Sóng ngầm trong lòng EU

12:00' 02-03-2023
Các nước EU từ lâu đã có những bất đồng, chia rẽ về an ninh và sóng ngầm đó càng thể hiện rõ hơn trong xung đột Ukraine.


    Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Economist rằng châu Âu không thể dựa mãi vào khả năng phòng thủ của NATO mà cần trở thành một thế lực địa chiến lược thực sự.

    "Những gì chúng ta đang thấy là một NATO đang chết não", ông nói.

    Hàng loạt cuộc khủng hoảng sau đó, gồm đại dịch Covid-19, xung đột Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng, đã củng cố khả năng tự chủ năng lượng của châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đã cấm than đá và dầu mỏ Nga, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo với tốc độ chưa từng thấy.

    Tuy nhiên, châu Âu vẫn có những bất đồng cơ bản về vấn đề an ninh, đặt ra câu hỏi liệu xung đột Ukraine có thực sự khiến châu lục đoàn kết và mạnh mẽ hơn hay không.

    "Bộ ba Đức, Pháp, Italy là phần lõi của châu Âu và họ luôn thống nhất về chính sách đối ngoại, các mối lo ngại chung cũng như là động lực cho sự hội nhập của châu lục. Nhưng phần lõi đó đã bị suy yếu", George Pagoulatos, giám đốc Quỹ Chính sách Đối ngoại và châu Âu Hellenic của Hy Lạp, nói.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris ngày 8/2. Ảnh: AP.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris ngày 8/2. Ảnh: AP.

    Thủ tướng Italy Mario Dragh đã từ chức hồi tháng 7 năm ngoái sau những biến động trong chính phủ. Người kế nhiệm ông là Giorgia Meloni, một chính trị gia cực hữu hoài nghi về sức mạnh của châu Âu.

    Các cuộc bầu cử giữa năm ngoái đã khiến liên minh "Cùng nhau" của Tổng thống Macron mất thế đa số trong quốc hội. Trong khi đó, Đức bị tổn hại hình ảnh khi tỏ ra miễn cưỡng gửi xe tăng cho Ukraine, dù nước này cung cấp nhiều vũ khí phòng thủ khác.

    Theo Pagoulatos, trong khi các nước ở Đông Âu và Bắc Âu kiên trì quan điểm rằng Ukraine phải thắng Nga, ông Macron và người đồng cấp Đức Olaf Scholz, lãnh đạo các quốc gia ở vùng lõi, lại thường xuyên điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày đầu xung đột.

    "Các nước vùng Baltic, Bắc và Trung Âu đã đóng vai trò nhiều hơn trong định hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng xuyên Đại Tây Dương. Mỹ và Anh là đối tác an ninh quan trọng nhất của họ, trong khi Đức và Pháp dường như không liên quan", Minna Alander, nhà nghiên cứu của Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, nói.

    Tuần trước, khi Tổng thống Joe Biden thăm Warsaw, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã nói rằng "Mỹ có thể duy trì trật tự toàn cầu".

    Kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, NATO đã tăng gấp bốn lần lực lượng phản ứng nhanh tại các quốc gia Đông Âu lên mức 40.000, chuyển thêm thiết bị và cam kết tăng lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên 300.000 người. Trong khi đó, châu Âu chỉ cam kết thành lập lực lượng phản ứng nhanh 5.000 người từ năm 2027.

    Ngay cả trước xung đột Ukraine, châu Âu cũng không thể hiện được sự thống nhất và hiệu quả về quốc phòng. Chỉ 2/3 thành viên EU đóng góp quân đội cho Chiến dịch Barkhane của Pháp để chống lại các nhóm vũ trang ở Sahel và lực lượng này cũng chưa đạt được các mục tiêu đặt ra.

    Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin tháng 12 năm ngoái từng chia sẻ với viện nghiên cứu Lowy ở Sydney về khoảng cách giữa lời nói và hành động ở châu Âu. "Tôi phải thành thật thừa nhận rằng châu Âu hiện tại không đủ mạnh. Chúng tôi sẽ gặp rắc rối nếu không có Mỹ. Washington đã cung cấp rất nhiều vũ khí, viện trợ tài chính và nhân đạo cho Ukraine", bà nói.

    EU cũng công khai thừa nhận tầm quan trọng của NATO trong tuyên bố chung hồi tháng 1, gọi đây là "nền tảng phòng thủ tập thể cho các đồng minh và cần thiết đối với an ninh châu Âu Đại Tây Dương", thêm rằng năng lực quốc phòng của châu Âu là "sự bổ sung" cho NATO.

    Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, châu Âu đã có những nỗ lực nhằm thể hiện vai trò, vị thế của mình.

    EU đã cố gắng thông qua 10 gói trừng phạt Nga trong năm qua. Liên minh đã lần đầu gửi vũ khí sát thương ra ngoài biên giới, khi chuyển pháo, xe thiết giáp và các hệ thống phòng không trị giá hơn 12 tỷ USD cho Ukraine vào năm ngoái.

    EU đã mời Ukraine và Moldova bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập chỉ vài tuần sau khi nhận đơn xin tham gia liên minh. Thông thường, quá trình này thường mất nhiều năm.

    Nhưng để trở thành "một châu Âu có chủ quyền và vị thế địa chính trị hơn" như lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz, EU cần vượt qua nhiều trở ngại. Một trong số đó là khả năng đạt đồng thuận về các quyết sách đối ngoại, vấn đề vốn gây chia rẽ người dân châu Âu.

    Cuộc thăm dò của Eurobarometer hồi tháng 12 năm ngoái chỉ ra 74% người dân châu Âu nhất trí hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống mức 50% ở các nước Bulgaria, Hy Lạp, Slovakia và dưới 50% ở Cộng hòa Cyprus, Hungary, Romania và Áo.

    Một cuộc thăm dò khác do Euroskopia thực hiện hồi tháng 1 cho thấy 64% người Áo, 60% người Đức, 54% người Hy Lạp và 50% người Italy, Tây Ban Nha muốn Ukraine nhượng bộ lãnh thổ để sớm đạt hòa bình với Nga.

    EU hoạt động theo cơ chế đồng thuận, nên lá phiếu phủ quyết của một thành viên có thể cản trở cả chương trình nghị sự lớn của khối. Hungary đã làm vậy để ngăn EU thông qua gói viện trợ lớn cho Ukraine.

    Thủ tướng Đức từng cảnh báo về điều này và đề xuất chuyển sang cơ chế lấy ý kiến đa số trong các quyết định chính sách đối ngoại của EU. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định điều này không dễ dàng.

    Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh EU và các nước ngoài EU tại Prague, Cộng hoà Czech ngày 6/10/2022. Ảnh: AFP.

    Lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh EU và các nước ngoài EU tại Prague, Cộng hoà Czech ngày 6/10/2022. Ảnh: AFP.

    Thách thức lớn nhất đối với khả năng tự chủ chiến lược của châu Âu có thể nằm ở quan điểm của các nước với Nga. Đây không phải là vấn đề ở Mỹ, nơi lưỡng đảng đều nhất trí ủng hộ Ukraine.

    "Phần lớn phe cánh tả và cánh hữu ở Mỹ đều thấy đây là cơ hội để NATO có thể gây sức ép với Nga và khiến Moskva không bao giờ có thể trở thành mối đe dọa trực tiếp với Washington", Dale Buckner, đại tá Mỹ về hưu và hiện điều hành công ty tư vấn an ninh Global Guardian, nói.

    Tuy nhiên, không phải quốc gia châu Âu nào cũng có quan điểm này.

    "Đức dẫn đầu xu hướng muốn Moskva tham gia một số cấu trúc an ninh, nhằm đảm bảo Nga không tiến hành các chiến dịch quân sự ở nước khác và sẽ tìm cách tái thiết lập quan hệ kinh tế sau khi chiến sự kết thúc", Pagoulatos nói.

    Đức từng từ chối gửi xe tăng cho Ukraine vì lý do này. Berlin sau đó đã nhượng bộ trước áp lực lớn của các đồng minh phương Tây.

    "Khi nói đến an ninh, Tổng thống Macron nghĩ tới quyền tự chủ chiến lược, đó là hướng tới sự độc lập khỏi Mỹ và NATO", Panayiotis Ioakimidis, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Athens, Hy Lạp, nói.

    Song một số nước khác không cho rằng đây là cách giải quyết vấn đề. "EU đã rơi vào khủng hoảng trong 15 năm qua. Liên minh cần suy nghĩ lại về quyền lực ở châu Âu", Alander nói. "Liên minh phải luôn phụ thuộc vào trục Pháp - Đức, hay có thể hoạt động theo một cách khác?".

    Thanh Tâm



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/song-ngam-trong-long-chau-au-4575364.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