Sau đại dịch, nhiều người làm việc tại nhà "đã nhìn thấy cơ hội tăng lương gấp đôi"
Đây là bí mật của một nhóm nhỏ những người làm trong ngành công nghệ, ngân hàng hay bảo hiểm. Họ tìm ra cách để tăng gấp đôi lương: Làm hai công việc toàn thời gian, từ xa.
Làm việc tại nhà, họ chuyển đổi giữa hai máy tính, cố gắng tránh các cuộc họp kéo dài. Đôi khi họ đăng nhập cả hai cuộc họp cùng lúc và đôi khi phải sử dụng đến ngày nghỉ phép để tập trung cho dự án ở công ty kia.
Một kỹ sư phần mềm 29 tuổi (giấu tên) tiết lộ, anh đang đồng thời làm việc cho một công ty truyền thông và một công ty tổ chức sự kiện từ tháng 6. Anh ước tính chỉ đăng nhập hệ thống 3-10 giờ làm việc mỗi tuần khi làm hai việc. "Phần còn lại chủ yếu tham gia các cuộc họp và giả vờ có vẻ bận rộn", anh nói.
Ý tưởng này đến với anh trong một lần vô tình biết tới Overemployed - một trang web góp phần thúc đẩy hiện tượng làm hai việc cùng lúc, thành lập vào tháng 4/2020 bởi một người tự xưng là "Isaac". Trên đó, Isaac viết anh đã định nghỉ việc sau khi nhận ra bị đối công ty đối xử bất công. Nhưng sau khi đọc một cuốn sách, anh quyết định vẫn giữ công việc cũ và đã kiếm thêm được một công việc mới cách đó 10 km. Làm hai việc cùng lúc như một "hàng rào chống lại sự không chắc chắn trong đại dịch.
Một số người làm trong các lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm, truyền thông hay ngân hàng đang làm hai công ty cùng lúc nhờ WFH. Ảnh minh họa: Raconteur
"Chiến lược này đã mang lại cho tôi hơn 300.000 USD thu nhập bổ sung. Đây là khoản thu nhập tôi sẽ bỏ qua nếu chỉ đơn giản là bỏ việc", anh viết. Thông điệp của trang web là "Làm hai việc từ xa, đạt tự do tài chính"..
Một người đồng sáng lập khác 38 tuổi đang làm việc cho hai công ty công nghệ ở khu vực vịnh San Francisco. Cùng với Isaac, anh đưa ra các mẹo cho người khác trong việc qua mặt sếp, đồng nghiệp và giữ hồ sơ LinkedIn.
Tờ Wall Street Journal đã phỏng vấn gần chục người làm hai công việc toàn thời gian trong đại dịch. Hầu hết giấu tên vì sợ bị sa thải, nhưng tất cả nói họ đang đi đúng hướng để kiếm được tổng cộng từ 200.000 USD đến gần 600.000 USD một năm, bao gồm cả tiền thưởng. Họ đã trả hết những khoản nợ vay sinh viên, tích lũy tài khoản tiết kiệm đại học cho con cái và mua mọi thứ từ nhẫn đính hôn đến một chiếc xe thể thao...
Kỹ sư phần mềm 29 tuổi nói rằng, số tiền thu được thật đáng kinh ngạc và sự căng thẳng cũng vậy: "Tôi sẽ thức dậy vào buổi sáng và thường nghĩ "đây là ngày mình sắp bị bại lộ".
Nhờ làm việc từ xa, đại dịch đã cho nhiều người những cơ hội mới để kiếm tiền.
Một kỹ sư phần mềm ở châu Âu, cho biết đã làm cùng lúc hai việc đầu tiên vào năm 2018. Khi đó anh nói với công ty ban đầu rằng sẽ tham gia một khóa học về an ninh mạng ở London trong vài tuần nên làm từ xa. Khi đến đây, anh dành những giờ lên lớp không tồn tại để làm công việc mới và kiếm thêm 350 USD mỗi ngày. Kể từ đó, anh đã thực hiện một số công việc kép từ xa khác. Anh dùng hai máy và chuyển sang chế độ âm thanh. Một lần, anh mở loa quá nhanh trước khi tắt âm thanh trên máy tính kia. Trong năm giây, cuộc họp một có thể nghe thấy cuộc họp hai. Anh co rúm người lại. May mắn không ai để ý.
