Nút thắt trong chuỗi cung ứng vũ khí cho Ukraine

10:00' 03-03-2023
Nỗ lực của phương Tây nhằm cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine vấp phải thách thức lớn Thụy Sĩ với truyền thống trung lập hàng thế kỷ.


    Thụy Sĩ là quê hương của ngành công nghiệp vũ khí nhưng nước này luôn tuân theo nguyên tắc tránh xa các cuộc xung đột ở nước ngoài. Bern cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu vũ khí, đạn dược sang những khu vực xung đột. Điều đó đang ngăn cản các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu cung cấp cho Ukraine những vũ khí và đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất.

    Lệnh cấm đang ảnh hưởng đến các hệ thống như pháo phòng không hay xe tăng, đồng thời khiến quốc hội Thụy Sĩ phải suy nghĩ lại về một trụ cột bản sắc quốc gia. Nó cũng tạo ra thêm nút thắt cho chuỗi cung ứng vũ khí, trong bối cảnh lượng đạn pháo và rocket Ukraine đang sử dụng trong một tháng nhiều hơn so với khả năng sản xuất của các đối tác phương Tây.

    Xe bọc thép của quân đội Thụy Sĩ tham gia cuộc tập trận Pilum di chuyển trên đường cao tốc tại nước này hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

    Xe bọc thép của quân đội Thụy Sĩ tham gia cuộc tập trận Pilum di chuyển trên đường cao tốc tại nước này hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

    Ngoài áp lực từ phương Tây, các nhà lập pháp trong Ủy ban Đối ngoại của quốc hội Ukraine cũng đang lên kế hoạch cử một phái đoàn đặc biệt đến Bern để kêu gọi thay đổi chính sách. "Họ cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine", Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban, nói.

    Tây Ban Nha và Đan Mạch đã phàn nàn sau khi Thụy Sĩ từ chối cho phép tái xuất khẩu hệ thống phòng không Aspide cùng xe chiến đấu bộ binh Piranha III sang Ukraine, cả hai đều có các bộ phận từ Thụy Sĩ.

    Đức cũng muốn chuyển tới Ukraine số đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất mà Berlin đã mua từ nhiều thập kỷ trước, nhưng đề nghị này bị từ chối. Nổi bật trong số đó có đạn cho pháo phòng không Gepard mà Ukraine đã triển khai để chống máy bay không người lái (UAV) tự sát Nga. Vì thế, lực lượng Ukraine buộc phải tiết kiệm đạn dược, làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng thủ quan trọng này.

    "Trong trường hợp chiến sự Ukraine, vấn đề không nằm ở trạng thái trung lập mà là về việc tôn trọng quyền tự vệ, bảo vệ pháp quyền và bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng trước nói.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong khi đó nhấn mạnh "bỏ phiếu trắng" không phải một lựa chọn cho Thụy Sĩ.

    Đến nay, Thụy Sĩ vẫn lập luận rằng họ không thể từ bỏ lệnh cấm vì nó là một phần của hiến pháp.

    Trạng thái trung lập này bắt nguồn từ năm 1515, khi Cựu Liên Bang Thụy Sĩ, tiền thân của nhà nước Thụy Sĩ hiện đại, bị Pháp đánh bại. Sau đó, Bern chủ yếu cố gắng tránh xa các cuộc chiến tranh ở châu Âu. Các cường quốc láng giềng đã công nhận lập trường của Thụy Sĩ trong Hiệp ước Paris năm 1815. Bern cũng giữ thái độ trung lập trong suốt Thế chiến I và II.

    Ngày nay, Thụy Sĩ giữ trạng thái trung lập vũ trang, họ duy trì quân đội và sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền của mình nhưng tránh xa các cuộc xung đột nước ngoài.

    Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng hai năm ngoái, giới lãnh đạo châu Âu đã gây sức ép thành công để Bern đồng ý tham gia các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moskva, khiến Nga thêm Thụy Sĩ vào danh sách "những quốc gia không thân thiện".

    Nga luôn phản đối phương Tây bơm vũ khí cho Ukraine, kêu gọi chấm dứt hành động này với lý do viện trợ liên tục chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân, thay vì làm thay đổi kết quả cuối cùng của xung đột. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 26/2 nói rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến "thảm họa" và "ngăn chặn mọi khả năng nối lại các cuộc đàm phán".

