Thời của dịch vụ taxi hàng không đã rất gần
"Đây là cuộc cách mạng tiếp theo trong lĩnh vực bay", Mark Henning, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Munich và là người có 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không vũ trụ, cho biết. Ông đã gia nhập AutoFlight (Trung Quốc) - nơi ông chịu trách nhiệm - đưa taxi bay bằng điện của công ty được các cơ quan quản lý an toàn hàng không của châu Âu chấp thuận.
Ông Henning không đơn độc khi đánh cược rằng, máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng (EVTOL) bằng điện có một tương lai tươi sáng. Theo công ty tư vấn McKinsey, các kỹ sư hàng không khác đã tham gia vào khoảng 200 dự án như vậy trên khắp thế giới, thu hút 5,1 tỷ USD đầu tư vào năm ngoái.
Hầu hết trong số họ đang tập trung thiết kế những phương tiện bay không người lái sử dụng nhiều cánh quạt nhỏ để cất và hạ cánh thẳng đứng như một chiếc trực thăng. Ý tưởng chung của họ là một phương tiện đơn giản hơn, rẻ hơn, xanh hơn và yên tĩnh hơn máy bay trực thăng động cơ đốt trong. EVTOL được cho là sẽ rất phù hợp để vận hành các dịch vụ hành khách tầm ngắn trên khắp các khu vực đô thị lớn, chẳng hạn như chở người giữa các sân bay và trung tâm thành phố.
Lúc đầu, các nhà quản lý còn băn khoăn về việc làm thế nào những cỗ máy mới này có thể được phép bay lên bầu trời — đặc biệt là một số sẽ hoạt động mà không có phi công. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các công ty trong lĩnh vực này, các nhà chức trách hàng không đang bắt đầu hoàn thiện các tiêu chuẩn an toàn. Điều này tạo cơ hội cho những ứng cử viên nặng ký nhất vượt lên trong cuộc đua sản xuất taxi bay.
Với tư cách là giám đốc điều hành châu Âu mới của AutoFlight, Henning đang thiết lập hoạt động tại sân bay Augsberg (Đức) để tiếp tục phát triển Prosperity I, taxi bay của công ty. Nó chở được 3 hành khách cùng một phi công.
Phương tiện này là loại máy bay lai giữa trực thăng và máy bay cánh cố định. Nó cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng, sử dụng nhiều cánh quạt, nhưng chúng được tắt khi nó đang bay. Tại thời điểm đó, một cánh quạt "đẩy" ở phía sau đảm nhận, để cung cấp lực đẩy về phía trước. Thiết kế này giúp sử dụng pin hiệu quả hơn, mang lại cho Prosperity I tầm hoạt động khoảng 250 km mỗi lần sạc.
Một phiên bản nguyên mẫu của Prosperity I sẽ được bay thử nghiệm tại Đức để đạt được chứng nhận kiểu loại từ Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), xác nhận mức độ tin cậy của một mẫu máy bay mới. Mặc dù AutoFlight cũng đang xin chứng nhận ở Trung Quốc, nhưng công ty cho rằng việc có thêm sự chấp thuận của châu Âu sẽ giúp tăng tốc độ thương mại hóa ở các thị trường khác. Họ hy vọng sẽ hoàn thành quá trình phê duyệt vào năm 2025.
Mẫu Eh216 bay thử nghiệm ở Deagu, Hàn Quốc. Ảnh: Ehang
Các công ty khác thậm chí còn có mục tiêu tăng trưởng sớm hơn nhiều. EHang, một nhà sản xuất xe hơi khác của Trung Quốc, hy vọng một trong những chiếc taxi bay mà họ đang phát triển tên Eh216 sẽ nhận được chứng chỉ từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) trong năm nay. Họ đã làm việc với cơ quan này về một chương trình gồm hơn 20.000 chuyến bay thử nghiệm.
Eh216 trông giống như một chiếc ôtô cỡ nhỏ kiểu cũ được bao quanh bởi các cánh quạt. Nó chỉ chứa hai hành khách và không có phi công. Mặc dù nó bay tự động nhưng được giám sát bởi một trung tâm điều khiển trên mặt đất, có thể điều khiển hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp. Phương tiện có phạm vi hoạt động 35 km giữa các lần sạc và tốc độ tối đa 130 km/h.
EHang đã thiết lập quan hệ đối tác cho các chuyến bay thử nghiệm ở một số thành phố, bao gồm cả Quảng Châu (Trung Quốc), nơi công ty có trụ sở. Sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểu loại, công ty có kế hoạch cung cấp các chuyến bay thương mại và các chuyến bay tham quan, cùng với vận chuyển bưu kiện.
