Quan điểm của J.K. Rowling bắt nguồn từ đâu?

09:00' 24-07-2020
Tác giả “Harry Potter” khiến dư luận dậy sóng khi từ chối công nhận người chuyển giới nữ là phụ nữ, cũng như đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về cộng đồng này.


     

    vi sao JK Rowling gay tranh cai anh 1

    J. K. Rowling là cái tên không còn xa lạ với nhiều thế hệ độc giả, khán giả khi một tay “phù phép” cả thế giới tuổi thơ bằng câu chuyện phiêu lưu của cậu bé phù thủy Harry Potter.

    Sở hữu khối tài sản khổng lồ sau thành công của bộ truyện, cũng như hàng loạt tác phẩm chuyển thể, từ một bà mẹ đơn thân thất nghiệp, Rowling trở thành tỷ phú tự thân, nhà từ thiện, nhà vận động quyền phụ nữ.

    Hình mẫu lý tưởng mà J.K. Rowling gây dựng, có thể sẽ mãi sáng bóng như vậy nếu không có một loạt bê bối nổi lên gần đây về quan điểm của nữ nhà văn với phụ nữ chuyển giới (trans woman).

    Trong những câu chuyện mà bà viết nên, kẻ ác cuối cùng cũng bị đánh bại (xin lỗi, nếu như bạn chưa đọc Harry Potter), còn phe thiện chiến thắng và sống hạnh phúc mãi mãi về sau. J.K. Rowling có thể mãi viết những trang sách ấm lòng như thế trong một quán cafe ấm cúng ở Edinburgh, Scotland, để trẻ em khắp nơi trên thế giới được sống trong ước mơ và hy vọng.

    Song, cuộc đời ngoài kia thì phức tạp hơn nhiều, còn con người không phải là những bức chân dung toàn thiện toàn mỹ. Fan của Harry Potter trong vài tháng qua thấm thía điều này hơn ai hết khi chứng kiến “cuộc chiến giới tính” mà chính thần tượng của mình khơi ra.

    Những quan điểm mà Rowling chia sẻ gây chia rẽ đến mức từ dàn diễn viên của loạt phim Harry Potter cho tới cộng đồng fan đã phải lên tiếng bày tỏ quan điểm. Thậm chí, người ta còn bảo J.K. Rowling đã tự biến bản thân thành phản diện trong câu chuyện đời.

    Cuộc “thánh chiến” trên Twitter: “Hội nữ quyền cấp tiến loại trừ người chuyển giới”

    Không phải đến lúc này câu hỏi về việc liệu J.K. Rowling có phải là người kỳ thị chuyển giới mới xuất hiện. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 12/2019 khi bà công khai ủng hộ Maya Forstater - một người bị đuổi việc sau khi cô này bày tỏ quan điểm gây tranh cãi về giới tính trên Twitter.

    Forstater sau đó kiện công ty cũ và cho rằng giới tính tự nhiên (biological sex) cần được bảo vệ theo Đạo luật Bình đẳng. Tòa án phán quyết đây là quan điểm chuyên chế, áp đặt, rồi xử Forstater thua vụ kiện này. Khi Rowling chia sẻ dòng tweet, đã có những tranh cãi nổ ra về việc liệu tác giả Harry Potter có phải là một người thù ghét người chuyển giới (transphobia) hay không.

    Mọi chuyện tưởng như đã lắng xuống, thì tới 6/6, J.K. Rowling đăng một ý kiến với tựa đề mỉa mai rằng: “Kiến tạo một thế giới hậu COVID-19 công bằng hơn cho những người có kinh nguyệt”.

    vi sao JK Rowling gay tranh cai anh 2

    “Những người có kinh nguyệt? Tôi chắc chắn là từng có từ gì khác để gọi họ. Ai đó giúp một tay nào. Phục Nũ? Phú Nừ? Pụ Não?”. Ảnh: Getty, Twitter.

    Đó là một cú sốc. Fan câm nín. Số khác trở nên giận dữ. Phát ngôn kể trên đã cố tình loại bỏ sự chính danh của người chuyển giới nam và nữ. Thế còn những phụ nữ chuyển giới không có kinh nguyệt? Những người chuyển giới nam vẫn còn kinh nguyệt?

