So găng khả năng lèo lái nền kinh tế của của Trump và Biden
Các vấn đề kinh tế lại là mối quan tâm hàng đầu của cử tri khi còn chưa đầy một năm đến giai đoạn bầu cử tổng thống Mỹ. Bất chấp kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, Tổng thống Joe Biden vẫn gặp khó khi thuyết phục người Mỹ rằng các chính sách của ông đang cải thiện tình hình tài chính của họ. Trong các cuộc thăm dò, đa số người Mỹ vẫn tin vào cách xử lý nền kinh tế của cựu tổng thống Donald Trump hơn.
Thành tích kinh tế của cả hai tổng thống đều được xác định bởi đại dịch và các dư chấn của nó. Cuộc khủng hoảng Covid đã làm đảo lộn thị trường việc làm, gây ra lạm phát cao và khoản nợ liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.
Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump và Tổng thống Mỹ thứ 46 Joe Biden. Ảnh: AFP
Nền kinh tế Mỹ ngày nay khác rất nhiều so với 2017, khi ông Trump nhậm chức. Mỗi chính quyền để lại dấu ấn riêng. Ông Biden tạo thêm 14 triệu việc làm trong vòng chưa đầy 3 năm, giảm hàng tỷ USD nợ sinh viên. Trong khi đó, ông Trump chủ trì một thời kỳ lạm phát, lãi suất và giá xăng đều thấp. Sau đây là các so sánh cụ thể.
Tình hình việc làm
Thị trường lao động mạnh mẽ là chiến thắng lớn nhất của Nhà Trắng. Ở một khía cạnh nào đó, điều này phần nào nhờ Biden nhậm chức lúc hàng triệu người mất việc vì đại dịch. Dù vậy, tốc độ tăng việc làm những năm gần đây đã vượt xa kỳ vọng các chuyên gia, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc.
Thị trường lao động vẫn khỏe bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Chừng nào người Mỹ còn có việc làm, họ vẫn có thể chống chọi với lạm phát, tiếp tục chi tiêu, giúp nền kinh tế phát triển.
Lượng việc làm tạo ra trung bình mỗi tháng. Đồ họa: Washington Post
Các nhà tuyển dụng tạo ra 14 triệu việc làm trong thời kỳ Biden, với trung bình hàng tháng hơn 400.000 vị trí. Trong khi, nền kinh tế tạo ra trung bình 176.000 việc làm mỗi tháng trong 3 năm đầu của Trump, trước khi việc đóng cửa và sa thải liên quan đến Covid khiến hơn 20 triệu việc làm bị mất đột ngột.
Bên cạnh sự gia tăng do Covid-19 trong phần lớn năm 2020 và 2021, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong cả hai nhiệm kỳ tổng thống của Trump và Biden. Dưới thời Trump, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,5% vào đầu năm 2020, ngay trước đại dịch. Trong nhiệm kỳ của Biden, nó thậm chí giảm hơn nữa, xuống còn 3,4% đầu năm nay, và hiện ở mức 3,7%.
Tỷ lệ thất nghiệp chung (vạch liền) và của người da màu (vạch đứt). Đồ họa: Washington Post
Tăng trưởng kinh tế
Nhìn chung, kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định dưới thời Trump và Biden. GDP tăng khoảng 22% kể từ khi Biden nhậm chức, so với mức 14% trong nhiệm kỳ của Trump, khi đại dịch buộc nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái mạnh và đột ngột. Nền kinh tế sau đó phục hồi nhanh chóng - một phần nhờ vào hàng nghìn tỷ USD tiền kích thích - và đang tăng trưởng trở lại lúc Trump rời Nhà Trắng.
Tăng trưởng GDP Mỹ, đã điều chỉnh theo mùa và giá USD cố định năm 2017. Đồ họa: Washington Post
Giờ đây, dưới thời Biden, nền kinh tế đã ghi nhận 5 quý tăng trưởng liên tiếp sau 6 tháng sụt giảm năm ngoái. Mở rộng gần nhất được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng lớn, chiếm khoảng 70% nền kinh tế, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng hiện không bền vững và sẽ hạ nhiệt năm tới.
