Những bí mật trong nơi sinh sống của các đời tổng thống Mỹ

17:22' 03-02-2022
Nhà Trắng là biểu tượng nổi tiếng khi là nơi sinh sống của các đời tổng thống Mỹ, nhưng không phải ai cũng biết nhiều bí mật về nó.  


    Được thiết kế và xây dựng vào những năm 1790, Nhà Trắng tọa lạc ở số 1600 đại lộ Pennsylvania, thủ đô Washington, Mỹ. Trong hơn 200 năm tồn tại, Nhà Trắng đã có nhiều thay đổi và cùng với đó, nhiều điều bí mật về ngôi nhà lịch sử này cũng dần xuất hiện.

    Những căn phòng bí mật

    Công chúng thường biết đến Nhà Trắng qua những địa điểm như phòng Bầu dục hay phòng Tình huống, thậm chí là phòng bowling và rạp chiếu phim, nơi đệ nhất gia đình Mỹ giải trí. Tuy nhiên, khu phức hợp này còn có khoảng 180 căn phòng khác mà công chúng ít biết đến.

    Trong số những căn phòng này có một cửa hàng chocolate, nơi chuyên làm trứng Phục sinh và bánh gừng của Nhà Trắng mỗi năm, cũng như các món tráng miệng hàng ngày. Nhà Trắng cũng có một căn phòng để các tổng thống luyện tập khả năng chơi nhạc, được đệ nhất phu nhân Hillary Clinton thiết lập cho tổng thống Bill Clinton theo đuổi đam mê chơi saxophone.

    Dinh thự còn có một phòng trò chơi với khu chơi golf 3D trị giá 40.000 USD và một cửa hàng hoa dành cho tổng thống.

    Do nhiều tổng thống gặp vấn đề về răng miệng, từ thời tổng thống Herbert Hoover, Nhà Trắng đã thiết lập phòng nha khoa ở tầng hầm vào những năm 1930, dù lãnh đạo nước Mỹ luôn có nha sĩ riêng. Phòng nha khoa có trang thiết bị hiện đại để kiểm tra, chụp X-quang và thực hiện bất kỳ ca phẫu thuật răng miệng nào cho tổng thống Mỹ và gia đình.

    Cánh Tây Nhà Trắng từng được xem là khu vực tạm thời

    Cánh Tây là nơi làm việc chính thức của tổng thống Mỹ, được bố trí phòng Bầu dục, phòng Nội các và phòng Tình huống. Trước khi Cánh Tây được xây dựng thêm vào đầu thế kỷ 20, văn phòng tổng thống Mỹ nằm ở tầng hai.

    Năm 1902, Theodore Roosevelt có 6 con nên tầng hai Nhà Trắng không còn đủ không gian cho gia đình tổng thống làm việc và sinh hoạt. Trong nhiệm kỳ của Roosevelt, Nhà Trắng đã trải qua một số lần cải tạo và văn phòng tổng thống được chuyển đến công trình tạm thời được xây thêm ở phía tây tòa nhà.

    Cho đến khi Howard Taft nhậm chức, cánh Tây mới được sáp nhập với dinh thự chính và Phòng Bầu dục được thiết lập.

    Nhà Trắng tại thủ đô Washington DC hôm 18/1/2021. Ảnh: Reuters.

    Nhà Trắng tại thủ đô Washington hôm 18/1/2021. Ảnh: Reuters.

    Phòng Nữ hoàng

    Trước khi được Roosevelt cải tạo, căn phòng này dành cho thư ký của tổng thống. Sau khi xây dựng Cánh Tây, căn phòng được chuyển đổi thành phòng ngủ gia đình với tên gọi Phòng Hoa hồng.

    Khi Nữ hoàng Elizabeth II tới thăm Nhà Trắng năm 1957 vào thời tổng thống Dwight D. Eisenhower, bà đã ở lại Phòng Hoa hồng. Kể từ đó, bất kỳ khi nào Nữ hoàng tới Nhà Trắng, bà đều ở lại căn phòng này và nó được đổi tên thành Phòng Nữ hoàng.

    Căn phòng này từng tiếp đón nhiều thành viên hoàng gia khác như Nữ hoàng Wilhelmina và Juliana của Hà Lan, Nữ hoàng Frederika của Hy Lạp và Công chúa Anne.

