Quyết định đúng đắn nhất của túc cầu Úc
Ngày 1/1/2006, Australia gia nhập Liên đoàn Túc cầu Châu Á (AFC). Nhưng Johnny Warren đã mất từ năm 2004.
Warren không còn sống tới ngày giấc mơ của ông trở thành hiện thực. Cựu đội trưởng tuyển Australia hiểu hơn ai hết cảm giác cay đắng và bất lực tại vòng loại World Cup.
Trước khi về với châu Á, Australia chỉ một lần dự World Cup vào năm 1974. Họ thua Israel tại play-off World Cup 1966, bại trước CHDCND Triều Tiên ở vòng loại Cúp thế giới 1970. Từ năm 1978 tới 2002, tuyển Australia thua thêm 4 lần ở các trận play-off liên lục địa.
Warren phải chứng kiến tất cả những thất bại ấy. Ông và Australia không thể kiên nhẫn hơn nữa.
Nửa suất dự World Cup, việc luôn phải chạm trán với các đại diện mạnh của châu Mỹ khiến Australia mãi không thể với tới World Cup. Người Australia tin rằng mình phải rời bỏ “đất mẹ” châu Đại Dương để đánh thức tiềm năng đang say ngủ của “Socceroos”.
Một kế hoạch hướng về châu Á được phát động. Và lịch sử túc cầu Australia sẽ thay đổi mãi mãi.
Tuyển Australia tại World Cup 1974, Cúp thế giới duy nhất của họ trước khi về với châu Á. Ảnh: Socceroos.
Tầm nhìn của Johnny
Điều lệ World Cup chỉ cho Liên đoàn Túc cầu châu Đại Dương (OFC) nửa suất dự World Cup. Trong khi ấy, châu Á có 4,5 suất. Người Australia biết rằng việc gia nhập Liên đoàn Túc cầu Châu Á (AFC) sẽ giúp họ tới gần World Cup hơn.
Luồng quan điểm này xuất hiện ở Australia từ nhiều thập kỷ trước. Johnny Warren, huyền thoại tuyển Australia, là người đi đầu trong tư tưởng đó.
Ông tin rằng việc phải thi đấu trong môi trường OFC thiếu cạnh tranh hạn chế tiềm năng của túc cầu Australia. Việc châu lục chỉ có 2 đội tuyển đủ mạnh là New Zealand và Australia khiến OFC không có nhiều đóng góp thực chất cho làng túc cầu thế giới.
Warren không chỉ ủng hộ Australia hướng về châu Á, ông từng đề cập tới khả năng sáp nhập OFC vào AFC. Jamie Warren, cháu của Johnny, kể với Illawarra Mercury: “Thật kỳ diệu khi được nghe những lời ngợi ca của mọi người dành cho nhiều nỗ lực không mệt mỏi của ông suốt từng ấy năm. Thậm chí cả 10 năm sau, truyền thông vẫn nói về ông. Họ gọi đó là tầm nhìn của Johnny”.
Tầm nhìn của Johnny Warren bắt đầu trở thành tầm nhìn của Liên đoàn Túc cầu Australia (FFA) vào đầu thế kỷ 21 sau hàng loạt thắng lợi đặc biệt của đội tuyển nước này. Tại Confederations Cup 2001, Mark Schwarzer và đồng đội đánh bại đương kim vô địch thế giới Pháp, Mexico trước khi hạ Brazil trong trận tranh hạng ba.
Thời điểm lý tưởng cho cuộc chuyển giao đã tới.
Cựu Chủ tịch FFA Frank Lowy (trái) và cựu Chủ tịch Liên đoàn Túc cầuThế giới (FIFA) Sepp Blatter là những người có vai trò quan trọng đưa Australia gia nhập AFC. Ảnh: AP Photo.
Ra đi và thay đổi lịch sử
Hai nhân vật có vai trò đặc biệt trong hành trình đưa Australia tới AFC là cựu Chủ tịch FFA Frank Lowy và cựu Giám đốc Điều hành John O’Neill. Từ đầu những năm 2000, họ tiến hành hàng loạt cuộc vận động hành lang với AFC, OFC và FIFA, gặp gỡ lãnh đạo các châu lục, thuyết phục, chia sẻ các lợi ích với họ.