Jennifer Trock, Phụ trách lĩnh vực hàng không của Công ty luật Baker McKenzie (Mỹ) cho biết, để các EVTOL hoạt động thương mại và quy mô ở hầu hết quốc gia, ba loại phê duyệt quy định sẽ được yêu cầu. Bên cạnh giấy chứng nhận kiểu loại, các công ty sẽ cần chứng nhận sản xuất, cho phép bắt đầu sản xuất máy bay với số lượng lớn. Và để vận chuyển hành khách, họ cần phải có giấy phép hoạt động kiểu một hãng hàng không.
Mặc dù đã có các thỏa thuận an toàn song phương giữa EASA, CAAC và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), ba cơ quan thống trị thị trường hàng không thế giới, chứng nhận của một cơ quan không tự động áp dụng ở những nơi khác, đặc biệt là đối với các thiết kế mới như EVTOL.
Bà Trock cho biết, điều này cung cấp cho các nhà sản xuất hai lựa chọn nếu họ muốn bán máy bay của mình ở một thị trường khác. Họ có thể thiết lập một hoạt động cục bộ và đăng ký một chứng chỉ khác, như AutoFlight đang làm. Hoặc họ có thể đệ trình xác nhận kỹ thuật đầy đủ của chứng chỉ mà họ đã đạt được ở một quốc gia khác, dù điều này có thể liên quan đến các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo.
Cách thức phê duyệt và cấp phép giữa các nơi cũng khác nhau. Sau khi xem xét khoảng 150 mẫu thiết kế, EASA cho rằng EVTOL không phải là máy bay, không phải trực thăng, cũng không phải cả hai. Do đó, họ quyết định đặt chúng vào một "loại máy bay đặc biệt", với bộ quy định riêng của chúng.
Ngược lại, FAA cho biết họ có thể chứng nhận chúng bằng cách điều chỉnh các quy tắc hiện có của mình khi cần thiết. Họ đã thành lập một đơn vị được gọi là "Trung tâm các khái niệm mới nổi và đổi mới" để làm việc với các công ty EVTOL nhằm thiết lập các yêu cầu chi tiết về an toàn.
Tuy nhiên, đã có đủ tiến bộ về quy định để những người tiên phong của EVTOL lạc quan. Tại Mỹ, Joby Aviation hy vọng vào năm tới sẽ trở thành hãng đầu tiên đạt chứng nhận kiểu loại từ FAA. Họ đang sản xuất hơn chục chiếc máy bay tại một nhà máy sản xuất mới ở Marina, California, để đẩy mạnh chương trình bay thử nghiệm.
Taxi hàng không của Joby, có 4 hành khách và một phi công, sử dụng nhiều cánh quạt để cất và hạ cánh. Sau đó, nó nghiêng các cánh quạt về phía trước khi bay, vì vậy chúng hoạt động giống như các cánh quạt. Một trong những người ủng hộ công ty là Uber, một công ty kiếm tiền từ dịch vụ taxi trên mặt đất.
Đối thủ của Joby là Archer Aviation, cũng đến từ California. Archer có kế hoạch kinh doanh dịch vụ chia sẻ chuyến bay thương mại sử dụng EVTOL thiết kế bốn hành khách cộng với phi công, bắt đầu vào năm 2024. Một trong những nhà đầu tư của hãng là United Airlines.
Ở châu Âu, Volocopter (Đức), đang thử nghiệm một EVTOL đa động cơ ở cả dạng có và không có phi công. Họ hy vọng sẽ cung cấp dịch vụ taxi bay cho Olympic 2024 ở Paris. Lilium, một công ty khác của Đức, đang phát triển một chiếc 7 chỗ bay hoàn toàn bằng điện.
Và không chỉ có các công ty mới tham gia vào lĩnh vực này. Airbus đang phát triển các ý tưởng cho EVTOL. Đối thủ Mỹ của Boeing cũng vậy. Vào ngày 24/1, Boeing đã đầu tư 450 triệu USD vào Wisk Aero (San Francisco), công ty đang phát triển một chiếc máy bay tự hành. Larry Page, Nhà đồng sáng lập Google, cũng đang tài trợ cho công ty này. Với rất nhiều nỗ lực và tiền bạc để đầu tư vào hình thức hàng không mới này, một số trong đó chắc chắn sẽ thật sự cất cánh.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/thoi-cua-dich-vu-taxi-bay-da-rat-gan-4422515.html