Một nhà khoa học dữ liệu ở Richmond, Virginia đã rất hoảng khi sếp đột ngột gọi video, giữa lúc anh đang dạy một lớp lập trình - công việc bí mật. Anh vội bảo sinh viên nghỉ 10 phút, trong lúc đó đăng nhập một máy tính khác.
Anh kể, từ lâu đã chán công việc tại ngân hàng lớn. "Tôi cứ cảm giác như đang không làm gì cả", anh nói. Anh muốn được làm công việc như hiện tại nhưng sự bó buộc của văn phòng không cho phép. Đại dịch bùng nổ tháng 3/2020 cho anh thấy cơ hội của mình và từ lúc đó làm 3 công ty khác nhau.
Cuối cùng, anh đã rời bỏ công việc ở ngân hàng lớn và nhận một công việc toàn thời gian, tại một trong những công ty đang làm, đồng thời thương lượng một hợp đồng lao động giúp anh có thể làm một công việc khác nữa. "Bây giờ tôi cảm thấy hoàn toàn tự do, "anh nói.
Theo các luật sư, phương pháp này không vi phạm luật liên bang hoặc tiểu bang, nhưng nó có thể vi phạm hợp đồng hoặc nêu ra các vấn đề liên quan đến tính bảo mật. Và một khi bị lộ chắc chắn có thể dẫn đến việc nhân viên bị chấm dứt hợp đồng.
Claire Deason, luật sư việc làm của Minneapolis thuộc Littler Mendelson PC, cho biết nếu một công nhân vi phạm hợp đồng khi làm việc cho một công ty khác, chủ lao động có thể kiện anh ta. Về mặt lý thuyết, một công ty cũng có thể kiện một nhân viên làm việc "hai mang" vì lý do như "tiết lộ thông tin bí mật".
Tuy nhiên các luật sư cũng nói đôi khi cũng không cần quá lo lắng khi bị phát hiện, bởi giữa thời điểm lao động eo hẹp như hiện nay, không ai muốn mất những nhân viên xuất sắc. Người lao động thường chiếm thế thượng phong.
Anh Chris Hansen, một giám đốc công nghệ sống ở Cape Cod (đông bắc Mỹ), đang làm việc cho một công ty khởi nghiệp kể, năm ngoái anh nhận thấy một trong những lập trình viên của mình có hành vi kỳ quặc, sau đó nhận ra người này vẫn chưa nghỉ công việc ban đầu.
Hansen lo lắng về việc đạt được mục tiêu công việc của mình, cũng như thất vọng và hụt hẫng. Nhưng anh quyết định "lờ đi". "Tôi có thể ngăn chặn anh ta, nhưng điều đó có thể đã cắt đứt cánh tay của chính tôi. Tốt hơn là có ai đó hơn là không có ai", anh nói.
Một kỹ sư máy tính đã làm việc nhiều giờ trong nhiều năm và hiện leo lên bậc thang để trở thành một trong những kỹ sư cao cấp nhất của công ty. Ban ngày anh dành cho các cuộc họp và chiến lược, đêm và cuối tuần để viết code. Năm ngoái anh đã nhận thêm công việc thứ hai và tính toán sẽ tận dụng thời gian nghỉ thai sản của vợ ở cả hai công ty. Tuy nhiên, ngay cả khi con sinh ra anh anh vẫn không rút chân được khỏi công việc. Hiện anh kiếm được khoảng nửa triệu đôla mỗi năm và làm việc tới 100 giờ mỗi tuần.
"Tôi không biết có thể làm thế này được trong bao lâu. Nhưng vào mỗi lúc nhận lương, tôi như hồi sinh và vợ tôi thì rất thích", anh nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/bi-mat-cua-nguoi-lam-viec-tai-nha-4372961.html