Những người Trung Quốc ăn Tết xa quê
"Bố mẹ tôi ngày càng già, vì vậy nếu có thể dành nhiều thời gian hơn cho họ, tôi nghĩ đó là điều nên làm", Trương Dũng, chàng trai 28 tuổi quê Tứ Xuyên, chia sẻ.
Trương, hiện sống trong căn hộ một phòng ở thủ đô Bắc Kinh, cho biết anh là con út trong gia đình ba con. Hai năm đã qua kể từ khi anh được về quê thăm bố mẹ vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020, thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc.
"Lúc đó, tôi đang chơi bài cùng vài người thì nhận được tin nhắn của một người bạn trên WeChat. Anh ấy nói nếu không quay lại ngay, tôi có thể không được trở lại thủ đô nữa", Trương kể về Tết 2020, khi anh vừa về quê được hai ngày.
Lo lắng về nguy cơ mất thu nhập, Trương, huấn luyện viên phòng gym, nhanh chóng thu xếp đồ đạc. Anh mua vé máy bay tới thủ đô ngay hôm sau và xa bố mẹ đúng mùng ba Tết.
Trương Dũng tại căn hộ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNA.
Trương lỡ hẹn ăn Tết cùng bố mẹ vào năm 2021 khi giới chức Bắc Kinh khuyến khích người dân hạn chế đi lại trong bối cảnh đại dịch. Năm nay, đợt bùng phát do biến chủng Omicron khiến giới chức tiếp tục kêu gọi người dân không về quê.
"Điều khiến tôi lo lắng nhiều nhất là không thể trở lại thủ đô nếu về quê. Olympic sắp khai mạc và nhiều sự kiện lớn khác sau đó có thể khiến Bắc Kinh áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn", Trương nói.
Thế vận hội Mùa đông sẽ bắt đầu từ ngày 4/2 và Trung Quốc sắp tổ chức các kỳ họp quốc hội thường niên quan trọng vào tháng ba.
"Tôi rất nhớ gia đình", anh tâm sự, thêm rằng anh đang cân nhắc về quê thăm bố mẹ dù phải chấp nhận mất một, hai tháng lương.
Đối với Christina Zhuang, đường về nhà thậm chí còn xa hơn.
"Năm 2020 là lần đầu tiên trong đời tôi không ở bên bố mẹ trong dịp Tết Nguyên đán", Christina, người gốc Bắc Kinh đã sống ở Singapore 6 năm qua, chia sẻ. "Tết xa bố mẹ không còn là Tết nữa".
Song năm nay, Tết của Christina phần nào trọn vẹn hơn khi mẹ cô bay sang. Chuyên viên truyền thông 38 tuổi cho biết cô mong được đến khu phố người Hoa ở Singapore, trang trí nhà cửa và đặc biệt là ăn món bánh bao của mẹ.
Christina chia sẻ yêu cầu cách ly 21 ngày khiến cha cô không muốn đi cùng vợ. Dù biết các biện pháp kiểm soát biên giới là cần thiết trong bối cảnh đại dịch, cô vẫn mong những quy định này sớm được nới lỏng để đưa con trai về quê.
"Con trai tôi chưa thể về nhà ông bà kể từ khi được một tuổi rưỡi", Christina nói. "Đã gần hai năm rồi. Chúng tôi muốn đưa con về để con biết thành phố tôi đã lớn lên".
Bộ Giao thông Trung Quốc ước tính có khoảng 1,2 tỷ lượt di chuyển liên tỉnh thành khắp cả nước trong đợt Xuân vận năm nay, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, số chuyến đi vẫn thấp hơn nhiều so với mức ba tỷ chuyến được ghi nhận năm 2019, trước khi dịch bùng phát.
Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ không nới lỏng quy định Covid-19 sớm. Giáo sư Ivan Hung, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, cho rằng Trung Quốc sẽ cần tỷ lệ tiêm chủng vượt ngưỡng 90%, thay vì mức 85% hiện tại.
"Mũi tăng cường và có thể là mũi thứ tư, với loại vaccine thế hệ hai dành riêng cho Omicron, sẽ là cần thiết trước khi có thể nới lỏng và mở cửa", ông nói.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-trung-quoc-an-tet-xa-que-4423651.html