    Khi bị chất vấn về những dòng chữ ấy, nhà văn phân trần: “Nếu không có giới tính thì sẽ chẳng có quan hệ đồng giới. Nếu không có giới tính, thực tại hiện hữu của phụ nữ toàn cầu sẽ bị xóa bỏ. Tôi biết và yêu mến người chuyển giới. Nhưng xóa đi định nghĩa về giới tính sẽ xóa đi khả năng của nhiều người trong việc thảo luận về cuộc sống của họ một cách sâu sắc. Không phải nói ra sự thật lúc nào cũng có nghĩa là ghét bỏ”.

    Đến 10/6, J.K. Rowling đăng lên website cá nhân một bài luận dài bày tỏ ý kiến, trước khi đăng tải đường dẫn lên Twitter với vỏn vẹn dòng chữ “TERF Wars”. TERF là viết tắt của Trans-Exclusionary Radical Feminist, tức “Nhóm nữ quyền cấp tiến loại trừ người chuyển giới”.

    Đây là cụm từ để chỉ những người theo chủ nghĩa nữ quyền tin rằng người chuyển giới nữ không phải là phụ nữ, mà chỉ có giới tính sinh học mới là thước đo duy nhất. Nói như Rowling, một cuộc chiến đã nổ ra.

    Lại nói về bài viết của nữ nhà văn trên website cá nhân, Rowling ở đó khẳng định đã từng gặp gỡ và phỏng vấn rất nhiều chuyên gia, cố vấn, nhà tâm lý học, tư vấn viên, tham gia các khóa học và đọc tài liệu.

    Cây bút cho biết sự quan tâm của bản thân đến vấn đề người chuyển giới đã trở nên “chuyên nghiệp”, bởi bà đang viết một series trinh thám trong đó nhân vật nữ thám tử cũng bị ảnh hưởng bởi những vấn đề liên quan đến chuyển giới. Bài viết nhấn mạnh vào việc Rowling bị tấn công bởi những từ ngữ chỉ trích thậm tệ, thậm chí là những lá thư đe dọa được gửi đến tận nhà.

    Sau nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan (chia sẻ từng là nạn nhân của bạo hành gia đình và xâm hại tình dục), J.K. Rowling khẳng định mình không hề thù ghét người chuyển giới, mong muốn họ được hạnh phúc. Đồng thời, không vì thế mà “phụ nữ” kém an toàn hơn.

    Ví dụ được minh họa bằng việc vứt bỏ biển hiệu nam - nữ trên cửa nhà vệ sinh, và để bất cứ ai “cảm thấy hoặc tin rằng mình là phụ nữ” có thể tùy ý ra vào cũng đồng nghĩa với việc bạn mở cửa cho bất kỳ gã đàn ông nào vì “chứng nhận giới tính có thể được trao mà không cần phẫu thuật”.

    Tất cả những gì bà muốn là được lắng nghe, thấu hiểu mà không bị đe dọa hoặc miệt thị. Tóm lại, J.K. Rowling cố gắng giải thích cho những kẻ “hung hăng” bất đồng quan điểm, nhưng bà từ chối “cúi đầu” trước hàng loạt lời chỉ trích.

    vi sao JK Rowling gay tranh cai anh 3

    Trong tweet, J. K. Rowling sử dụng từ “conversion therapy” - liệu pháp chuyển đổi. Đây là những phương thức “chữa trị” đồng tính dựa trên quan điểm đồng tính luyến ái là một dạng bệnh tâm thần có thể chữa trị được. Ảnh: Twitter.

    Đến hôm 5/7, J.K. Rowling lại tiếp tục đưa ra ý kiến rằng người trẻ đang “bị ép” thực hiện “liệu pháp chuyển đổi” bằng hormones và phẫu thuật giới tính, dẫn đến vô sinh hoặc các vấn đề tình dục khác. Nữ nhà văn bày tỏ sự lo lắng của mình trước tác dụng phụ không mong muốn của hormones - điều các nhà vận động vì quyền người chuyển giới cố tình che giấu.

    Trước những tranh cãi gay gắt từcộng đồng, tác giả của Harry Potter cho biết bà không quan tâm tới những ý kiến tồi tệ chỉ trích mình trên mạng. Sau đó hai ngày, một lá thư được gửi từ 150 học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn (trong đó có J. K. Rowling), khẩn thiết yêu cầu môi trường an toàn và tự do để có thể bày tỏ quan điểm tranh biện cá nhân. Lá thư này được đăng trên Harper’s Magazine, và thêm một lần nữa khẳng định thái độ quyết liệt của Rowling.

