Nơi có nhà thì không có công việc, nơi có công việc thì không có nhà...
“Nơi có nhà thì không có công việc,
Nơi có công việc lại không có nhà!”
Tôi cũng đáp lại rằng: “Đến một lúc nào đó, mình mới nhận ra công việc hay danh vọng còn có thể kiếm lại được. Chứ ba mẹ thì không!”
Đoạn đối thoại không đầu, không đoạn kết của chúng tôi dừng khi mọi việc chẳng đi tới đâu. Nhưng chúng tôi lại nhận ra rằng đó là điều khiến ai trong chúng tôi khi được dừng chân ở thành phố hoa lệ lại chẳng bao giờ được một giấc ngủ ngon và bình yên như ở nhà. Bởi mỗi việc trong cuộc sống về đến nhà chẳng còn phải lo nghĩ gì nữa, mâm cơm nóng hổi toàn những món chúng tôi yêu thích. Cả nhà ngồi quây quầng bên nhau cùng làm bánh, nấu ăn, cười nói rôm rả chẳng cần bận tâm nhìn nét mặt của ai ngoài xã hội để nhường nhịn. Về đến nhà mọi ranh giới dường như không có, một giấc ngủ thật bình yên chẳng ai làm ồn cũng chẳng gọi mình dậy sớm vì sợ tối qua thức khuya con mình ngủ không đủ giấc. Về xanh xao tí, mất cân một tí mẹ cũng cố vỗ ăn thêm ít đồ ngon, đi làm lại dúi theo ít quà vặt bởi sợ con đi đường xa vất vả.
Nhà là mỗi lúc khi ở xa chúng tôi gọi về ba mẹ điều cười và bảo nhà khỏe lắm con. Ba đi kéo được ít tôm, giăng được ít cá mẹ để tủ dành lại cho tụi bây về ăn. Những lúc mẹ ốm vẫn gượng cười bảo mẹ không sao, uống thuốc vài hôm lại khỏi. Đến lúc chúng tôi hay được mẹ bệnh cũng là lúc cơn bệnh của mẹ khỏi hoặc do ai đó vô tình kể lại thôi. Gia đình không mấy khá giả từ bé đến giờ nhưng chúng tôi chưa bao giờ thiếu thốn bất cứ thứ gì... Kể cả tình thương ba mẹ cũng chia đều cho tất cả các anh chị em trong nhà. Những đứa cháu nhỏ nhất nhà mẹ luôn dành sự quan tâm nhiều nhất để nó có một môi trường lớn lên lành mạnh, có một tuổi thơ với nhiều ký ức tươi đẹp. Những đứa bắt đầu đi học thì hình thức kỷ luật cao hơn, phải tự lập những điều cơ bản nhất để tiếp xúc với môi trường mới. Những đứa đến tuổi dậy thì, ba mẹ và các anh chị em trong nhà cùng nhau động viên, tâm sự những điều mà con khó có thể chia sẻ để con được hòa nhập và bắt đầu cho độ tuổi “nổi loạn”.
Chúng tôi chọn lập nghiệp xa nhà vì nơi đó chúng tôi bắt buộc bản thân mình phải tự lập. Không dựa vào bất kỳ ai trong gia đình, dù có những lúc thăng – trầm trong cuộc sống nhưng chỉ cần nhìn đến bức ảnh bố mẹ mỉm cười với mình trong ngày lễ tốt nghiệp. Mọi gánh nặng đang đè lên vai cũng nhẹ đi được phần nào bởi mình biết chỉ cần cố gắng thì ba mẹ mới có thêm được một chút thời gian để nghỉ ngơi. Nhiều lúc một mình bế tắc, có đôi lúc bản thân mình lại không kiềm được tại sao mình lại yếu đuối, dở tệ đến vậy. Đôi lúc đêm về nằm khóc sưng cả mắt ngày mai vẫn phải lê thân đến công ty để bắt đầu công việc. Chỉ cần có gia đình chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những điều mà chúng ta luôn cố gắng.
Nhưng mạnh mẽ đến mấy, cũng có lúc chúng tôi muốn về nhà...
