Phụ nữ có thai và vắc xin COVID-19 và thông tin cho những người đã được tiêm chủng ở nước ngoài
Tất cả mọi người ở Úc từ 12 tuổi trở lên đều có thể được tiêm vắc xin COVID-19 miễn phí tại tiệm thuốc tây có tham gia tiêm chủng, phòng mạch bác sĩ và phòng tiêm chủng của chính phủ. Mặc dầu đến nay đã có hơn 80 phần trăm số người ở Úc từ 16 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ hai liều vắc xin, nhưng vẫn có các tin tức sai về vắc xin COVID-19. Quý vị hãy đọc tiếp để tìm hiểu về vắc xin COVID-19 và phụ nữ có thai, về cách để quý vị được tiêm chủng và tiêm chủng ở đâu, và để tìm hiểu thêm tầm quan trọng duy trì thói quen vệ sinh tốt và giữ khoảng cách.
Tiêm chủng có an toàn không nếu tôi đang có thai, dự tính sẽ có con hay đang cho con bú?
Cơ quan TGA gồm có các nhà khoa học và chuyên gia y tế với trách nhiệm đưa ra các quy định và phê duyệt tất cả vắc xin, thuốc men và các sản phẩm y tế khác để được phép sử dụng ở Úc. Cơ quan TGA đã chấp thuận việc sử dụng vắc xin Comirnaty (Pfizer) và Spikevax (Moderna) cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và đang dự tính sẽ có con.
Phụ nữ có thai và thai nhi có nguy cơ cao hơn bị ốm nặng vì COVID-19 và cần được chăm sóc y tế chuyên sâu. Tiêm chủng là cách tốt nhất để giảm các nguy cơ đó.
Một nghiên cứu từ Mỹ với hơn 35,000 phụ nữ có thai cho thấy là tiêm chủng không làm tăng khả năng bị biến chứng như là sinh non, thai lưu và dị dạng bẩm sinh. Bằng chứng khoa học cho rằng kháng thể của phụ nữ có thai sau khi được tiêm chủng vắc xin COVID-19 có thể được truyền qua nhau thai, nhất là ở những người đã được tiêm chủng sớm trong thai kỳ và được tiêm cả hai liều trước khi sinh con. Các kháng thể đó có thể cung cấp cho em bé một số bảo vệ phòng tránh COVID-19 trong những tháng đầu sau khi sinh.
Đối với những người muốn có con, việc tiêm chủng trước khi thụ thai tức là có nhiều khả năng quý vị được bảo vệ phòng tránh COVID-19 trong suốt thai kỳ. Tiêm chủng không ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản hoặc khả năng thụ thai của quý vị.
Các bước tiếp theo là gì nếu quý vị vừa tới Úc sau khi được tiêm chủng một phần hoặc đầy đủ ở nước ngoài?
Nếu đã được tiêm một loại vắc xin được chấp thuận khi ở nước ngoài, khi trở lại Úc quý vị có thể cho lưu thông tin này vào Sổ bộ Chủng ngừa Úc (Australian Immunisation Register - AIR) với điều kiện là giấy chứng nhận đó phải bằng tiếng Anh. Sau đó thông tin này sẽ nằm trong phần tường trình quá trình tiêm chủng của quý vị (Immunisation History Statement – HIS).
Nếu giấy tờ chứng nhận tiêm chủng không phải là tiếng Anh thì quý vị có thể tìm người dịch các giấy tờ này. Bộ Nội vụ có dịch vụ dịch thuật miễn phí cho quý vị. Tìm hiểu thêm tại translating.homeaffairs.gov.au.
Các vắc xin được chấp thuận và được công nhận ở Úc là: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinova Coronavac, BBIBP-CorV của Sinopharm, vắc xin COVID của Johnson & Johnson và Covaxin của Bharat Biotech.
Nếu quý vị chưa được tiêm bằng các vắc xin được công nhận như nêu trên tức là quý vị không đáp ứng quy định đã được tiêm chủng đầy đủ của Úc.
Nếu chỉ được tiêm liều đầu tiên của bất cứ loại nào trong các vắc xin này thì quý vị có thể lấy hẹn tiêm liều thứ hai tại tiệm thuốc tây có tham gia tiêm chủng, phòng mạch bác sĩ, hoặc phòng tiêm chủng của chính phủ. Nếu đã quá 6 tháng kể từ khi quý vị tiêm liều thứ hai thì quý vị hội đủ điều kiện được tiêm liều tăng cường.
Quý vị hãy ghi nhớ phải tiếp tục rửa tay thường xuyên – và duy trì thói quen vệ sinh khi ho và hắt hơi và giữ khoảng cách. Quý vị vẫn có thể cần phải đeo khẩu trang tại một số địa điểm. Nếu thấy có triệu chứng như bị viêm họng, sổ mũi, ho hay là bị sốt, hãy làm xét nghiệm và ở nhà cho đến khi quý vị được kết quả xét nghiệm âm tính.
Để lấy hẹn tiêm chủng vắc xin COVID-19 hoặc tiêm liều tăng cường, vào trang australia.gov.au, hoặc gọi số 1800 020 080. Để sử dụng dịch vụ thông dịch, gọi số 131 450.
Được chấp thuận bởi Chính phủ Úc, Canberra