Rau ngót và rau muống cực tốt cho sức khỏe nhưng dưới đây là những lưu ý khi sử dụng 2 loại rau này
Rau muống
Rau muống là rau ăn lá thuộc họ Bìm bìm, được trồng phổ biến khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới trên thế giới và rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Thời điểm thích hợp nhất để trồng rau muống là các tháng vào mùa hè, vậy nên rau muống luộc, xào là món ăn quen thuộc trong mâm cơm của nhiều gia đình Việt những ngày oi bức nắng nóng.
Theo Đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn, công dụng thanh nhiệt, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể như nấm độc, sắn độc. Theo y học hiện đại, loại rau này chứa lượng nước dồi dào, vitamin A, B, C, canxi, sắt và nhiều khoáng chất quan trọng cho cơ thể.
Theo USDA, 100g rau muống chứa 55mg vitamin C, có thể tăng cường khả năng miễn dịch, chống lão hóa, tốt cho tim mạch. Rau muống giàu chất xơ, có khả năng hạ mỡ máu, chất béo trung tính – nguyên nhân gây ra bệnh tim.
Kiểm soát đường huyết
Loại rau này cũng có chứa một hợp chất gọi là nitrat giúp ổn định đường huyết. Các nghiên cứu cho thấy loại rau này có khả năng làm chậm quá trình tiêu hóa carb, tăng cường khả năng chống lại quá trình stress oxy hóa gây ra các bệnh mãn tính, có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc.
Nhuận tràng
Rau muống có đặc tính nhuận tràng nhẹ, hỗ trợ tiêu hóa, giảm tình trạng khó tiêu, táo bón. Chất xơ và lượng nước trong rau muống cũng giúp quá trình tiêu hóa của cơ thể dễ dàng hơn.
Giúp mắt sáng khỏe
Vitamin A và lutein, carotenoid trong rau muống rất quan trọng cho sức khỏe của mắt, giúp ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể.
Ngừa thiếu máu
Rau muống chứa lượng sắt dồi dào, ngăn ngừa bệnh thiếu máu, có thể giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt và tốt cho phụ nữ đang mang thai.
Rau ngót
Rau ngót, hay còn gọi là rau tuốt, bồ ngót được biết đến với khả năng giải nhiệt vào mùa hè cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo Đông y, lá rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ vị hơi ngăm đắng. Cả lá và rễ đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc, nhuận tràng, tiêu viêm.
Theo các nghiên cứu, rau ngót chứa nhiều chất dinh dưỡng như đạm thực vật, canxi, sắt, magie, mangan, vitamin A, vitamin C… Trong 100g rau ngót có thể chứa 85-185mg vitamin C tùy theo cách chế biến, giúp chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch.
Hạ đường huyết
Một số nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng hạ đường huyết của loại rau này nhờ chất xơ hòa tan inulin, làm chậm quá trình hấp thu đường từ carb, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2.
Tốt cho phụ nữ sau sinh
Rau ngót có lợi cho phụ nữ sau sinh bởi khả năng giảm viêm nhiễm, đồng thời kích thích sản xuất sữa mẹ nhiều hơn nhờ chứa các hợp chất hóa học sterols có tính chất estrogen.
Nhuận tràng
Rau ngót có tính nhuận tràng, giàu chất xơ và nước giúp hỗ trợ tiêu hóa khỏe, giảm táo bón.
Bổ mắt
Rau ngót có hàm lượng tiền chất của vitamin A cao giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt, đặc biệt là các vấn đề mắt do tuổi tác như thoái hóa điểm vàng.
Lưu ý khi ăn rau ngót và rau muống
Vitamin C sẽ bị mất đi nhiều khi rau bị dập nát hoặc trong quá trình chế biến nếu cho quá nhiều muối, xào nấu lâu. Vậy nên muốn giữ được nhiều chất dinh dưỡng khi ăn 2 loại rau này, cần chọn rau tươi, sử dụng ít gia vị, hấp hoặc luộc vừa đủ chín.
Đảm bảo rửa rau nhiều lần bằng nước sạch, ngâm rau để giảm nồng độ chất hóa học nếu có, nấu chín rau để phòng ngừa nguy cơ nhiễm sán. Không nên ăn 2 loại rau này liên tục nhiều ngày liền để tránh tác dụng phụ như khó tiêu, mất ngủ…
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/2-loai-rau-mua-he-gia-re-la-kho-bau-vitamin-c-ha-duong-huyet-hieu-qua-nhuan-trang-bo-mau-de-kiem-o-cho-viet-c131a598922.html