Sai lầm khi ăn trái cây, khiến chúng không mang lại lợi ích tối ưu cho sức khỏe
Trái cây được công nhận là một nguồn vitamin và khoáng chất tốt, có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin C và vitamin A. Những người đưa trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Bên cạnh đó, kali trong trái cây có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và mắc các bệnh tim mạch, giảm nguy cơ phát triển sỏi thận, loãng xương. Trái cây chứa nhiều axit folic giúp cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu.
Với các tác dụng vô cùng tuyệt vời như vậy, trái cây là một lựa chọn yêu thích của rất nhiều người bởi nó vừa ngon lại vừa bổ. Nhưng để đảm bảo được sự bổ dưỡng của trái cây mang lại là điều không phải dễ dàng. Bởi vì rất nhiều người mắc hàng loạt những sai lầm sau khiến trái cây không còn mang lại được lợi ích tối ưu cho sức khỏe.
1. Gọt vỏ trái cây
Vỏ trái cây và phần ruột ngay dưới vỏ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Gọt vỏ trái cây đồng nghĩa chúng ta đánh mất nguồn dinh dưỡng quan trọng đó.
Những loại trái cây không nên gọt vỏ khi ăn là nho, lê, táo. Trong đó, nho rất giàu vitamin, axit amin, giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Các chất dinh dưỡng đó có ở trong vỏ nho nhiều hơn cả ruột. Ngoài ra, vỏ nho còn chứa chất resveratrol để tăng cường khả năng miễn dịch và hạ huyết áp.
Bên cạnh đó, vỏ lê hơi cứng nên nhiều người chọn cách gọt vỏ để ăn. Nhưng trong vỏ lê có chứa nhiều dinh dưỡng giúp giảm ho, thanh nhiệt.
Còn một loại nữa chúng ta hay gọt vỏ khi ăn là táo. Vỏ táo rất giàu chất chống oxy hóa và các hoạt chất sinh học giúp chống tăng huyết áp, giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch hay cả ung thư phổi.
2. Ăn càng nhiều trái cây càng tốt
Điều này là không nên. Tùy thuộc vào loại trái cây nào, chúng ta cũng chỉ nên tiêu thụ khoảng 200 – 400 gram trái cây mỗi ngày. Một số loại trái cây lạnh có thể khiến bạn bị đau dạ dày.
Không chỉ vậy, hầu hết các loại trái cây đều có hàm lượng chất xơ cao, ăn quá nhiều có thể gây đau dạ dày, đầy hơi khó tiêu. Ngoài ra, một số kiểu người cũng cần chú ý khi ăn trái cây như người bị viêm loét dạ dày, bệnh nhân tiểu đường…
3. Chọn trái cây là bữa ăn chính
Nhiều người chọn trái cây là bữa ăn chính để giảm cân, giữ vóc dáng. Các chuyên gia cho biết làm như vậy là không tốt cho sức khỏe của bạn. Trái cây mặc dù rất giàu vitamin, khoáng chất, các loại dinh dưỡng khác nhưng chúng chứa ít các chất như: protein, chất béo, canxi, sắt…
Chỉ ăn trái cây cho các bữa chính trong một thời gian dài chắc chắn sẽ gây ra thiếu hụt các chất kể trên. Từ đó có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
4. Trái cây nhập khẩu bổ dưỡng hơn
Trong thực tế, trái cây nhập khẩu chưa chắc đã ngon, bổ dưỡng hơn các loại trái cây địa phương. Trái cây nhập khẩu phải đi qua một quãng đường dài để đến tay người tiêu dùng vậy nên công đoạn bảo quản là rất cầu kỳ.
Để trông được đẹp mắt, bán được giá, các loại trái cây nhập khẩu có thể được bảo quản bằng các chất hóa học sẽ ảnh hưởng đến các chất bổ có trong đó. Hơn nữa, kết hợp quá trình vận chuyển lâu, chất dinh dưỡng sẽ không được đảm bảo nguyên vẹn.
5. Trái cây thay thế cho rau
Trái cây không thể thay thế cho rau. Mặc dù trái cây và rau cũng tương tự về chất dinh dưỡng nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định. Ví dụ như hàm lượng vitamin C của bắp cải và rau bina cao hơn khoảng 10 lần so với táo, đào, lê.
Bởi vậy, nếu bạn muốn đáp ứng lượng vitamin C hàng ngày bằng hoa quả, bạn cần ăn khoảng 2,5 kg táo. Đây là một điều không thể. Do đó, trái cây không thể thay thế cho rau. Một chế độ ăn uống cân bằng là quan trọng nhất cho sức khỏe cơ thể.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/hieu-lam-cuc-lon-ve-trai-cay-ma-rat-it-nguoi-biet-khien-chung-khong-mang-lai-loi-ich-toi-uu-cho-suc-khoe-2019113023374466.chn