Những người trẻ "không muốn đi làm"
Hồi mới đi làm, thú thực chắc ai cũng có suy nghĩ muốn nghỉ việc mỗi ngày.
Khi đồng hồ báo thức kêu inh ỏi lúc 6h30 sáng, bạn sẽ phải tỉnh dậy, đánh răng rửa mặt với nguyên sự ngái ngủ và soi được rõ như in quầng thâm dưới mắt trong gương. Rõ ràng một ngày mới thì nên là một khởi đầu mới. Nhưng khi khởi đầu mới còn chưa bắt đầu, bạn đã cảm thấy quá mệt mỏi.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và bạn vẫn phải cố gắng lấy tinh thần để đi làm. Xe buýt vẫn đông, đường vẫn tắc và giữa đám đông hối hả vẫn có hình bóng bạn chạy vắt chân lên cổ…
Tôi từng đọc trên mạng một đoạn trích vui vui thế này:
- Vì nghèo, bạn đã từng phải làm gì?
- Đi làm.
Nghe thì giống câu đùa nhưng nó lại là sự thật đắng lòng.
Người trẻ luôn coi việc đi làm thật đáng ghét, lý do quanh đi quẩn lại thường là: sếp khó tính, đồng nghiệp khó ưa, lương thấp, công việc nhàm chán… Tuy nhiên, không đi làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập và rơi vào trạng thái bất an. Mà trạng thái bất an sẽ khiến người ta bồn chồn, lo lắng, sợ hãi. Hơn nữa, giữa thời đại áp lực cuộc sống quá lớn và các ham muốn vật chất bị thổi phồng lên quá cao như thế này, nếu không chịu lao động, sẽ không ai cáng đáng giúp người trẻ được cả.
01
Thành - thằng bạn của tôi từ hồi đại học lại nghỉ việc.
Đúng vậy, tôi buộc phải dùng từ “lại”.
Thành đã nghỉ việc tổng cộng 4 lần kể từ khi tốt nghiệp.
Công việc đầu tiên nó làm là dịch thuật ở một văn phòng công chứng nhỏ. Cả ngày, nó lúc nào cũng vùi đầu trong đống tài liệu. Rồi nó thấy chán, nó không tìm được giá trị của bản thân, và nó xin nghỉ.
Công việc thứ hai nó làm là ở phòng marketing. Làm được 1 tháng, không theo kịp tiến độ của những người xung quanh, nó nghỉ.
Công việc thứ ba của nó là phiên dịch cho một công ty nước ngoài. Vì không thích ông sếp kén cá chọn canh, nó nghỉ việc sau đó một thời gian ngắn.
Nghỉ việc 3 lần và không muốn đi làm nữa nhưng cuối cùng Thành vẫn đi xin việc tiếp do áp lực tiền thuê nhà ở thành phố. Lần này, nó làm cho phòng kế hoạch của một công ty chuyên về quảng cáo và cảm thấy tương đối hài lòng.
Ấy vậy mà 1 tháng sau, những cảm xúc tiêu cực tiếp tục xuất hiện. Mỗi lần gửi tài liệu cho sếp, nó thường không nhận được phản hồi từ sếp dù rằng trước đó, sếp tỏ ra rất cần, rất vội. Nó cho rằng thành quả lao động của mình không được tôn trọng. Điều tệ nhất là vị sếp này còn thích thay đổi kế hoạch bất ngờ, thường xuyên ra những thông báo họp ngay trước giờ tan làm. Nhưng rồi đợi đến 8-9 giờ tối, sếp cũng chỉ nêu ra 2-3 câu mới, hoặc nói một số câu không liên quan.
Thành ghét kiểu làm thêm bất cần thế này. Những nhiệt huyết nó từng có cũng ngày một mất dần. Và nó tiếp tục nghỉ việc.
02
Tôi hỏi Thành: “Thế ông định sau này làm thế nào? Nhảy việc lắm thế không tốt đâu”.
Thành đáp: “Người trẻ ai chẳng thích xách balo lên và đi? Đi làm chẳng qua vì áp lực cuộc sống thôi. Thực ra, tôi chỉ thích đi phượt khắp nơi, hoặc không thì về quê mở một quán cafe”.
Nói xong nó lại tự thở dài: “Tôi muốn đi du lịch lắm, chắc mấy ngày nữa sẽ mua vé đi. Còn chuyện mở quán cafe thì nói miệng vậy thôi”.
Tôi biết Thành mệt mỏi với cuộc sống hiện tại và muốn trốn tránh.
Đây có lẽ là tình trạng chung của rất nhiều bạn trẻ bây giờ: không thích rất nhiều thứ nhưng cũng không biết chính xác mình muốn gì. Họ suy sụp không lý do, họ không muốn làm việc, chỉ muốn dành thời gian riêng cho bản thân… Họ sẵn sàng cam chịu nhưng đồng thời cũng luôn sống trong ngờ vực về cuộc đời. Như Thành bạn tôi, sau một thời gian nghỉ việc, nó lại tiếp tục tìm việc mới.
Việc đi làm đã giết chết kỳ vọng vào cuộc sống của Thành nhưng cuộc sống mới sau khi nghỉ việc lại không thoải mái như nó tưởng tượng. Bởi vì trên thực tế: ai cũng cần thu nhập, cần nguồn lực kinh tế để có thể sống tốt.
