituan công bố đã giao được 6,4 tỷ đơn hàng đặt đồ ăn, tăng 60% so với năm 2017. Tổng giá trị các đơn hàng là 42 tỷ USD, tương đương mỗi đơn hàng trị giá khoảng 6,5USD.
Còn Ele.me không công bố số liệu cụ thể, nhưng theo công ty nghiên cứu iResearch, các ứng dụng gọi đồ ăn tương đối lớn ở Trung Quốc đạt tổng doanh thu đơn hàng khoảng 70 tỷ USD trong năm 2018.
Các dịch vụ đặt đồ ăn tiện lợi và giá rẻ ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và khiến nhiều người không để ý đến những rủi ro tiềm ẩn đi cùng với việc đó.
Ví dụ, việc di chuyển trên đường sẽ có thể nguy hiểm hơn vì ngày càng có nhiều các nhân viên giao hàng chạy xe máy với tốc độ thật nhanh để giao hàng, còn rác thải nhựa thì chất đống ở khắp nơi.
Những ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến cũng khiến các quán ăn, nhà hàng dùng nhiều hộp nhựa, túi nylon hơn.
Nhiều quán ăn, nhà hàng có hợp tác với hai ứng dụng gọi đồ ăn lớn của Trung Quốc là Meituan và Ele.me cho biết việc kinh doanh của họ phụ thuộc vào đánh giá tín nhiệm của khách hàng nên họ thà dùng các loại hộp dày dặn hoặc thêm túi nylon chắc chắn hơn để đựng đồ ăn cho khách, còn hơn bị phản hồi đánh giá không tích cực nếu đồ ăn bị tràn chảy ra ngoài.
Tính theo bình quân đầu người thì người dân ở Trung Quốc xả ít rác thải nhựa hơn người Mỹ. Nhưng vấn đề là 3/4 lượng rác thải nhựa của Trung Quốc được đổ ra các bãi rác thông thường cùng với rác thải sinh hoạt, phần nhiều trong số đó cuối cùng lại được xả ra biển.
Các nhà khoa học đã chứng minh phải mất tới nhiều thế kỷ cũng chưa chắc đã phân hủy được hết lượng rác thải nhựa xả xuống biển.
Hiện Trung Quốc là nơi xả 1/4 tổng số rác thải nhựa của cả thế giới. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 367.000 tấn rác nhựa đã trôi thẳng từ sông Trường Giang ra biển trong năm 2015, nhiều hơn số rác nhựa xả ra từ bất kỳ sông hồ nào trên thế giới và gấp đôi số rác trôi từ sông Hằng ở Ấn Độ và Bangladesh ra biển. Những con sông ô nhiễm hàng thứ ba và thứ tư thế giới hiện đều nằm ở Trung Quốc.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc thì nước này tái chế được khoảng 1/4 lượng rác thải nhựa. Nhưng phần lớn hộp nhựa đựng đồ ăn ở đây không được tái chế bởi nếu muốn tái chế chúng trước hết phải rửa sạch.
Loại rác này lại quá nhẹ cho nên những người gom rác phải gom được rất nhiều mới có thể bán cho các công ty tái chế. Việc này mất nhiều công hơn mà tiền thu được chẳng là bao, vậy nên những người nhặt rác thường vứt luôn những hộp đựng đồ ăn vào chung với rác sinh hoạt.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc muốn ngành công nghệ tái chế rác thải không làm ảnh hưởng đến môi trường hay con người. Song quá trình chuyển đổi sang các công nghệ hiện đại đảm bảo được những yếu tố đó không phải là việc dễ dàng.
Gần đây, Trung Quốc đã cấm nhập nhiều loại rác thải với hy vọng các công ty tái chế trong nước sẽ tận dụng rác trong nước để tái chế. Chính sách này đã ảnh hưởng tới công việc làm ăn của những công ty tái chế, đồng thời khiến nhiều thành phố của Mỹ phải tìm kiếm một địa điểm khác chịu nhập rác thải nhựa của họ.
Một số chính sách khác của Trung Quốc cũng vô tình khiến việc thu gom nguyên liệu tái chế ở các hộ gia đình và văn phòng thêm khó khăn. Ví dụ ở Bắc Kinh, nhiều người ở các tỉnh tới Bắc Kinh làm nghề thu gom rác không được tiếp tục hành nghề vì chính sách “nâng cao chất lượng dân số thành phố” của chính phủ, hay nói cách khác là hạn chế người lao động nhập cư ở các tỉnh về thành phố làm việc.
Hàng trăm các cơ sở làm sạch và tái chế rác thải nhựa khác phải đóng cửa vì chính sách chống ô nhiễm không khí của thành phố này. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa nhiều công ty tái chế rác thải nhựa chuyên nghiệp và đủ lớn đứng lên hoạt động để thay thế các cơ sở tái chế nhỏ lẻ đã bị đóng cửa.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-ngap-trong-rac-thai-nhua-do-dich-vu-dat-do-an-truc-tuyen/571860.vnp