Những ngày trôi qua tôi mới nhận ra tóc mẹ thêm nhiều sợi bạc, sức khỏe của ba cũng dần xuống cấp đi rất nhiều. Chúng tôi luôn hứa rằng sẽ sớm thành công và trở về nhà, cùng nhau ở bên cạnh lo cho ba mẹ như những ngày còn bé ba mẹ đã nuôi dạy chúng tôi. Ấy vậy mà cái chúng tôi gọi là thành công, vốn liếng hay linh ta linh tinh gì đó mà ngày rời nhà ra đi chúng tôi đã luôn có gắng để có thể làm hiện tại lại chưa hoàn thành được gì cả. Có đứa còn chưa có nổi một gia đình nhỏ để ba mẹ đỡ lo tuổi xế chiều. Ấy vậy mà ba mẹ vẫn yêu thương chúng tôi như ngày còn bé, chẳng thúc giục, chẳng lo mắng hay mai mối gì cả... Vì hơn ai hết ba mẹ chúng tôi hiểu các con mình hạnh phúc nhất khi tự do lựa chọn đúng con đường mình thích. Ba mẹ chẳng mong giữ các con mãi bên mình, chỉ là các con mỗi dịp tết về cùng nhau sum họp, vui vẻ kể nhau nghe công việc một năm qua là đủ.
Ở quê dù gần ba mẹ, nhưng chắc gì đã có được công việc...
Những người dân quê tôi đều đổ xô đến những vùng thành thị để mưu sinh và đa số họ sẽ bán hết ruộng đất ở quê để mai mốt định cư tại vùng đất mới. Nơi đó công việc ổn định, thu nhập nâng cao họ cũng sẽ ổn để trang trải cho cuộc sống của họ hàng ngày. Vì vậy vùng quê chúng tôi sống dù hiện tại cũng tấp nập, ồn ào nhưng mức sống và thu nhập cũng chẳng khá hơn là bao. Công việc ở quê cũng không đa dạng như thành thị nên những nghề chúng tôi đang làm có khi về đấy chẳng có ai làm. Rồi chúng tôi lại bắt đầu lại từ một con số 0 mới tròn trĩnh. Có lẽ cũng vì vậy mà chúng tôi vẫn chưa đủ can đảm để bỏ hết tất cả về quê. Ai cũng có lý do của riêng mình, cũng có những gánh vác lo toan của bản thân nên cứ chần chừ ở thêm một ngày... một tháng... Dù biết rằng ba mẹ chẳng còn bao lâu nữa để ở cạnh mình.
Và tôi cũng muốn kể cho mọi người nghe một câu chuyện về một gia đình nọ.
Chị hai của anh này đã lấy chồng và ở quê chồng ở một vùng quê xa xôi nào đó của miền tây. Anh là út trong nhà và cũng đi làm ăn xa một mình để gửi tiền về cho mẹ. Lâu lâu điện thoại hai mẹ con cũng kể nhau nghe đủ chuyện trên trời dưới đất rồi mới đi ngủ. Rồi hôm ấy anh vào công ty làm và bị đột quỵ qua đời... Tôi lặng người khi nghe một người đồng nghiệp kể về anh, về người mẹ hàng ngày cứ mỏi mắt đợi con, rồi đến một ngày mẹ như chết lặng nhìn đoàn xe tang đưa xác con về. Không biết người mẹ ấy đã đau đến mức nào, đến nỗi cặp mắt mòn mỏi trông con ngày nào nay trở nên vô hồn và trực trào nước mắt. Tôi không muốn suy nghĩ thêm điều gì xa xôi nữa trong câu chuyện ấy nhưng nếu lỡ một mai...
Cuộc đời “vô thường” lắm, chẳng ai dám hứa trước được ngày sau điều gì sẽ xảy ra, nhưng hãy đưa ra cho mình lựa chọn sáng suốt nhất. Vì lựa chọn ấy, chúng ta sẽ không lên nhầm chuyến xe cuối cùng để về nhà hoặc cũng có thể chúng ta bỏ lỡ chuyến xe mà mãi đến sau này chúng ta vẫn nói: “Giá như hôm ấy...”
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/noi-co-nha-thi-khong-co-cong-viec-noi-co-cong-viec-thi-khong-co-nha-nw247968.html