Núi băng trôi Nam Cực rộng 267 km2 tiếp tục nứt vỡ
Núi băng trôi Nam Cực tách ra hồi tháng 9 chia thành những khối nhỏ. Ảnh: ESA/BAS
Núi băng trôi rộng gấp hơn 4 lần diện tích khu Manhattan của New York tách ra từ sông băng Pine Island, Nam Cực hai tháng trước đang vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, Science Alert hôm nay đưa tin.
Núi băng này rộng khoảng 267 km2, tách ra khỏi sông băng ở Tây Nam Cực hồi cuối tháng 9. Các nhà khoa học dự đoán núi băng sẽ trôi ra Nam Đại Dương trước khi vỡ, nhưng nó bị lớp băng biển dày cản đường. Hình ảnh từ vệ tinh Copernicus Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho thấy núi băng sau đó phân rã thành nhiều mảnh nhỏ với kích thước khác nhau.
"Những hiện tượng xảy ra ở sông băng Pine Island rất đáng lo ngại. Hoạt động phân tách của thềm băng đang thay đổi. Trong 68 năm, chúng tôi chứng kiến lớp băng mở rộng và thu hẹp, một tảng băng trôi lớn tách ra và phần rìa băng trở lại vị trí tương tự như cũ", tiến sĩ Robert Larter, nhà địa vật lý tại viện Nghiên cứu Nam Cực Anh, cho biết.
"Những lần núi băng tách ra năm 2001, 2007 và 2013 đều được ghi chép cẩn thận. Mỗi lần rìa băng lại trở về vị trí cũ và thềm băng tiếp tục trải ra biển. Nhưng việc lớp băng ngày càng mỏng đi cho thấy sớm muộn gì quá trình này cũng thay đổi. Đó chính là những gì chúng ta đang chứng kiến", tiến sĩ Larter bổ sung.
Pine Island là sông băng tan chảy nhanh nhất ở Nam Cực, chiếm gần 1/4 diện tích băng mà lục địa này mất đi, tức là khoảng 45 tỷ tấn băng mỗi năm. Hiện tượng núi băng khổng lồ tách ra hồi tháng 9 là lần đầu tiên các chuyên gia quan sát được rìa băng thật sự thu lại kể từ năm 1947.
"Nếu thềm băng tiếp tục mỏng đi và phần rìa băng thu hẹp, tác dụng làm tường chắn cho sông băng Pine Island sẽ giảm, từ đó có thể khiến sông băng ngày càng mỏng và co lại nhiều hơn", tiến sĩ Larter nhận xét. Ông cũng cho biết, Pine Island đang là sông băng Nam Cực góp phần lớn nhất khiến mực nước biển tăng lên.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1986698