    Những lối đi bí mật

    Hệ thống đường hầm đầu tiên ở Nhà Trắng được xây dựng trong cuộc tái thiết năm 1950. Một đường hầm được xây dựng nối liền Cánh Tây với Cánh Đông làm nơi trú ẩn khi có đánh bom.

    Tổng thống Ronald Reagan cũng từng cho xây một đường hầm năm 1987 dẫn tới một cầu thang bên ngoài Phòng Bầu dục để thoát thân khi có khủng bố. Franklin D. Roosevelt sau đó ra lệnh xây một đường hầm từ Cánh Đông tới trụ sở Bộ Tài chính làm nơi trú ẩn khi có không kích.

    Nhiều tin đồn cho rằng cũng có những đường hầm nối Nhà Trắng với Đồi Capitol, Blair House (Nhà khách của tổng thống), dinh thự phó tổng thống, Trại David, Lầu Năm Góc.

    Lớp sơn màu trắng

    Tên gọi Nhà Trắng bắt nguồn từ việc ngôi nhà này từng sử dụng một loại vôi quét tường để bảo vệ khỏi bị ẩm và nứt khi nhiệt độ giảm mạnh vào mùa đông.

    Cứ sau 4-6 năm, Nhà Trắng sẽ được sơn lại toàn bộ, dù hàng năm vẫn có những lần sơn sửa định kỳ. Riêng phía bên ngoài Nhà Trắng cần tới hơn 2.000 lít sơn do Đức sản xuất.

    Lần gần đây nhất Nhà Trắng được sơn lại là vào năm 2019, với màu sơn Whisper White của Duron có giá khoảng 150 USD mỗi 3,7 lít.

    5 giờ "chuyển nhà" bận rộn

    Ngày nhậm chức tổng thống Mỹ là ngày thực sự bận rộn của Nhà Trắng, khi một gia đình tổng thống rời đi và một gia đình khác chuyển tới.

    Trước khi tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức, các nhân viên thường trực của Nhà Trắng sẽ họp từ 4h sáng để triển khai kế hoạch cho ngày đặc biệt này.

    Khi tổng thống sắp mãn nhiệm nói lời tạm biệt, các nhân viên chỉ có 5 tiếng để nhanh chóng dọn đồ cũ lên xe tải, sau đó bổ sung các tiện nghi và bài trí theo yêu cầu từ đệ nhất gia đình mới của Mỹ.

    Ngay cả nhân viên bếp cũng rất bận rộn, khi phải chuẩn bị những món ăn cho các hoạt động của ngày đặc biệt này.

    Chi phí của đệ nhất gia đình Mỹ

    Sống ở Nhà Trắng đi kèm rất nhiều đặc quyền, nhưng ngân sách Mỹ không tài trợ cho tất cả chi phí của tổng thống.

    Đệ nhất gia đình Mỹ phải thanh toán hóa đơn cho đồ tạp hóa và nhu yếu phẩm, như giấy vệ sinh, túi đựng rác và kem đánh răng. Tổng thống cũng phải trả tiền cho bất kỳ chỗ nghỉ dưỡng nào, trừ Trại David, và bất kỳ sự kiện riêng nào bên ngoài Nhà Trắng.

    Dù sống ở Nhà Trắng, đệ nhất gia đình Mỹ vẫn có trách nhiệm tiếp tục duy trì nhà riêng của họ.

    Cửa sổ luôn đóng

    Nhà Trắng thiết kế rất nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên. Với khả năng chống đạn và chống vỡ, chúng là một trong những loại cửa sổ chắc chắn nhất từng được thiết kế.

    Tuy nhiên, vì lý do an ninh, chúng luôn được đóng. Quy tắc này thậm chí còn được áp dụng cho cửa kính xe khi gia đình tổng thống ra ngoài.

    Nhà Trắng đã được trang bị điều hòa nhiệt độ từ thời chính quyền Harry S. Truman, từ 1945 đến tháng 1/1953.

    Người chết ở Nhà Trắng

    Trong lịch sử hơn 200 năm của Nhà Trắng, chỉ có 10 người từng qua đời tại đây. William Henry Harrison là tổng thống đầu tiên chết ở đây vì bệnh viêm phổi vào năm 1847 và sau đó là tổng thống Zachary Taylor năm 1850.

