Nước mía giúp giải khát nhưng có nên uống thoải mái?
Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ lên tới gần 40 độ C, việc bổ sung nước là vô cùng quan trọng. Ngoài nước lọc thông thường hoặc nước ép trái cây, thì nước mía được coi là loại nước “quốc dân” khi được nhiều người sử dụng. Theo đó, từ các ngõ nhỏ, đến mặt đường lớn, từ thành thị đến nông thôn, nước mía được bán rất nhiều, số lượng tiêu thụ rất lớn.
Khi uống nước mía ép, đa phần mọi người đều cho thêm đá để tăng độ mát, giảm độ ngọt. Ngoài ra, quá trình ép thường được cho thêm quả quất (tắc) để ép cùng. Vậy, việc cho thêm quất ép cùng nước mía nhằm mục đích gì?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm) cho biết, khi cho quả quất vào nước mía không làm tăng độ dinh dưỡng cho loại đồ uống này, mục đích duy nhất là để dậy mùi thơm, vị chua của quất sẽ làm dịu độ ngọt của nước mía, để uống không cảm thấy gắt.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, việc cho quất vào nước mía chỉ giúp vị giác cảm thấy độ ngọt bớt đi, chứ không làm giảm hàm lượng đường có trong cốc nước mía. Cụ thể, trong 100ml nước mía có chứa 20g đường, khi cho quất hay đá vào thì lượng nước sẽ tăng lên, nhưng lượng đường không thay đổi.
Vì thế, mọi người không nên vì mát, vì thơm ngon mà dùng quá nhiều. Chỉ cần uống 2 cốc nước mía/ngày là đã đủ lượng đường được khuyến cáo dùng cho một người trưởng thành. Trong khi đường nạp vào cơ thể còn nhiều nguồn khác, nên nguy cơ dư thừa đường là rất lớn. Dùng quá nhiều đường sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường…
Quay trở lại với việc cho quất vào nước mía, ông Thịnh khuyến cáo, chỉ nên cho ít vì nếu ép quá nhiều vỏ và hạt sẽ gây đắng, khó uống. Ngoài ra, chỉ nên cho quất vào khi uống ngay tại chỗ, còn lại không nên cho quất vì sẽ nhanh hỏng, vì nó dễ bị lên men.
Nước mía giúp giải khát có nên uống thoải mái
TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, nước mía được ép nguyên chất là loại nước uống sạch, vì chúng ít chịu tác động của hóa chất, chất bảo quản. Hơn nữa, nếu so sánh với đường kính được làm từ mía thì nước mía tốt cho sức khỏe hơn. Nguyên nhân là do, nước mía là đường tự nhiên, ngoài ra còn có chất xơ và một số vitamin, khoáng chất nhất định. Trong khi đường kính không có những điều này.
Kể cả khi đã cho đá làm mát thì cũng không nên uống quá nhiều nước mía. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi sử dụng nước mía để giải khát trong mùa hè, mọi người cần đặc biệt chú ý để không gây tác dụng ngược. Theo ông Ngữ, sở dĩ nước mía được coi là một loại nước giải khát, vì khi tới tay người tiêu dùng, nó đã được để lạnh hoặc pha thêm đá, do vậy uống mát và nhiều người cho rằng như vậy sẽ giúp hạ nhiệt cho cơ thể.
Trong trường hợp uống nước mía nguyên chất, không pha thêm nước hoặc cho thêm đá thì không nên coi đó là thức uống giải khát. Lý do là, một cốc nước mía chứa rất nhiều đường, uống vào sẽ khiến cơ thể nóng hơn. “Kể cả khi uống cùng với đá, hay đã làm lạnh cũng phải uống với số lượng vừa phải. Bởi mía chứa nhiều đường, những người đi nóng về, uống liền một lúc vài ba cốc nước mía, có thể mát lúc đó (do có đá lạnh) nhưng một lúc sau cơ thể lại nóng rực”, ông Ngữ cho biết.
Theo khuyến cáo, mỗi người chỉ nên uống khoàng 300ml nước mía, tương đương 2 cốc/ngày (đã được pha thêm đá). Khi uống nước mía, không nên uống sát bữa ăn, vì mía nhiều đường sẽ khiến ăn không ngon miệng hoặc chán ăn thực phẩm khác. Người có bệnh tiểu đường thì không nên uống nước mía.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/alo-bac-si/vi-sao-ep-nuoc-mia-lai-them-quat-ai-cung-nghi-nuoc-mia-mat-chuyen-gia-chi-ra-ly-do-uong-nuoc-nay-nhieu-gay-nong-c430a593525.html