Siết chặt quy định thuế đối với Google và Facebook

11:00' 23-10-2020
Các quốc gia Đông Nam Á và châu Âu đang siết chặt quy định thuế đối với những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google và Facebook.


    Facebook và Google là hai công ty có thị phần quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới và hiện diện tại hàng chục quốc gia. Nhưng thông qua các phương thức luồn lách tinh vi, hai tập đoàn công nghệ Mỹ chỉ phải đóng những khoản thuế rất nhỏ so với doanh thu khổng lồ.

    Hiện, các quốc gia Đông Nam Á - khu vực có nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới - đang đẩy mạnh siết chặt quy định về thuế đối với những công ty công nghệ nước ngoài, đặc biệt là Facebook, Google hay Netflix.

    Hồi tháng 7, Reuters đưa tin cơ quan thuế Indonesia cho biết đã cấp mã số thuế VAT cho Amazon Web Services, Netflix, Spotify và các công ty con của Google thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Google Ireland và Google LLC.

    Truy thue Facebook va Google anh 1

    Đông Nam Á là khu vực có nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh và mạnh nhờ dân số trẻ ưa chuộng điện thoại thông minh. Ảnh: Reuters.

    Siết chặt thuế

    Với quy định mới của chính quyền Jakarta, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh sản phẩm, dịch vụ tại Indonesia có doanh số trên 600 triệu rupiah (khoảng 41.630 USD) hoặc có ít nhất 12.000 người dùng truy cập mỗi năm đều phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT).

    Danh sách tập đoàn công nghệ bị đánh thuế của Indonesia đang ngày càng kéo dài. Facebook, Disney và TikTok là những cái tên mới được bổ sung vào tháng 8. Đến danh sách mới được công bố hồi đầu tháng 10, chính quyền Jakarta đưa thêm Microsoft và Alibaba Cloud, một công ty con của Alibaba, bên cạnh 6 công ty công nghệ khác như GitHub, UCWeb Singapore, Nexmo.

    Nghiên cứu của Google, Temasek và Bain hồi năm 2019 cho thấy Indonesia - quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới với 264 triệu người - đóng góp nhiều vào nền kinh tế kỹ thuật số khu vực. Mã số thuế VAT dành cho doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số dự kiến tăng mạnh. Khảo sát của Google, Temasek Holdings và Bain & Company cho biết nền kinh tế số của Indonesia sẽ đạt quy mô 130 tỷ USD vào năm 2025.

    Báo cáo về kinh tế kỹ thuật số tại Đông Nam Á cũng cho thấy Việt Nam và Indonesia đang dẫn đầu khu vực với tốc độ tăng trưởng 40% mỗi năm. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines tăng 20-30%/năm.

    Ngoài Indonesia, các nước tại khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng cân nhắc nhiều loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến. Thái Lan và Philippines áp thuế VAT 7-12% đối với những tập đoàn công nghệ cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có Google, Amazon, Netflix và Spotify.

    Truy thue Facebook va Google anh 2

    Các quốc gia Đông Nam Á đang siết chặt quy định thuế đối với những công ty công nghệ nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asian Review.

    Tổng cục Thuế Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam thu thuế VAT với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua thuế nhà thầu nước ngoài. Trong đó, Google, Facebook, Netflix… có thu nhập tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này đều phải nộp cả thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

    Trên thực tế, trong nhiều năm qua, những công ty công nghệ trên đã né hoặc trốn được không ít loại thuế nhờ cách đặt chi nhánh tại nhiều nơi và lợi dụng sơ hở về luật thuế của các quốc gia.

    Đây là nguyên nhân hồi giữa năm ngoái, nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) nhất trí tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung nhằm ngăn chặn những công ty, chủ yếu là tập đoàn công nghệ lớn, trốn thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế để giảm nghĩa vụ tài chính, theo Reuters.

    Nhiều cách né thuế

    “Những đại gia công nghệ lớn đang định hình lại xã hội và nền kinh tế toàn cầu, nhưng những đóng góp của họ lại quá ít ỏi”,Guardian nhận định. Việc đánh thuế thu nhập các doanh nghiệp này khá khó khăn vì phía tập đoàn lập luận rằng họ đặt máy chủ ở nước ngoài nên không có nghĩa vụ nộp thuế. Theo Reuters, bản thân những tập đoàn như Microsoft và Alphabet cũng nhận được sự bảo vệ của Mỹ.

    Các cuộc thảo luận của G20 về thay đổi quy định thuế tập trung vào hai trụ cột, từ đó có thể khiến những đại gia công nghệ này phải đóng gấp đôi số thuế hiện tại. Đầu tiên, việc đánh thuế sẽ dựa trên nơi cung cấp hàng hóa, dịch vụ ngay cả khi không có hiện diện thương mại của tập đoàn tại quốc gia này.

    Trong trường hợp các công ty tìm cách chuyển lợi nhuận đến những thiên đường thuế nước ngoài, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để buộc công ty công nghệ thực hiện nghĩa vụ tài chính.

    Các nước châu Âu, nhất là Anh và Pháp, ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này khi cho rằng "thuế điện tử" là cần thiết. Họ nhận định luật thuế doanh nghiệp truyền thống đã lỗi thời và tạo ra sự bất bình đẳng. Tại châu Âu, các công ty công nghệ sử dụng những thiên đường thuế như Ireland và Luxembourg để giảm mức đóng thuế doanh nghiệp.

    Năm 2017, Facebook đóng thuế 15,8 triệu bảng (20,6 triệu USD) tại Anh, tương đương 1% doanh thu kỷ lục 1,3 tỷ bảng (1,7 tỷ USD). Doanh thu tăng hơn 50% nhưng lợi nhuận trước thuế do Facebook khai báo chỉ tăng vỏn vẹn 6%.

    Truy thue Facebook va Google anh 3

    Các quốc gia châu Âu ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch đánh thuế mới đối với những tập đoàn công nghệ lớn. Ảnh: Reuters.

    Không chỉ Facebook, hồi năm 2017, Amazon chỉ đóng 4,5 triệu bảng (5,8 triệu USD) tiền thuế trên doanh thu 8,7 tỷ bảng (11,3 tỷ USD). Google nộp 49,3 triệu bảng (64,4 triệu USD) thuế trong khi doanh thu 5,7 tỷ bảng (7,4 tỷ USD).

    Biện pháp nhằm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp của G20 được cho là nhắm vào các công ty công nghệ, với lợi nhuận tập trung vào cung cấp dịch vụ, thu thập và trao đổi dữ liệu điện tử xuyên biên giới.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
SUPA VALU Vùng: Delahey. Phone: 9362 1207
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/cac-nuoc-danh-thue-google-facebook-ra-sao-post1144781.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