Kiến thức cơ bản giúp con trẻ ngăn chặn nguy cơ bị quấy rối tình dục
Theo chuyên gia Phí Mai Chi, đồng sáng lập dự án giáo dục giới tính và an toàn tình dục cho trẻ trên 12 tuổi của Trung tâm Trẻ em và Phát triển, có 5 điều người lớn đang hiểu sai về nguy cơ có thể gây ra quấy rối tình dục ở trẻ em.
Không phân biệt được "quấy rối tình dục" hay "xâm hại tình dục"
Nhiều người chăm sóc trẻ (giáo viên, cha mẹ...) đánh đồng giữa quấy rối tình dục và xâm hại tình dục. Tuy nhiên chúng khác nhau.
Xâm hại tình dục đã được pháp luật quy định rõ với bốn nhóm tội danh trong Bộ luật hình sự gồm: Hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô. Còn quấy rối tình dục có thể chỉ là ánh mắt, lời nói, đụng chạm nhưng nếu hành vi này không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì đối tượng có thể thực hiện những hành vi tiếp xúc cơ thể trái ý muốn, thậm chí có thể là cưỡng dâm, hiếp dâm.
Thực tế, quấy rối tình dục còn bị chi phối bởi các yếu tố liên quan đến văn hóa ứng xử nên thường bị bỏ qua, không giúp trẻ nhận biết rõ ràng.
Không nắm bắt được cơ chế của xâm hại tình dục trẻ em
Điều đáng chú ý của cơ chế xâm hại tình dục là thủ phạm thường tạo dựng niềm tin, thực hiện hành vi quấy rối nâng dần cấp độ và cuối cùng là xâm hại tình dục. Nếu trẻ không có khả năng nhận biết sớm các hành vi quấy rối tình dục hoặc im lặng nguy cơ bị xâm hại ngày càng cao.
Chưa thiết lập được vòng tròn an toàn trong môi trường sống của trẻ
Người chăm sóc nên đặt mình vào địa vị của trẻ để trò chuyện, hướng dẫn những hành vi nên và không nên. Xem xét bối cảnh sống của gia đình, trên đường đi học, ở nhà trường hay trên môi trường mạng, xác định ai, thời điểm nào trẻ có nguy cơ bị quấy rối tình dục. Bởi vậy nên thiết lập vòng tròn an toàn trong môi trường sống của trẻ, gồm bốn không gian.
- Không gian cá nhân: hiểu hành vi nên và không nên, nói ra được cảm giác an toàn hay không an toàn.
- Không gian gia đình: nhận biết thành viên gia đình, nhận biết cảm xúc của người thân và biết cách thể hiện cảm xúc phù hợp, người tin cậy, cách liên hệ trong trường hợp khẩn cấp, quy tắc năm ngón tay để hiểu sự động chạm thân thể phù hợp hay không phù hợp.
Quy tắc 5 ngón tay giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình. Ảnh: tipsmake.
- Không gian nhà trường: Bạn thân, nhận biết bắt nạt học đường, không phân biệt đối xử, thông tin trường lớp, văn phòng tham vấn học đường
- Không gian công cộng: Hiểu về không gian công cộng khác nhau, nhận biết người trợ giúp, hỗ trợ tại nơi công cộng, xử lý tình huống khi gặp người lạ, lạc đường, bể bơi, nhà vệ sinh công cộng.....
Vòng tròn an toàn đặc biệt có ý nghĩa với trẻ trong độ tuổi mầm non và tiểu học vì ở độ tuổi này trẻ chưa đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phụ thuộc nhiều vào người chăm sóc trực tiếp.
Chưa dạy trẻ hiểu đúng về sự riêng tư của cơ thể
Sự riêng tư của cơ thể không chỉ đơn giản là các bộ phận kín theo quy tắc đồ lót mà là toàn bộ cơ thể, tuy nhiên quy tắc đồ lót là điểm đặc biệt lưu ý.
Tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em tại Anh NSPCC đã xây dựng một bộ quy tắc được gọi là "Talking PANTS" (Quy tắc đồ lót) để hướng dẫn phụ huynh giáo dục con tự bảo vệ mình. Ảnh: NSPCC
Cần dạy trẻ hành vi nên và không nên bảo vệ sự riêng tư của cơ thể. Ví dụ, hành vi hôn và thơm trẻ được coi là văn hóa trong gia đình này nhưng lại xa lạ với gia đình khác, ai được thơm/hôn trẻ, ai không được phép, ở không gian nào? Hành vi sờ vào bộ phận sinh dục của bé trai trước kia được coi là thông thường nhưng bây giờ chúng ta có chấp nhận hành vi đó không, có coi là quấy rối tình dục hay không? Cha mẹ, giáo viên hướng dẫn thái độ của trẻ với hành động đó như thế nào? Có nên giáo dục, khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc khi có người sờ vào bộ phận sinh dục dù đó là ông bà hay anh chị. Nhất là ở một không gian riêng tư, vắng vẻ, nơi chỉ có hai người thì nó đặc biệt nghiêm trọng, trẻ phải ứng xử thế nào với các trường hợp như vậy...
Chưa dạy trẻ nhận diện cảm xúc và kể ra với người tin cậy
Giúp trẻ nhận biết và nói được đúng tên cảm xúc của bản thân như "con sợ, con lo lắng con bối rối, con muốn khóc, con không biết, con nghi ngờ". Tất cả các hành vi tạo cảm giác không an toàn với trẻ đều cần được quan tâm, rất có thể đó là hành vi có nguy cơ trẻ đang bị quấy rối tình dục. Huấn luyện để trẻ nói được chính xác cảm xúc của mình tại thời điểm xảy ra hành vi là điều quan trọng
Liên tục nhắc đi nhắc lại để trẻ hiểu "những người tin cậy" là ai? Vì trên 90% kẻ xâm hại/quấy rối tình dục là người thân, có quen biết trẻ, là một trong những người trẻ tin cậy.
Nếu người chăm sóc chỉ dạy trẻ một trong năm điều trên là chưa đủ, mà phải làm đồng thời cả năm điều với tần suất, mức độ mở rộng dần. Mỗi vụ quấy rối tình dục, xâm hại tình dục đều gây ra tổn thương tâm lý cho trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau. Nếu không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời và đúng cách, có thể ảnh hưởng đến trẻ suốt cuộc đời.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/5-thieu-sot-cua-cha-me-co-the-khien-tre-bi-quay-roi-tinh-duc-4677065.html