Nỗi sợ hãi trong cộng đồng người Mỹ gốc Á
|
Vụ xả súng tại 3 tiệm massage và spa ở Georgia khiến 8 người thiệt mạng, trong đó 6 nạn nhân là phụ nữ gốc Á, xảy ra sau làn sóng tấn công người Mỹ gốc Á kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ.
Người Mỹ gốc Á coi vụ giết người ở Georgia như lời nhắc nhở đầy ám ảnh về những vụ quấy rối và hành hung xảy ra với cộng đồng này trên khắp nước Mỹ.
Điều gì đã xảy ra tại Atlanta?
Năm người đã bị bắn vào ngày 16/3 tại một tiệm massage ở Acworth, cách trung tâm thành phố Atlanta khoảng 48 km về phía tây bắc. Trong số đó, bốn người thiệt mạng.
Cảnh sát tìm thấy 3 phụ nữ chết do đạn bắn tại Gold Spa ở khu phố Buckhead của Atlanta. Tại Aromatherapy Spa đối diện, cảnh sát cũng phát hiện một phụ nữ bị bắn chết.
Cảnh sát phong tỏa bên ngoài hiện trường vụ xả súng ở Georgia vào ngày 16/3. Ảnh: AP. |
Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc xác nhận rằng 4 trong số các nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ gốc Hàn.
Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm Robert Aaron Long, một người đàn ông da trắng 21 tuổi. Long đã bị buộc tội giết người.
Nhiều người lo ngại rằng vụ nổ súng là cuộc tấn công mới nhất trong chuỗi tội ác vì thù hận nhắm vào người Mỹ gốc Á. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng nghi phạm có thể có động cơ khác.
Nghi phạm nói với cảnh sát rằng mình không sát hại các nạn nhân vì động cơ chủng tộc và tự nhận mình mắc chứng “nghiện sex”. Người này coi các tiệm massage là nơi cám dỗ mình, nhà chức trách cho biết ngày 17/3.
Hiện tại, cảnh sát vẫn chưa rõ động cơ thực sự đằng sau các vụ tấn công.
Phản ứng của cộng đồng
Các nghị sĩ người Mỹ gốc Á đã bày tỏ sự đau lòng trên mạng xã hội và nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phải hỗ trợ cộng đồng người Mỹ gốc Á trong thời điểm này.
Tài khoản Twitter của nhóm nghị sĩ người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương trong quốc hội viết họ "kinh hoàng trước vụ việc xảy ra vào thời điểm bạo lực chống người châu Á gia tăng đột biến".
Hạ nghị sĩ California Judy Chu đã cảnh báo mọi người về hậu quả của các phát ngôn chống lại người gốc Á sau vụ xả súng ở Georgia. Ảnh: AP. |
Nhiều nghị sĩ thừa nhận rằng người Mỹ gốc Á ngày càng sợ hãi do số lượng các vụ tấn công vì thù hận gia tăng.
Hạ nghị sĩ California Judy Chu cảnh báo mọi người về hậu quả của các phát ngôn chống lại người châu Á.
“Khi chúng ta chờ đợi thêm thông tin về vụ việc, tôi yêu cầu mọi người hãy nhớ rằng những lời nói gây tổn thương có thể để lại hậu quả”, bà Chu viết trên Twitter. “Hãy đứng lên, lên án bạo lực và giúp chúng tôi #StopAsianHate”.
Số vụ tấn công gia tăng đột biến
Các cuộc tấn công gần đây, bao gồm cả vụ giết người đàn ông 84 tuổi ở San Francisco vào tháng 2, làm dấy lên lo ngại về thái độ thù địch ngày càng tồi tệ hơn với người Mỹ gốc Á.
Gần 3.800 sự cố đã được ghi nhận bởi Stop AAPI Hate, tổ chức tại California dành cho người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương và các nhóm vận động đối tác, kể từ tháng 3/2020.
