Những quy tắc bậc cha mẹ cần lưu ý khi có con gái bước vào tuổi dậy thì
Theo tiến sĩ Marika Lindholm (Đại học Northwestern, bang Illinois, Mỹ), người sáng lập tổ chức dành cho bà mẹ và trẻ em ESME, khi con gái bước vào tuổi teen, các bậc cha mẹ nên lưu ý những điểm quan trọng sau.
Không mắng mỏ khi con chọn quần áo gợi cảm
Nhiều cha mẹ cảm thấy khó chịu khi con gái tuổi teen bắt đầu lựa chọn các trang phục sexy, ví dụ như quần short quá ngắn hoặc áo hở rốn. Họ thường mắng con, cho rằng đây là cách để bé gái thu hút bạn khác giới.
Trên thực tế, trẻ đơn thuần đang thử những gì chúng tin là có thể làm cho vẻ ngoài nữ tính hơn.
Thay vì mắng con bằng những lời khiến trẻ xấu hổ, trở nên tự ti, nên chia sẻ với con về các giới hạn khi chọn trang phục. Điều quan trọng, cha mẹ nên chọn một thời điểm bình tĩnh để giải thích rằng việc ăn mặc quá gợi cảm không đồng nghĩa với việc đã thực sự trưởng thành.
Thảo luận về các vấn đề liên quan đến tình dục
Các cuộc thảo luận giữa cha mẹ và con cái xung quanh chủ đề tình dục vốn không dễ dàng nên các bậc cha mẹ có xu hướng tránh né và thầm hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, nếu bạn phó mặc cho trẻ, chúng có thể mắc sai lầm. Do đó, cha mẹ nên đối thoại với con nhiều hơn, giúp trẻ hiểu và làm chủ khi rơi vào những tình huống có liên quan đến các hành vi tình dục. Ví dụ, nên nói với con cần phải làm gì nếu bị bạn ở lớp trêu ghẹo, đụng chạm không mong muốn.
Lắng nghe các nhu cầu cá nhân tăng cao
Trẻ ở tuổi teen, đặc biệt là các bé gái, bắt đầu có ý thức chăm chút cho bản thân tăng cao, ví dụ trẻ muốn mua phấn son, các loại giày dép khác nhau.
Về mặt phát triển, việc trẻ tập trung vào các vấn đề và mong muốn của bản thân là điều bình thường. Bạn đừng nên mong đợi con hiểu rằng bạn đang gặp khó khăn về tài chính nên những yêu cầu của con là không hợp lý.
Đương nhiên điều này không có nghĩa là bạn không nên thảo luận với con về sự đồng cảm hay tính tiết kiệm, nhưng đừng ngạc nhiên về mức độ "ích kỷ" của trẻ. Nên nhắc nhở bản thân rằng đó là điều bình thường và tạm thời mà thôi.
Hạn chế nhận xét về bạn của con
Trong những năm tháng tuổi thiếu niên, các cô gái tuổi teen chuyển sự tập trung từ gia đình sang nhóm bạn bè. Nhóm này có thể làm những điều mà bạn không chấp nhận nhưng việc cha mẹ nhận xét tiêu cực về những người bạn của con là không hợp lý.
Nếu con chia sẻ cảm xúc của mình về người bạn với bố mẹ, hãy cố gắng đừng phản ứng thái quá hoặc chê bai người bạn đó. Hãy bình tĩnh thảo luận thay vì phán xét và chỉ trích, bởi điều đó sẽ khiến đứa trẻ lánh xa bạn và không muốn thảo luận một lần tiếp theo.
Thiết lập quy tắc khi trò chuyện
Trẻ ở tuổi teen bắt đầu thu nạp những ngôn từ thô lỗ, đôi khi là đáng ghét và ác độc, khiến cha mẹ tổn thương. Thay vì tranh cãi rồi mắng con, bạn chỉ cần nói: "Con không được phép nói với mẹ như vậy. Hãy nói về chuyện này vào lúc khác", thậm chí xem xét hình phạt phù hợp, ví dụ thu điện thoại một đến hai ngày nếu trẻ nói năng không phù hợp.