Mất không ít thời gian, FFA thuyết phục được Chủ tịch FIFA khi đó là Sepp Blatter, cựu Chủ tịch AFC Mohamed bin Hammam và người đồng cấp OFC Reynald Temarii.
Lowy kể trên Sydney Morning Herald: “Dự định xin gia nhập AFC khiến Australia trở thành một trường hợp chưa có tiền lệ trong lịch sử túc cầu. Nhưng chúng tôi được khích lệ bởi 3 cơ quan quyền lực của túc cầu thế giới là FIFA, AFC và OFC đều đã bắt đầu cân nhắc việc này. FFA rất vui khi các tổ chức này tỏ ra thấu hiểu mong muốn của chúng tôi”.
Đầu năm 2005, bước ngoặt xuất hiện khi World Sports Group, đối tác thương mại của AFC, thuyết phục tổ chức này rằng việc Australia gia nhập sẽ ngay lập tức làm tăng nguồn thu quảng cáo và thương mại trong vòng 12 tháng.
Bên cạnh việc thuyết phục châu Á, Australia cũng cần sự đồng thuận từ châu Đại Dương. Họ được các quốc đảo nhỏ ủng hộ bởi việc đội tuyển này ra đi sẽ tạo thêm động lực cho các nền túc cầu khác.
New Zealand là cái tên hiếm hoi phản đối ở thời điểm ấy. Họ không muốn phải thay thế Australia làm “Vua một vùng”. Dù vậy, việc FIFA đảm bảo giữ lại 0,5 suất World Cup cho OFC đã từng bước khiến New Zealand nguôi ngoai.
Frank Farina, HLV trưởng tuyển Australia ngày đó, không nghĩ rằng vòng loại World Cup châu Á dễ hơn châu Đại Dương. Nhưng ông cho rằng việc được thi đấu liên tục với các đội mạnh suốt 4 năm tốt hơn rất nhiều các chiến thắng hàng chục bàn ở châu Đại Dương. Quan trọng hơn, việc gia nhập châu Á giúp Australia không phải đụng độ những “ông kẹ” Nam Mỹ tại vòng play-off liên lục địa.
Dư luận Australia đương nhiên ủng hộ hướng đi này. Không chỉ tuyển túc cầu nam, đội nữ và các CLB A.League cũng sẽ có lợi nhờ điều đó.
Cựu HLV Olympic Sydney Steve Darby, người từng làm việc tại Australia và nhiều vùng châu Á, phân tích: “Hệ thống thi đấu của AFC được tổ chức rất tốt. Chúng ta đang nói về cơ hội tiếp cận 3 tỷ người hâm mộ, những sân vận động hơn 100.000 người cùng hơn 500 triệu khán giả xem qua truyền hình. Các CLB và cầu thủ Australia sẽ nhận được sự khích lệ to lớn. Và tôi tin châu Á cũng được hưởng lợi tương tự”.
Chẳng còn rào cản nào nữa.
Ngày 13/5/2005, AFC gửi lời mời gia nhập tới Australia. Ngày 30/6 cùng năm, FIFA chấp nhận cuộc chuyển giao. Ngày 1/1/2006, Australia trở thành thành viên AFC.
7 năm sau, họ gia nhập tiếp Liên đoàn Túc cầu Đông Nam Á (AFF) và hoàn toàn trở thành một thành viên của AFC. Tuy nhiên, tuyển Australia không được dự AFF Cup.
Lịch sử chứng minh Australia không sai. 15 năm kể từ ngày đến với châu Á, đội tuyển của họ dự 4 kỳ World Cup.
Tuyển Australia cũng đều đặn góp mặt ở Asian Cup, hai lần vào chung kết và một lần vô địch hồi năm 2015. Các CLB A.League cũng hai lần đăng quang Champions League châu Á còn cầu thủ Australia tràn vào các giải Nhật Bản, Hàn Quốc.
Gia nhập AFC vì thế là quyết định đúng đắn nhất của túc cầu Australia những năm qua.
Article sourced from Zing.