Sóng gió bao trùm Jeju Air sau thảm kịch
Khi vị thế hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc của Jeju Air bị đe dọa bởi cuộc sáp nhập năm ngoái của Korean Air và Asiana Airlines, hai hãng hàng không lớn nhất nước này, giám đốc điều hành công ty đã đảm bảo với nhân viên rằng hãng sẽ "chủ động ứng phó", có thể bằng cách mua lại các đối thủ nhỏ hơn.
Giờ đây, hơn một tuần sau vụ tai nạn máy bay khiến 179 người thiệt mạng ngày 29/12/2024, tương lai của Jeju Air đang bị bao phủ bởi những câu hỏi thậm chí còn lớn hơn.
Các quan chức Hàn Quốc hôm 2/1 đột kích loạt văn phòng công ty và áp đặt lệnh cấm xuất cảnh với Tổng giám đốc điều hành Kim E-bae như một phần của cuộc điều tra về thảm họa hàng không tồi tệ nhất đất nước trong gần ba thập kỷ. Hành khách đang ồ ạt hủy đặt chỗ, làm tăng thêm gánh nặng cho bảng cân đối tài chính vốn đang ngập trong nợ nần của hãng. Giá cổ phiếu Jeju Air, vốn đã giao dịch gần mức thấp kỷ lục, đã giảm 10% kể từ sau thảm họa.
Lính cứu hỏa đứng trước xác máy bay Jeju Air bị rơi sau khi trượt khỏi đường băng tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, ngày 31/12/2024. Ảnh: Reuters
Đầu tuần trước, Kim cho biết Jeju Air sẽ cắt giảm 15% các chuyến bay đến tháng ba để "tăng cường ổn định hoạt động".
Trong lúc các nhà điều tra tìm hiểu nguyên nhân chuyến bay 7C2216 của Jeju Air gặp nạn, hãng hàng không này đang phải chịu giám sát chặt chẽ từ cả chính phủ và công chúng.
Triển vọng kinh doanh của Jeju Air vốn đã không chắc chắn. Trong hai năm qua, công ty đã phải vật lộn với chi phí tăng do lạm phát và lãi suất cao. Theo OAG, nhà cung cấp dữ liệu du lịch hàng không toàn cầu, năng lực các chuyến bay của Jeju Air vẫn chưa hoàn toàn trở lại mức năm 2019. Hãng khai thác ít hơn 4% số chuyến bay vào năm 2024 so với trước đại dịch Covid-19.
Vụ tai nạn xảy ra sau khi Korean Air hoàn tất việc mua lại phần lớn cổ phần của Asiana Airlines vào tháng trước, tạo ra một hãng hàng không quốc gia duy nhất. Kéo theo đó, ba hãng hàng không giá rẻ do hai công ty này điều hành sẽ nhập vào một thương hiệu và vượt qua Jeju Air để trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc.
Hai thập kỷ trước, Jeju Air trở thành hãng hàng không giá rẻ mới thành lập đầu tiên của Hàn Quốc với mục tiêu thách thức thế độc quyền của Korean Air và Asiana Airlines. Jeju Air khai thác tuyến bay du lịch đông đúc giữa Seoul và Jeju, hòn đảo nghỉ dưỡng ngoài khơi bờ biển phía nam Hàn Quốc. Hãng hàng không này do AK Holdings, tập đoàn nổi tiếng với việc bán bột giặt và kem đánh răng, sở hữu phần lớn. Cổ đông lớn thứ hai của Jeju Air là chính quyền tỉnh Jeju.
Thời kỳ đầu, Jeju Air đã nhanh chóng vượt mặt các hãng hàng không nhỏ khác của đất nước. Họ bổ sung các tuyến bay trên khắp châu Á, trong đó các điểm dừng bên ngoài những trung tâm du lịch truyền thống, để phục vụ lớp khách hàng Hàn Quốc ngày càng giàu có muốn đi nghỉ ở nước ngoài. Hãng đã tăng khả năng chuyên chở trung bình 20% mỗi năm trong 12 năm qua, theo OAG.
Giống như nhiều hãng hàng không giá rẻ khác, Jeju Air kiểm soát chặt chẽ chi phí, áp dụng công nghệ mới, tập trung vào các chuyến bay ngắn trong khu vực được thực hiện bằng máy bay thân hẹp Boeing 737-800.
"Đây là hãng hàng không giá rẻ đáng tin cậy có phạm vi hoạt động tốt tại Đông Nam Á và Bắc Á", Mayur Patel, giám đốc bán hàng khu vực của OAG, bình luận.
Sau đợt chào bán công khai lần đầu vào năm 2015, Jeju Air đã có nền tảng tài chính khá ổn định cho đến khi đại dịch xảy ra. Từ năm 2020, hãng đã buộc phải huy động vốn ba lần, tổng cộng gần 500 triệu USD. Hãng cũng nhận được khoản vay 29 triệu USD từ chính phủ Hàn Quốc với điều kiện phải duy trì 90% lực lượng lao động.
Ngay cả sau khi các hạn chế đi lại vì Covid-19 được dỡ bỏ và nhu cầu di chuyển tăng vọt, vấn đề nợ nần của hãng vẫn tiếp diễn vì chi phí tăng nhanh.