Bạn phải cho trẻ hiểu rằng hành vi xấu sẽ gây ra hậu quả. Trong mọi tình huống, cha mẹ cần giữ bình tĩnh, không lấy im lặng làm vũ khí chống lại trẻ. Đàm phán và trò chuyện luôn tốt hơn các chiến thuật hù dọa và ra tối hậu thư.
Học cách phớt lờ những ánh mắt không dễ chịu của trẻ
Bất cứ cha mẹ nào cũng dễ dàng "nổi cơn điên" khi con đáp trả lại mình bằng cái nhìn lườm nguýt hoặc bặm trợn mỗi khi bị mắng.
Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng làm như vậy để phản ứng lại bố mẹ, đó là một hành vi mang tính bản năng của tuổi teen. Tuy nhiên, thay vì mắng con hay thậm chí là đánh con vì dám hỗn, cha mẹ cần cố gắng kiềm chế phản ứng lại. Bạn có thể nói: "Khi con trợn mắt nhìn như vậy, mẹ/bố cảm thấy khó có thể nói chuyện với con được".
Cha mẹ nên cố gắng tập trung vào thực tế rằng việc đảo mắt, lườm là dấu hiệu cho thấy con đang bắt đầu tự phán xét và suy nghĩ. Khi bạn cho trẻ thời gian để tự vượt qua cảm xúc của mình, trẻ sẽ tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Trẻ cần học hỏi từ những thất bại nhỏ
Thật không vui khi chứng kiến trẻ gặp khó khăn. Thông thường, cha mẹ có xu hướng bảo vệ con gái. Tuy nhiên, đừng quên rằng một phần quan trọng trong việc xây dựng ý thức về giá trị bản thân là khả năng phục hồi sau thất bại.
Đừng thay con năn nỉ, xin lỗi giáo viên nếu trẻ không làm bài tập về nhà. Hãy cho phép con học hỏi từ tình huống khó khăn và nhận ra rằng kể cả con làm sai, con vẫn có thể tự sửa chữa. Đối mặt với hậu quả và vượt qua thử thách là một phần của việc trở thành một người trưởng thành kiên cường. Cha mẹ có thể ở bên để hỗ trợ nhưng đừng giải cứu con khỏi những thất bại nhỏ.
Giúp trẻ ý thức được giá trị của phụ nữ
Hãy dành thời gian để chia sẻ và giúp con gái suy nghĩ thực tế hơn về những hình ảnh phi thực tế mà chúng thấy ở các người mẫu và ngôi sao điện ảnh. Là cha mẹ, nên dạy con gái những giá trị thực tế để luôn làm chủ cuộc sống, thay vì chỉ chú trọng diện mạo bề ngoài.
Tư duy phê phán lành mạnh sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ giá trị bản thân của trẻ và thúc đẩy sự tự tin vào chính con người trẻ chứ không phải con người mà trẻ nghĩ mình nên trở thành.
Thừa nhận cái sai của bản thân
Nếu bạn đã từng la hét, xúc phạm hoặc sử dụng quyền lực của mình để đàn áp con, hãy tin rằng bạn không đơn độc - nhiều bậc cha mẹ phạm phải sai lầm như vậy.
Tuy nhiên, bạn cần thừa nhận hành vi xấu của mình và sẵn sàng xin lỗi con. Một lời xin lỗi sẽ giúp bạn xây dựng sự kết nối. Hãy cho con gái bạn thấy rằng trưởng thành không có nghĩa là hoàn hảo mà có nghĩa là thừa nhận sai lầm của mình và sửa đổi.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/quy-tac-cha-me-can-biet-khi-con-gai-vao-tuoi-teen-4671333.html