Cảnh sát ở một số thành phố lớn nhận thấy tội ác vì thù hận nhắm vào người châu Á gia tăng mạnh mẽ từ năm 2019 đến năm 2020, theo dữ liệu Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận & cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, thu thập.
Cựu Thống đốc bang Washington Gary Locke (phải) biểu tình phản đối bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á vào ngày 16/3 tại Seattle. Ảnh: AP. |
Số vụ việc ở New York tăng từ 3 sự cố lên 27, ở Los Angeles từ 7 lên 15. Tại Denver, Colorado, 3 vụ việc xảy ra vào năm 2020, lần đầu tiên sự cố loại này được ghi nhận tại đây trong 6 năm.
Giải pháp của Mỹ
Phân biệt chủng tộc đối với gốc Á từ lâu là vấn đề xấu xí trong lịch sử Mỹ. Điều này được thể hiện trong Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc năm 1882. Đạo luật này được ban hành để ngăn cản những người Mỹ gốc Hoa nhập cảnh vào Mỹ.
Người gốc Á từ lâu cũng là con dê tế thần mỗi khi Mỹ đối mặt khủng hoảng sức khỏe như Covid-19 và cả đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở San Francisco vào những năm 1870.
Việc gắn người gốc Á với bệnh tật và sự dơ bẩn cũng ảnh hưởng đến quan điểm về ẩm thực châu Á. Tư tưởng này góp phần tạo nên định kiến “người nước ngoài vĩnh viễn” cho rằng người gốc Á sẽ luôn là những người ngoại đạo.
Điều này làm dấy lên những nghi ngờ với người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến II. Nhiều người đã bị đưa đến trại tạm giam chỉ vì sắc tộc của họ. Người Mỹ cũng sợ Hồi giáo và có thành kiến đối với người Mỹ gốc Nam Á và Hồi giáo sau vụ khủng bố 11/9.
Năm 1982, 100 năm sau Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc được ban hành, người Mỹ gốc Hoa 27 tuổi Vincent Chin thiệt mạng khi bị tấn công ở Detroit, bang Michigan.
Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh của Nhật Bản khiến phần lớn việc làm trong lĩnh vực này của thành phố Detroit biến mất. Hung thủ giết Chin là hai công nhân làm việc trong ngành ôtô.
Họ nhầm anh Chin với người Nhật và đã đánh đập nạn nhân bên ngoài một câu lạc bộ, nơi anh đang tổ chức tiệc độc thân. Cái chết của Chin dẫn đến các cuộc biểu tình của người gốc Á trên toàn quốc.
Cảnh sát New York phát tờ rơi về cách báo cáo tội ác nhắm vào người Mỹ gốc Á tại khu phố Tàu ở New York vào ngày 17/3. Ảnh: AP. |
Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp vào tháng 1 lên án hành vi bài ngoại chống người châu Á. Sắc lệnh thừa nhận tuyên bố của các chính trị gia, bao gồm việc dùng những cái tên phân biệt chủng tộc để gọi virus corona, đã làm tăng số sự cố thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á.
Cựu tổng thống Donald Trump đã nhiều lần gọi virus gây ra Covid-19 là “virus Trung Quốc”, kể cả trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 16/3.
Số vụ tấn công tăng đột biến trong 2 tháng qua thu hút sự chú ý của các chính trị gia. Thống đốc California Gavin Newsom đã ký ban hành luật phân bổ 1,4 triệu USD cho Stop AAPI Hate và Trung tâm Nghiên cứu Người Mỹ gốc Á của UCLA.
Quan chức và người dân địa phương cùng các thương hiệu lớn như Golden State Warriors và Apple đã đưa ra sáng kiến như tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, tuần tra tình nguyện và tạo ra các đường dây nóng đặc biệt.
Các doanh nghiệp cũng hứa sẽ quyên góp để triển khai việc này.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/vu-xa-sung-o-tiem-massage-lam-bung-len-noi-so-hai-cua-nguoi-my-goc-a-post1194328.html