    Các thành viên khác của đệ nhất gia đình Mỹ từng qua đời ở Nhà Trắng là các đệ nhất phu nhân Letitia Tyler, Caroline Harrison và Ellen Wilson, cha của đệ nhất phu nhân Julia Grant, mẹ của đệ nhất phu nhân Bess Truman, con trai Willie của tổng thống Abraham Lincoln.

    Hai người còn lại là Elisha Hunt Allen, người từng là bộ trưởng vương quốc Hawaii thuộc Mỹ, và thư ký báo chí Nhà Trắng Charles G. Ross.

    Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln từng nói rằng bà đã nghe thấy tiếng "hồn ma" cố tổng thống Andrew Jackson giậm chân và chửi thề. Các đệ nhất phu nhân Grace Coolidge, Bird Johnson và Eleanor Roosevelt cũng tuyên bố đã nhìn thấy "bóng ma" của Abraham Lincoln tại đây.

    Địa điểm tổ chức đám cưới

    Tới nay, chỉ có 18 đám cưới được tổ chức trong khuôn viên Nhà Trắng. Đám cưới đầu tiên diễn ra ở Phòng Xanh vào năm 1812 giữa Thomas Todd với Lucy Payne Washington, em gái đệ nhất phu nhân Dolley Madison. Tổng thống đầu tiên và duy nhất tổ chức đám cưới ở Nhà Trắng là Grover Cleveland.

    Đám cưới gần đây nhất diễn ra ở Nhà Trắng là vào năm 2013, khi cựu trưởng nhóm nhiếp ảnh Nhà Trắng Pete Souza kết hôn cùng Patti Lease tại Vườn Hồng, với sự tham gia của tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

    Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng hôm 20/1/2021. Ảnh: Reuters.

    Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân tại Nhà Trắng hôm 20/1/2021. Ảnh: Reuters

    Công nghệ lạc hậu

    Dù nhiều quyết định quan trọng được đưa ra ở Nhà Trắng, ngôi nhà nổi tiếng của Mỹ vẫn sử dụng công nghệ khá lạc hậu.

    Năm 2016, NY Times cho biết Nhà Trắng chỉ mới ngừng sử dụng máy in đen trắng, điện thoại BlackBerry đời cũ và ổ đĩa mềm. Wi-Fi kém tới mức không thể phát video trực tuyến từ Phòng Roosevelt. Lý do cho sự chậm trễ này là bất kỳ thay đổi nào ở Nhà Trắng đều cần sự nhất trí từ 4 cơ quan chính phủ.

    Các nhân viên Nhà Trắng hiện nay được cấp iPhone đời mới. Ổ đĩa mềm và dây cáp mạng cũng đã bị loại bỏ.

    Nhà Trắng có cảnh sát riêng

    Sở Mật vụ là cơ quan bảo vệ tổng thống, còn Đơn vị Đồng phục thuộc lực lượng này là nhóm đảm bảo an toàn cho toàn bộ Nhà Trắng.

    Đơn vị này có hơn 1.300 sĩ quan cảnh sát và kỹ thuật viên mặc cảnh phục áo trắng, quần đen, thường xuyên tuần tra vòng ngoài Nhà Trắng và tiếp xúc với công chúng.

    Nhóm bảo vệ Nhà Trắng chỉ là một trong bốn nhánh của đơn vị cảnh sát này, cùng với nhóm làm nhiệm vụ nước ngoài, bảo vệ dinh thự phó tổng thống và nhóm đặc nhiệm.

    Nhà Trắng từng không có tên chính thức

    Dù thuật ngữ Nhà Trắng thường được sử dụng để chỉ văn phòng tổng thống Mỹ ngày nay, trước đây mọi người thường gọi tòa nhà này là "Nhà của Tổng thống" hoặc "Dinh thự Hành pháp".

    Cho đến ngày 17/10/1901, Theodore Roosevelt mới chỉ đạo ngoại trưởng John Hay thay đổi "tiêu đề, dòng ngày tháng của tất cả giấy tờ và tài liệu cần chữ ký tổng thống" từ "Dinh thự Hành pháp" thành Nhà Trắng.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-bi-mat-trong-nha-trang-4420576.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