Giá xăng
Tổng thống Mỹ có rất ít quyền kiểm soát giá xăng. Nhưng đây là lĩnh vực mà thời kỳ Trump tốt hơn với người Mỹ. Dưới thời Biden, những trục trặc liên quan đến đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine và nhu cầu tăng đột biến đều khiến giá xăng tăng chóng mặt kể từ năm 2020. Giá xăng tăng hơn gấp đôi từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, tương đương 1,84 USD lên 4,11 USD một gallon (3,78 lít)
Giá xăng bình quân toàn quốc (USD). Đồ họa: Washington Post
Giá xăng ở Mỹ đạt đỉnh là gần 5 USD một gallon vào tháng 6/2022 rồi giảm từ đó. Các nhà phân tích cho rằng giá xăng có thể giảm xuống dưới 3 USD mỗi gallon cuối năm nay, do sản lượng tăng và nhu cầu chậm lại. Giá xăng có ảnh hưởng trực tiếp đến cách người Mỹ nhìn nhận về nền kinh tế. Giá xăng cao hơn đã dẫn đến bi quan trong phần lớn nhiệm kỳ tổng thống của Biden.
Giá nhà
Sở hữu nhà là một trong những cách làm giàu tốt nhất của người Mỹ. Giá nhà tăng gần đây là con dao hai lưỡi. Nhiều người mua nhà lần đầu đã bị loại khỏi thị trường, còn ai đã sở hữu thì hưởng lợi từ sự tăng vọt giá trị tài sản.
Giá nhà trung bình toàn quốc (nghìn USD). Đồ họa: Washington Post
Tuy nhiên, nhìn chung, quyền sở hữu nhà trở nên khó tiếp cận hơn nhiều dưới thời Biden. Theo Goldman Sachs, giá nhà đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, đến 49% từ mùa xuân 2020 đến mùa thu 2022. Chi phí cao hơn khiến khả năng chi trả nhà ở xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Giá nhà trung bình hiện là 431.000 USD một căn, cao hơn nhiều trước đại dịch. Lãi vay mua nhà đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua, từ khoảng 3,1% lên khoảng 7%. Tuy nhiên, giá nhà vẫn ở mức cao vì cầu vượt cung.
Lạm phát
Lạm phát là thách thức dai dẳng với chính quyền Biden. Giá cả tăng nhanh sau đại dịch dẫn đến lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm. Người Mỹ đối diện chi phí tăng với hầu hết mọi thứ, từ hàng tạp hóa, xăng, ôtô đến chăm sóc sức khỏe.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đồ họa: Washington Post
Mặc dù lạm phát gần đây đã giảm so với mức đỉnh vào mùa hè năm ngoái, giá cả vẫn cao hơn khoảng 3% so với một năm trước. Các cử tri luôn cho rằng lạm phát là mối lo ngại kinh tế hàng đầu của họ.
Lãi suất
Tổng thống Mỹ có rất ít quyền chi phối lãi suất, bởi Fed hoạt động độc lập. Trong nhiệm kỳ của Biden, Fed đã tăng lãi suất 11 lần để kiềm chế lạm phát, đưa lãi suất cơ bản lên mức 5,25 đến 5,5%, cao nhất trong 22 năm.
Diễn biến lãi suất cơ bản. Đồ họa: Washington Post
Mỗi lần Fed tăng lãi, hoặc thậm chí chỉ gợi ý khả năng, cũng tạo tác động lan tỏa trên toàn nền kinh tế, dẫn đến lãi cao hơn đối với các loại khoản vay, gồm vay thế chấp (hiện ở mức khoảng 7%), vay cá nhân (12%) và thẻ tín dụng (trên 20%).
Thu nhập khả dụng
Trong những năm dưới thời Trump, thu nhập khả dụng - thu nhập thực tế còn lại sau thuế và lạm phát - của người Mỹ tăng đều đặn cho đến khi đại dịch xuất hiện. Giai đoạn từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2020, nó đã tăng khoảng 10%.
