Phải làm gì để kiểm soát trầm cảm theo mùa?
Trầm cảm theo mùa (SAD) là một trong những vấn đề sức khỏe dễ bắt gặp nhất khi thay đổi thời tiết, đặc biệt vào mùa lạnh. Mùa đông ngày ngắn kết hợp với nhiệt độ thấp khiến không ít người cảm thấy buồn bã. Tình trạng này còn có thể tiếp diễn cho tới tháng 5. Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia tâm lý giúp bạn nhận biết triệu chứng điển hình của trầm cảm theo mùa và biện pháp khắc phục:
Trầm cảm theo mùa là gì?
Về cơ bản, tình trạng này còn mang tên rối loạn trầm cảm chính (MDD) xảy ra theo mùa. Trầm cảm theo mùa khác trầm cảm thông thường vốn có thể gặp phải tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào trong năm, ngoài mùa thu và mùa đông. Trên thực tế, điểm khác biệt duy nhất giữa hai vấn đề sức khỏe này là trầm cảm theo mùa thực sự xảy ra mỗi năm và vào cùng một thời điểm.
James Murrough, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư tâm lý học tại Bệnh viện Mount Sinai, New York cho biết, chúng là một dạng của trầm cảm nên các triệu chứng sẽ không khác mấy so với trầm cảm thông thường. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của tình trạng này:
Thường xuyên buồn bã và mất năng lượng
Trầm cảm theo mùa, giống các dạng trầm cảm khác, sẽ khiến bạn cảm thấy buồn bã. Chuyên gia Murrough đã chỉ ra, đặc điểm của tình trạng này là kéo dài dai dẳng, làm xuất hiện nhiều suy nghĩ tiêu cực tác động không nhỏ tới tâm lý của người bệnh. Một số người bệnh đã từng chia sẻ trầm cảm theo mùa khiến họ nhìn thế giới xung quanh với màu xám xịt.
Trầm cảm theo mùa, giống các dạng trầm cảm khác, sẽ khiến bạn cảm thấy buồn bã.
Không hoặc luôn thấy đói
Theo Liên minh bệnh tinh thần Quốc gia Hoa Kỳ (NAMI), thay đổi khẩu vị là một trong những triệu chứng đặc trưng của trầm cảm theo mùa. Do đó, phụ thuộc vào mỗi người, cảm giác thèm ăn có thể tăng hoặc giảm khi mắc phải vấn đề sức khỏe này.
Theo Viện Sức khỏe Tâm lý Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), trầm cảm theo mùa xuất hiện vào mùa hè lẫn mùa đông. Mặc dù tương tự nhau, các triệu chứng của trầm cảm theo mùa trong mùa lạnh thường bao gồm ngủ nhiều và thèm tiêu thụ đồ ăn chứa nhiều carb. Trong khi đó, với mùa hè, bạn có thể gặp phải các triệu chứng gây mất khẩu vị và sụt cân.
Susan Bowling, bác sĩ tâm lý kiêm nhà tâm lý học tại Bệnh viện Cleveland cho biết thêm, một số người mắc trầm cảm theo mùa có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm hoặc gặp phải những rối loạn về ăn uống theo cảm xúc.
Một số người mắc trầm cảm theo mùa có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm hoặc gặp phải những rối loạn về ăn uống theo cảm xúc.
Cảm thấy vô vọng và có ý nghĩ tự tử
Theo NIMH, cả trầm cảm và trầm cảm theo mùa đều có thể làm bạn nảy sinh suy nghĩ tự tử. Ngoài ra, người mắc phải vấn đề này còn cảm thấy chán nản mỗi ngày, thấy bản thân vô dụng không có giá trị. Bỗng nhiên mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích cũng là một trong nhiều triệu chứng của các tình trạng trầm cảm nói chung, trong đó bao gồm trầm cảm theo mùa. Vào mùa đông, người mắc có xu hướng "ngủ đông" hoặc ít quan hệ hay giao tiếp với người xung quanh.
Phải làm gì để kiểm soát trầm cảm theo mùa?
Theo chuyên gia Murrough, các triệu chứng của trầm cảm theo mùa có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, nếu bạn đã gặp phải tình trạng này trong quá khứ và đang lo lắng có thể mắc lại, hãy áp dụng một số biện pháp phòng ngừa để bảo vệ chính mình.
Các triệu chứng của trầm cảm theo mùa có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Bác sĩ Bowling khuyên, mọi người nên tăng cường hấp thụ nhiều vitamin D trong những tháng mùa đông thông qua chế độ ăn uống. Loại vitamin này thường có trong trứng, cá ngừ, cá hồi, nấm và các loại thực phẩm khác.
Nếu bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm và có dự định ngừng thuốc, hãy đợi cho đến khi những tháng mùa đông trôi qua. Đây là thời điểm dễ mắc trầm cảm theo mùa nhất.
Chuyên gia Murrough cho biết thêm, liệu pháp ánh sáng có thể hữu ích cho những người đang phải vật lộn vì trầm cảm trong những tháng mùa đông. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, phương pháp này tốt cho các bệnh trầm cảm nói chung.
Sau cùng, nếu bạn gặp phải các dấu hiệu trên và nghĩ bản thân có thể đang phải đối mặt với trầm cảm theo mùa, đừng ngại ngần nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/benh-tram-cam-theo-mua-tat-tan-tat-cac-trieu-chung-lieu-ban-co-mac-phai-20191217103720759.chn