Trong báo cáo tài chính công ty, Jeju Air cho biết họ sẽ phải trả khoảng 165 triệu USD tiền vay ngắn hạn vào cuối tháng 9/2025. Con số này vượt quá số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt trị giá gần 150 triệu USD của công ty. Làn sóng hủy vé sau thảm kịch gần đây có thể làm giảm thêm số dư tiền mặt của hãng.
Nhưng giới phân tích lưu ý lo ngại về thanh khoản là vấn đề chung của các hãng hàng không giá rẻ, không chỉ riêng Jeju Air.
"Nếu nhìn vào tình hình tài chính của hầu hết hãng hàng không này, bạn sẽ nghĩ rằng họ dễ tổn thương về mặt tài chính, nhưng họ có cách để tồn tại qua những điều như vậy", Brendan Sobie, nhà tư vấn và phân tích hàng không độc lập, cho hay.
Ông giải thích các công ty trong chuỗi cung ứng hàng không luôn có động lực mạnh mẽ để giúp những hãng gặp khó khăn.
Một giám đốc điều hành của Jeju Air tuần trước bác bỏ những lo ngại về thanh khoản, tuyên bố công ty đang tiến hành kế hoạch mở rộng, trong đó có thỏa thuận mua 40 máy bay mới từ Boeing trong các năm tới.
Tổng giám đốc điều hành Jeju Air Kim E-bae tại một cuộc họp báo sau vụ tai nạn ngày 29/12. Ảnh: Yonhap
Công ty muốn hiện đại hóa đội bay của mình để tận dụng kế hoạch của chính phủ Hàn Quốc nhằm hỗ trợ các hãng hàng không giá rẻ như một biện pháp đối phó với rủi ro độc quyền do liên minh Korean Air và Asiana gây ra. Chính phủ cho biết họ có kế hoạch ưu tiên các hãng hàng không giá rẻ khi cân nhắc cấp phép những tuyến bay quốc tế mới từ Hàn Quốc đến châu Âu và châu Á.
Dù vậy, một số hoạt động kinh doanh giúp Jeju Air duy trì chi phí thấp đang gây chú ý, đặc biệt là sau thảm kịch.
Jeju Air đã điều hành đội máy bay Boeing 737-800 của họ hoạt động với tần suất thường xuyên hơn các đối thủ cạnh tranh. Trong 11 tháng đầu năm 2024, các máy bay Jeju Air đã hoạt động trung bình 14,1 giờ mỗi ngày, theo Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc. Con số này là khá cao so với 8,6 giờ của Korean Air và 11,4 giờ của hãng hàng không giá rẻ Jin Air.
Trong những trường hợp bình thường, khác biệt trong tần suất khai thác máy bay sẽ được coi là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của Jeju Air, một yếu tố quan trọng đối với các hãng hàng không giá rẻ hoạt động với biên lợi nhuận mỏng. Nhưng qua lăng kính một vụ tai nạn chết người, khác biệt này đã làm dấy lên mối lo ngại.
Giới phân tích cho biết việc máy bay hoạt động thường xuyên hơn sẽ không ảnh hưởng đến an toàn của hãng hàng không, miễn là cơ quan quản lý duy trì giám sát chặt chẽ số giờ bay của phi công và các tiêu chuẩn bảo dưỡng.
Tại buổi họp báo hôm 31/12/2024, Jeju Air đã liên tục bị hỏi về vấn đề bảo dưỡng máy bay, trong đó có việc hãng này thuê dịch vụ bảo trì của các chuyên gia nước ngoài. Không giống như Korean Air hay Asiana, những hãng có nhiều cơ sở và nhân sự hơn để tự xử lý nhiều công việc bảo dưỡng, Jeju Air và các hãng hàng không giá rẻ độc lập khác tại Hàn Quốc chủ yếu dựa vào thuê ngoài để thực hiện công việc này.
Cách làm trên cũng giúp Jeju Air giảm chi phí bảo trì ngay cả khi các khoản chi phí lớn khác của hãng tăng lên.
Năm 2023, doanh thu của Jeju Air tăng gấp đôi so với năm trước. Hãng đã chi gấp đôi cho nhiên liệu và chi phí sân bay để theo kịp lượng khách tăng đột biến, nhưng chi phí bảo dưỡng, một khoản chi cố định hơn, không tăng theo cùng tốc độ.
Jonathan Berger, giám đốc điều hành tại Alton Aviation Consultancy, nhận định việc thuê đối tác tiến hành một số hoạt động bảo trì bảo dưỡng máy bay là phổ biến trong ngành hàng không. Theo ông, công việc bảo trì vẫn luôn được quản lý và kiểm toán chặt chẽ bất kể có thuê ngoài hay không hoặc được thực hiện ở đâu.
"Jeju Air không phải trường hợp duy nhất", Berger nói. "Tất cả các hãng hàng không đều thực hiện một lượng lớn công việc bảo trì bằng cách thuê ngoài".
Hiện tại, Jeju Air tuyên bố họ sẽ tập trung vào việc khôi phục danh tiếng và hỗ trợ các nạn nhân cùng gia đình họ. Công ty cho hay máy bay liên quan đến vụ tai nạn được bảo hiểm lên tới 1 tỷ USD, đảm bảo rằng các gia đình nhận được mọi hỗ trợ cần thiết.
Bàn thờ tưởng niệm các viên chức thuộc Sở Giáo dục Jeollanam-do và sinh viên thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc, ngày 31/12/2024. Ảnh: Reuters
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/song-gio-bao-trum-jeju-air-sau-tham-kich-4835982.html