Tổng thu nhập khả dụng hộ gia đình Mỹ (nghìn tỷ USD). Đồ họa: Washington Post
Trong khi đó, vào nhiệm kỳ của Biden, tiền kích thích giảm và giá cả tăng cao đã gây ra sự biến động lớn trong thu nhập hộ gia đình kể từ năm 2020. Nhưng nhiều người Mỹ đang khép lại năm 2023 khá giả hơn so với một năm trước, do tăng lương cao hơn lạm phát.
Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh trong nhiệm kỳ Trump và tiếp tục đi lên dưới thời Biden. Sau thời gian chậm lại năm ngoái - do dự đoán chi phí vay cao hơn và biến động gia tăng - giá cổ phiếu tăng trở lại nhờ giới đầu tư lạc quan rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tháng này và S&P 500 cũng đang đà tiến lên.
Diễn biến chỉ số Dow Jones. Đồ họa: Washington Post
Trump luôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nhiệm kỳ của mình, và thường dùng mạng xã hội để khoe thành tích. Ông từng cảnh báo nhiệm kỳ tổng thống của Biden sẽ dẫn đến "sự sụp đổ của thị trường chứng khoán" chưa từng thấy. Điều đó không xảy ra. "Tốt lắm, Donald", ông Biden phản pháo gần đây trên X.
Nợ sinh viên
Dư nợ cho vay sinh viên đã tăng lên trong gần hai thập kỷ qua. Biden nhậm chức với cam kết giảm gánh nặng nợ nần cho sinh viên. Nhưng kế hoạch đầy tham vọng bao gồm việc xóa nợ 400 tỷ USD đã bị các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Tòa án Tối cao chặn lại. Vì vậy, ông tìm các cách khác để hỗ trợ.
Tổng dư nợ cho vay sinh viên (nghìn tỷ USD). Đồ họa: Washington Post
Cho đến nay, Nhà Trắng đã xóa nợ vay sinh viên được 132 tỷ USD, cho hơn 3,6 triệu người. Họ cũng tăng trợ cấp cho sinh viên thu nhập thấp và trung bình. Dư nợ vay sinh viên đã giảm trong sáu tháng, còn 1.740 tỷ USD hồi tháng 10, so với mức kỷ lục 1.770 tỷ USD đầu năm.
Tâm lý người tiêu dùng
Bất chấp sức mạnh của nền kinh tế, người Mỹ lại tỏ ra chán nản khi nói đến tài chính bản thân trong nhiệm kỳ của Biden. Tâm lý người tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022, khi giá xăng đạt đỉnh. Kể từ đó, tâm lý phục hồi phần nào nhưng vẫn thấp hơn so với thời Trump còn là tổng thống.
Diễn biến tâm lý người tiêu dùng Mỹ. Đồ họa: Washington Post
Mặc dù cảm thấy khó chịu về nền kinh tế, người Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay. Khoản chi tiêu đó - cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm ôtô, du lịch và ăn uống ngoài trời, đã giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Thâm hụt liên bang
Thâm hụt liên bang - chênh lệch giữa số tiền chính phủ thu vào và chi ra - đạt đỉnh dưới thời Trump, mặc dù cả ông và Biden đều đã làm tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nợ quốc gia. Thâm hụt tăng hàng năm trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Việc cắt giảm thuế sâu rộng, sau đó là phản ứng của chính phủ đối với đại dịch, đã làm tăng thêm khoản nợ 7.800 tỷ USD.
Thâm hụt liên bang Mỹ các năm (nghìn tỷ USD). Đồ họa: Washington Post
Kể từ đó, thâm hụt đã thu hẹp trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Biden. Nhưng năm nay nó lại tăng 23%, lên 1.700 tỷ USD. Thâm hụt ngày càng tăng kết hợp với tình trạng rối loạn chính trị tại Quốc hội đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các cơ quan xếp hạng tín nhiệm. Tháng 8, Fitch Ratings đã tước đi điểm AAA của Mỹ. Tháng 11, Moody's hạ triển vọng về nợ công, cảnh báo "sự phân cực chính trị tiếp tục" đe dọa sức mạnh tài chính của nước này.
(theo Washington Post)
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/so-sanh-kinh-te-my-duoi-thoi-trump-va-biden-4693230.html