    Thủ tướng Olaf Scholz (mặc vest) đến thăm một chương trình huấn luyện dành cho binh sĩ Ukraine ở Putlos, Đức. Ảnh: AP.

    Thủ tướng Olaf Scholz (mặc vest) đến thăm một chương trình huấn luyện dành cho binh sĩ Ukraine ở Putlos, Đức. Ảnh: AP.

    Để thuyết phục Bern thay đổi chính sách, Đức, đối tác mua vũ khí lớn nhất của Thụy Sĩ, đã đe dọa hủy các hợp đồng mua vũ khí dài hạn. Sức ép từ nhiều quốc gia như Đức làm dấy lên tranh luận tại quốc hội Thụy Sĩ về sửa đổi luật để cho phép một số nước thứ ba tái xuất khẩu vũ khí, đạn dược.

    Các nhà lập pháp Thụy Sĩ đã soạn thảo một loạt sửa đổi đối với luật buôn bán vũ khí nhằm mở rộng quyền tái xuất khẩu nhưng chưa rõ liệu chúng có được quốc hội thông qua hay không. Ngay cả khi được thông qua, quá trình này có thể mất 3-6 tháng và những thay đổi sẽ chỉ có hiệu lực sớm nhất vào đầu năm sau.

    "Việc cho phép tái xuất khẩu các thiết bị do Thụy Sĩ sản xuất sẽ không vi phạm tính trung lập. Từ chối làm như vậy có thể phá hủy ngành công nghiệp vũ khí của chúng ta", Thierry Burkart, nghị sĩ cấp cao đảng Tự do, người đã soạn thảo đề nghị sửa đổi luật, nhấn mạnh. "Nếu từ chối cung cấp vũ khí cho các đối tác, chúng ta có thể tự xóa bỏ ngành công nghiệp vũ khí của mình".

    Ông lưu ý đến thực tế Thụy Sĩ là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 14 trên thế giới và ngành này đóng góp gần 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

    Ông đề xuất cấp quyền miễn trừ đặc biệt cho 25 quốc gia và xây dựng khung pháp lý để tái xuất khẩu vũ khí. Những quốc gia được miễn trừ, bao gồm các khách hàng châu Âu cùng Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản, sẽ chỉ có thể tái xuất khẩu sau 5 năm mua thiết bị.

    Nếu thành luật, đề xuất của Burkart có khả năng mở đường cho một kế hoạch mà chính phủ Thụy Sĩ cho đến nay vẫn bác bỏ. Theo đó, khoảng 100 xe tăng Leopard do Đức sản xuất bị lực lượng vũ trang Thụy Sĩ loại biên có thể được gửi trả lại cho nhà sản xuất hoặc nước thứ ba rồi cấp chúng cho Ukraine.

    Sáng kiến này đang vấp phải phản đối từ đảng Xanh theo chủ nghĩa hòa bình, những nhóm cực hữu cùng một số bộ phận trong khối bảo thủ và trung tả. Các nhà lập pháp trong Đảng Nhân dân cánh hữu, lực lượng chính trị lớn nhất Thụy Sĩ, cũng có quan điểm mâu thuẫn về vấn đề này.

    Eric Nussbaumer, nghị sĩ từ đảng Dân chủ Xã hội ủng hộ sáng kiến, cho rằng Thụy Sĩ "không thể núp sau quan điểm trung lập trong cuộc xung đột có một không hai ở Ukraine".

    "Ngay cả một quốc gia nhỏ bé như chúng ta cũng phải tìm cách hỗ trợ hàng xóm của mình", ông nói.

    Trong khi cuộc tranh luận ở Thụy Sĩ diễn ra, các nước châu Âu đang chật vật tìm nguồn cung từ nơi khác để thay thế đạn dược do Bern sản xuất.

    Brazil, quốc gia nắm giữ lượng lớn đạn cho pháo phòng không Gepard và xe tăng Leopard, đến nay vẫn từ chối yêu cầu mua lại chúng của Đức.

    Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Olaf Scholz tới Brasilia vào tháng trước, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thẳng thắn khước từ yêu cầu với lý do họ "không rõ điều gì dẫn tới cuộc xung đột: tuyên bố lãnh thổ từ phía Nga, mong muốn gia nhập NATO của Ukraine hay nguyên nhân nào khác?".

    "Lý do nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine cần phải rõ ràng hơn. Liệu có phải do NATO không", Tổng thống Lula nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/yeu-to-gay-nghen-dong-vu-khi-toi-ukraine-4575973.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