Phim kinh điển tôn vinh nữ quyền và tình yêu
Tác phẩm của đạo diễn Garry Marshall được chuyển thể thành nhạc kịch trên sân khấu Broadway, với phiên bản Pretty Woman The Musical, công diễn từ đầu năm nay. The Guardian đánh giá qua ba thập niên, phim là bộ rom-com (hài tình cảm) lãng mạn hàng đầu của Hollywood, kể câu chuyện giữa cô gái bán hoa Vivian Ward (Julia Roberts đóng) và doanh nhân giàu có Edward Lewis (Richard Gere).
Vivian Ward (phải, Julia Roberts đóng) và Edward Lewis (Richard Gere đóng) trong phim. Ảnh: Buena Vista Pictures
Theo nhà phê bình điện ảnh Scott Tobias, Vivian không phải gái mại dâm may mắn trúng số, mà là cô nàng ngây thơ trên hành trình khám phá người phụ nữ mà cô ấy muốn trở thành. Khi ra đời năm 1990, Pretty Woman từng bị nhiều nhà phê bình mỉa mai vì cho rằng phim đề cao nghề mại dâm, hạ thấp phụ nữ. Tuy nhiên, theo thời gian, khán giả đã nhìn nhận lại về ý nghĩa thực sự của tác phẩm.
Theo trang CNN, bộ phim khéo léo gửi thông điệp bình đẳng giới, được đạo diễn Brigit McCone gọi là tác phẩm kinh điển về nữ quyền. Nữ chính Vivivan hiện lên là cô gái thông minh, lém lỉnh, sẵn sàng đàm phán đòi công bằng với doanh nhân Edward. Khi cảm thấy không được anh tôn trọng, cô thẳng thừng từ chối tình yêu dù trái tim rung động. Với tình huống Stuckey tấn công tình dục Vivian ở đoạn cao trào, biên kịch ngầm lên án việc đổ lỗi cho nạn nhân, khẳng định hành hung gái mại dâm là hành vi bất công, không thể thứ. Từ đó, tác phẩm truyền tải thông điệp về quyền tự chủ cơ thể của mỗi cô gái.
Nữ giới trong phim không chịu sự áp đặt của số phận còn đàn ông phải chịu trách nhiệm về từng lời nói, cách hành xử của họ với các quý cô. Phim có nhiều câu thoại ẩn ý về thông điệp nữ quyền. Chẳng hạn, lúc hai người trò chuyện về điều gì sẽ xảy ra khi hoàng tử vượt qua thử thách để giải cứu công chúa, Vivian trả lời: "Cô ấy sẽ giải cứu lại anh ta".
Vẻ đẹp, lối diễn tự nhiên của bộ đôi Julia Roberts, Richard Gere khiến khán giả không thể rời khỏi màn hình. Minh tinh thể hiện tinh tế sự thay đổi của Vivian, sự nhạy cảm của cô gái trẻ qua từng phân đoạn. Ở tuổi đôi mươi, nữ chính còn chinh phục khán giả nhờ nhiều bộ cánh đa phong cách, từ gợi cảm đến sang trọng. Sau tác phẩm, cô nhận một đề cử Oscar và gắn với biệt danh "Người đàn bà đẹp" suốt nhiều năm. Còn Richard Gere, với vẻ lãng tử và đào hoa, trở thành người tình trong mộng của các cô gái.
Trong khi Oh, Pretty Woman gắn với khung cảnh vui tươi, giai điệu It Must Have Been Love của Roxette vang lên ở một trong những cảnh buồn nhất phim, khi Vivian và Edward nảy sinh tình cảm nhưng không dám thổ lộ. Lúc ấy, cả hai nhận ra mình vừa đánh mất mối quan hệ có thể là tình yêu. Đạo diễn cắt thoại và tiếng động, chỉ để giọng ca Marie vang lên trên cảnh Vivian bước vào xe rời khách sạn, rưng rưng nước mắt. Trong khi đó, Edward đứng trên ban công nhìn theo, thở dài tiếc nuối.
Một số bài hát khác như Wild Woman Do (Natalie Cole), Show Me Your Soul (Red Hot Chili Peppers), Tangled (Jane Wiedlin) chung chủ đề tình yêu, tôn vinh phụ nữ, hài hòa mạch phim.
Theo Times, Pretty Woman đã thiết lập tiêu chuẩn cao hơn cho thể loại hài tình cảm của Hollywood, với diễn biến tâm lý nhân vật được khắc họa sâu, đồng thời làm nổi bật "phản ứng hóa học" của hai diễn viên. Nhờ vậy, từng khung cảnh khi hai nhân vật quấn quýt bên đàn piano, bữa tối trong nhà hàng sang trọng hoặc nam chính bày tỏ tình cảm đều trở nên kinh điển.
Tác phẩm là phim hài tình cảm đạt doanh thu cao nhất mọi thời ở Mỹ, với 463 triệu USD, theo Box Office Mojo. Phim từng được tạp chí Watch and Listen xếp vào danh sách hay nhất thập niên 1990, đến nay vẫn là một trong những thước phim kinh điển dành cho phái đẹp.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/pretty-woman-560