    Phản ứng dữ dội từ cộng đồng

    Trước quan điểm của bà, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất phát từ phía người hâm mộ. Trong khi có không ít fan ủng hộ, thì nhiều người đã lên tiếng chỉ trích cũng như bày tỏ sự thất vọng.

    Tài khoản @MalloryRubin chia sẻ: “Harry Potter là câu chuyện về sự kỳ diệu của tình yêu, sự chấp nhận, gắn kết. Sức mạnh của lòng dũng cảm. Sức lay động của hy vọng. Cố gắng cướp lấy những thứ đó khỏi con người là một bi kịch tồi tệ. Phụ nữ chuyển giới là phụ nữ”. Một người dùng Twitter khác viết: “Không có bằng chứng nào cho thấy việc tôi sống với chính mình lại làm tổn hại đến những người phụ nữ khác. Nếu có vấn đề giữa phụ nữ và phụ nữ chuyển giới, thì chúng nên được giải quyết bằng sự tinh tế và thận trọng trong từng trường hợp. Làm ơn, vì Chúa, để chúng tôi được yên”.

    vi sao JK Rowling gay tranh cai anh 4

    Emma Watson mặc áo có dòng chữ “Quyền của người chuyển giới là quyền con người”.

    Các diễn viên từng được biết đến qua các loạt phim Harry Potter như Daniel Radcliffe, Emma Watson, Rupert Grint, Eddie Redmayne, Bonnie Wright và Katie Leung đã lên tiếng bảo vệ quyền cho người chuyển giới nữ, trong khi hô hào tránh làm gia tăng căng thẳng và thù ghét.

    Hai fansite cực lớn của Harry PotterMuggleNetLeaky Cauldron mới đây tuyên bố từ chối chấp nhận quan điểm về giới của J.K. Rowling, đồng thời cho rằng những từ ngữ mà nữ nhà văn sử dụng đã “đi ra ngoài khuôn khổ của sự trao quyền và đồng cảm.”

    Quan điểm của Rowling bắt nguồn từ đâu?

    Tại sao trong bối cảnh đại dịch và chia rẽ toàn cầu, một trong những tác giả văn học nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất, lại đi chọn dấy lên một chủ đề gây tranh cãi như thế và nhất quyết bảo vệ nó tới cùng?

    Là một người hoạt động năng nổ trong nhiều lĩnh vực, J.K. Rowling không ngần ngại bày tỏ ý kiến cá nhân liên quan đến chính trị - xã hội. Bà chỉ trích chính quyền Bảo thủ, chống lại Brexit, nhưng cũng sẵn sàng đối đầu những người cánh tả, tiêu biểu là việc phản đối sự độc lập của Scotland.

    Năm 2018, J.K. Rowling thả biểu tượng “thích” vào một bài đăng gọi phụ nữ chuyển giới là “đàn ông mặc váy”. Người phát ngôn của nhà văn sau đó cho biết đó là một khoảnh khắc của tuổi già, nhà văn chỉ lỡ tay ấn nhầm nút like khi lướt Twitter. Trước đó một năm, Rowling cũng từng “thích” một bài đăng trên Medium có chi tiết chỉ trích nặng nề người chuyển giới nữ.

    vi sao JK Rowling gay tranh cai anh 5

    J.K. Rowling bày tỏ cảm xúc trước bài đăng gọi phụ nữ là “đàn ông mặc váy”.

    Cuốn tiểu thuyết năm 2015 của bà mang tên The Silkworm chứa đựng chi tiết nhân vật chính đe dọa sẽ tống giam một nhân vật chuyển giới nữ, kèm theo lời dọa vào tù cô sẽ bị hiếp dâm. Góc nhìn của Rowling về người chuyển giới có thể gây thất vọng cho người hâm mộ, nhưng nó không phải là suy nghĩ bộc phát một sớm một chiều, và càng không ngạc nhiên nếu như nhìn vào bối cảnh văn hóa.

    Chủ nghĩa nữ quyền từ khi sinh ra đã bị phân hóa và biến tướng theo nhiều góc độ. Có những phụ nữ đấu tranh cho quyền lợi của tất cả, và rồi TERF - những phụ nữ cấp tiến có quan điểm loại trừ người chuyển giới - xuất hiện. Nữ quyền tại Anh quốc không phải là ngoại lệ.