03
Đợt tôi đi thực tập hồi năm 4, tôi gặp được một chị ở chỗ làm. Đang trên đà thăng tiến trong sự nghiệp nhưng chị ấy vẫn kiên quyết xin nghỉ.
Bọn tôi đều thấy tiếc thay, vì cơ hội như thế chưa chắc sau này sẽ có tiếp. Mà chị đồng nghiệp thì không nghĩ vậy: “Chị đi làm được gần 7 năm rồi. Nhưng càng ngày chị càng thấy đây không phải cuộc sống mà chị muốn. Chị không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chị không muốn sống như thế này nữa, chị muốn quay lại thời đi học”.
Sau khi từ chức, chị ấy sang Anh du học ngành truyền thông mà chị ấy thích. Hiện tại thì chị ấy đã đi làm tại đài truyền hình, hoàn thành được ước mơ của bản thân.
Người trẻ bây giờ khác với thời ông bà, bố mẹ ngày xưa. Đối với thế hệ trước, việc được phân công về từng đơn vị sau khi ra trường là chuyện đương nhiên. Còn thế hệ trẻ bây giờ thì quan tâm đến việc thực hiện các giá trị cá nhân hơn.
Có lẽ họ không biết rằng miệng nói “Không muốn đi làm” thì rất dễ, nhưng sau khi nghỉ việc, làm thế nào để tìm được lối thoát phù hợp nhất cho bản thân lại trở thành một vấn đề nan giải.
04
Theo khảo sát, trong các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn nghỉ việc của người trẻ, ngoài “mất đi nguồn kinh tế” thì còn có “nỗi lo về tương lai”. Nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp luôn mong muốn tìm cho mình lối sống đầy đam mê trong chính công việc họ lựa chọn, nhưng hiện thực lại như một đòn oan nghiệt giáng lên đầu họ.
Vì vậy, để chấp nhận thực tế, nhiều người trẻ sẽ tìm ra lý do tự an ủi mình: Khi bạn thực sự không thể tìm thấy mục tiêu, làm việc chăm chỉ để kiếm tiền cũng là một lựa chọn không tồi. Ít nhất khi nhìn thấy số dư trong tài khoản tăng lên, khoảnh khắc hạnh phúc ấy sẽ làm bạn vơi bớt nỗi lo lắng cho tương lai.
Trong vài năm trở lại đây, chuyện người trẻ bị trầm cảm hay thậm chí tự tử vì đối diện với áp lực quá lớn từ công việc ngày càng tăng lên. Nhiều người cảm thấy mình trở thành một cái đinh vít trong cả dây chuyền lắp ráp, lặp đi lặp lại những công việc quen thuộc, điều khiến tương lai mù mịt hơn.
Mặc dù hệ sinh thái chuyên nghiệp hiện nay đã đa dạng hơn, cho giới trẻ thấy một tương lai vô hạn trước mắt, nhưng đồng thời, nó cũng gây ra hệ quả không nhỏ. Vì có quá nhiều lựa chọn phức tạp, thành ra người ta tiếp tục cảm thấy bối rối và mất đi mục đích.
05
MXH từng lan truyền bức thư có tựa đề “Thế giới rộng lớn là thế, tôi muốn đi ngắm nhìn” của một cô gái sẵn sàng nghỉ việc để đi du lịch. Bức thư xin nghỉ việc oái oăm này đã kích thích dây thần kinh không muốn đi làm của nhiều người, thậm chí làm dấy lên trào lưu nghỉ làm để đi du lịch.
Cảm giác được rời xa công việc vào một ngày tâm trạng bạn hết sức tồi tệ quả là rất tuyệt. Nhưng sau khi trở về, bạn sẽ nhận ra cuộc sống vẫn y hệt như trước lúc bạn đi trốn, mọi chuyện vẫn dừng lại ở đó, chờ bạn về và khởi động lại. Bạn cũng phát hiện ra sự thật phũ phàng rằng cuộc sống sẽ không vì bạn đi du lịch xả stress mà trở nên tốt đẹp hơn, cũng không vì thế mà trở nên dễ dàng hơn.
Xung quanh tôi có rất nhiều bạn bè chọn trở thành freelancer, làm việc cho chính mình; cũng có người thì nghỉ việc sau đó đi học tiếp, ổn định bản thân và đi làm trở lại.
Những người trẻ đã nỗ lực rèn luyện bản thân này sẽ có thêm nhiều lựa chọn, giá trị của họ cũng được nâng cao và chỉ khi đó, họ mới có cơ hội để sống một cuộc sống như mơ và dễ chịu hơn.
Trong khi đó, có một vài người trẻ sau khi nghỉ việc chỉ biết nghỉ ngơi, tiêu xài lung tung. Điều này khiến họ bị cuốn vào một vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ: nghỉ việc, tiêu tiền, không có tiền, tìm việc mới, đi làm trở lại, tiếp tục than vãn…
Dù sao đi chăng nữa, cuộc sống là của riêng bạn, hãy sống sao cho đừng hoài phí dù chỉ một phút giây. Tuổi trẻ không phải vô tận, mất đi rồi sẽ không tìm lại được nữa đâu!
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/nhung-nguoi-tre-khong-muon-di-lam-sau-nay-se-ra-sao-eS9mRS52jDxWA.html