    Đạo luật Thừa nhận Giới tính (The Gender Recognition Act) năm 2004 của Anh cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính hợp pháp trên giấy khai sinh. Tuy nhiên, những thủ tục pháp lý cùng điều khoản đi kèm lại rất tốn kém và rắc rối. Năm 2017, chính phủ Anh thông qua cải cách cho người chuyển giới. Đó là tuyên bố hợp pháp rằng họ sẽ được sống suốt phần đời còn lại với giới tính mình lựa chọn.

    Nhóm người phản đối đã vin vào điều này, xuyên tạc thành quan điểm “Nếu ai cũng có thể làm vậy, thì một kẻ biến thái có thể giả làm phụ nữ vào thứ sáu để quấy rối các chị em, rồi trở lại làm đàn ông vào thứ hai”. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Luật California vào năm 2018 đã chứng minh không có bằng chứng nào liên hệ giữa các chính sách công nhận người chuyển giới với việc gia tăng rủi ro trong nhà vệ sinh công cộng.

    Quan điểm cực đoan của nhóm bài trừ người chuyển giới tại Anh chịu ảnh hưởng lớn từ sự cộng hưởng độc hại giữa sự chuyên chế đế quốc và chủ nghĩa hoài nghi. Những chiến dịch ngụy khoa học cố tình bóp méo thông tin, được hậu thuẫn bởi truyền thông, đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào nữ quyền cùng các nhà vận động tại Anh.

    Một phụ nữ từng đứng giữa tòa nhà quốc hội Anh quốc vào năm 2018 mà nói rằng người chuyển giới nữ là “ký sinh trùng”. Tại Scotland, một nhóm nữ quyền tuyên bố hợp pháp hóa quyền cho người chuyển giới sẽ khiến phụ nữ gặp nguy hiểm.

    Làn sóng văn hóa xóa sổ: Liệu tượng đài có thể trụ vững?

    Cancel culture, hay call-out culture, là hiện tượng đồng loạt tẩy chay một nhân vật nổi tiếng sau khi họ (bị) phơi bày hành vi/quan điểm đáng lên án. Bắt đầu trở nên thịnh hành sau phong trào #MeToo nhằm lên án những cá nhân có hành vi xâm hại, quấy rối tình dục, giờ đây bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào cũng có nguy cơ bị cộng đồng mạng nhấn nút “hủy”.

    Người ta có thể đưa bạn lên, thì người ta cũng có thể hạ bạn xuống. Kẻ vô danh sau một đêm thành sao, thì cũng có người nổi tiếng sau một đêm trở thành tội đồ. Các nhãn hàng không muốn hợp tác với bạn, đối tác không muốn làm ăn với bạn, người hâm mộ quay lưng.

    vi sao JK Rowling gay tranh cai anh 6

    J.K. Rowling sở hữu thứ quyền lực đáng ngưỡng mộ, nhưng đồng thời chịu không ít áp lực từ nó. Ảnh: Getty.

    Trong phút chốc, nỗ lực gây dựng tên tuổi hàng năm, thậm chí hàng chục năm, không còn được một ai nhớ đến. Hàng loạt cái tên như Kevin Spacey, R. Kelly, Bill Cosby hay Woody Allen đã và đang bị nhấn chìm bởi làn sóng xóa sổ.

    Hơn 14 triệu lượt theo dõi của J.K. Rowling đem lại độ phủ truyền thông - một thứ quyền lực đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng hoàn toàn có thể tạo ra áp lực khổng lồ lên những quan điểm gây tranh cãi của “chính chủ”. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với vùi dập ý chí tự do ngôn luận, mà sự kiểm soát từ cộng đồng sẽ điều hướng người nổi tiếng phải có trách nhiệm với từng lời nói, cử chỉ, quan điểm đưa ra.

    Cho đến giờ, tiếng tăm của Rowling vẫn quá lớn để thực sự bị “xóa sổ” qua quan điểm gây tranh cãi. Dù nhà văn phủ nhận việc mình kỳ thị người chuyển giới, sự chối bỏ và những hành động đi kèm của bà lại nói lên nhiều hơn những gì con chữ có thể. Chỉ có thời gian mới chứng minh được, liệu sau tất cả ồn ào, tượng đài của thương hiệu Harry Potter có thể ở lại với công chúng.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

    Quan điểm của J.K. Rowling bắt nguồn từ đâu? Kết quả: 5 / 5 bầu chọn. 1 reviews.
Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/jk-rowling-khi-doi-thuc-chang-co-nhung-phep-mau-nhu-harry-potter-post1110244.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