“Con yêu ba hay yêu mẹ nhiều hơn?”

    Chắc không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bạn trẻ khác cũng từng nhận được câu hỏi tương tự như thế. Vậy, câu trả lời của bạn là gì?

    Ngày bé, tôi yêu mẹ tôi nhiều lắm, hiển nhiên đến giờ vẫn thế.

    Lúc bé, tôi không được tiếp xúc nhiều cùng ba của mình. Tôi sống cùng mẹ ở Tiền Giang, còn ba tôi đi làm xa ở Vĩnh Long đến tận năm tôi 10 tuổi hơn ba mới trở về. Thuở ấy chưa có điện thoại di động, nhà tôi cũng chưa có điều kiện để sắm sửa một chiếc điện thoại để bàn. Cứ dịp cuối tuần, mẹ sẽ đèo tôi trên chiếc xe đạp cà tàng đến bưu điện, gọi sang cho ba ở Vĩnh Long. Trong cái kí ức đã phủ bụi kia, tôi vẫn nhớ rất rõ ba luôn nói rằng “ba nhớ con gái cưng nhiều lắm” trước khi cúp máy.

    Cũng trong cái kí ức xa xăm kia, tôi luôn để dành lại đồ ăn ngon mỗi khi nghe mẹ bảo “ngày mai ba về”. Tôi sẽ mặc bộ váy xinh nhất, để dành lại quả táo ngon nhất cho ba, thơm vào má hỏi ba đi đường xa có mệt không, con ở nhà ngoan lắm. Một bức tranh gia đình về ba và con gái rượu đã từng rất đẹp trong tuổi thơ của tôi.

    Ngày ấy không có ba bên cạnh, mẹ phải đi dạy, tôi được ông bà hai bên nuôi trưởng thành. Cứ cách vài tháng, mẹ sẽ lại đèo tôi đi qua 3 chuyến phà đến thăm ba, được ba chở đi siêu thị mua bánh kẹo và sữa. Tháng ngày ấy cứ thế yên bình mà trôi đi.

    Năm đầu tiên ba về lại Tiền Giang đi làm, về lại bên gia đình, ba lộ chuyện có tình nhân và con riêng. Đứa bé đó nhỏ hơn tôi 3 tuổi, tức là ngay khi tôi nói còn chưa sõi, đứa bé đó đã có mặt trong bụng của người phụ nữ kia. Từ ngày đó, tôi không còn yêu ba nhiều nữa.

    Nguyễn Nhật Ánh từng viết "khi lần đầu đón nhận nỗi buồn, tôi hiểu rằng tuổi thơ của mình đã hết". Kí ức đẹp của tôi và ba cũng đã dần chìm rất sâu vào trong tận cùng của kí ức. Những tiếng bi bô "con yêu ba" đã biến mất, và lần biến mất này là hơn 10 năm cuộc đời.

    Sự hy sinh và tổn thương của mẹ khiến tôi giận ba nhiều hơn. Tôi cũng chẳng còn tâm sự với ba về những điều nhỏ nhặt trong cuộc đời tôi nữa. Điều này tiếp diễn đến tận khi tôi lên Đại học. Giữa ba và tôi tồn tại một bức tường vô hình dẫu cho mẹ tôi đã chọn tha thứ cho ông.

    Mẹ tôi đổ bệnh, bà được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp vô căn. Nhưng ba lại chẳng thể sắp xếp đưa mẹ đi khám dù chỉ một hôm. Điều này đẩy mâu thuẫn giữa chúng tôi lên đỉnh điểm. Tôi không gọi video call cho ba trong một khoảng thời gian rất dài.

    Nhưng rồi một ngày, tôi quay về quê và trông thấy ba mình với quả đầu trọc. Ông bảo do trời nóng ông cạo đi cho mát. Mẹ bảo với tôi rằng tóc ông bạc nhiều quá, không ai nhổ cho nên thôi ông dứt khoát cạo đi. Một khắc đó, tôi bỗng thấy thời gian như ngừng lại. Hóa ra đã rất lâu tôi không nhìn kĩ dáng vẻ của ba mình. Ông trong kí ức ngày xưa của tôi là một người đàn ông gần 30 cao to vạm vỡ, khuôn miệng tròn hay cười. Còn ba tôi của bây giờ mới 45 tuổi tóc đã bạc, xuống sắc tảo tần nhiều hơn.

    Và rồi ngày ấy cũng đến, ba tôi cũng ngã bệnh, ông gọi cho tôi, bảo tôi lo học lo thi đừng qua chăm ông làm gì. Tim tôi hẫn đi một nhịp. Tôi tự hỏi ba còn sống được mấy mươi năm, vì sao ba chịu được những đêm tôi quấy khóc, tôi lại chẳng chịu được những ngày ba sai lầm ? Và câu hỏi ngày xưa lại hiện lên “Ba với mẹ con thương ai hơn?” Tại sao tôi luôn mặc định rằng là mẹ, và vì sao không chọn cả hai?

    Rất nhiều bạn sẽ ngoài kia cũng như tôi, cũng xem nhẹ hai tiếng gia đình. Rồi một ngày nào đó trong tương lại, chúng ta sẽ trở thành những người lớn mồ côi, chúng ta có gia đình riêng và lại hy sinh cho con chúng ta như cái cánh ba mẹ đã từng. Vậy vì sao không thử bao dung hơn? Người ta nói chỉ có trẻ con mới cần lựa chọn, vì vậy đừng xem nhẹ bên nào hơn. Hãy thử trải lòng với đấng sinh thành nhiều hơn, để hiểu được họ yêu ta nhiều như thế nào, ít nhất, hãy để tương lai chúng ta không cần phải hối tiếc khi nhắc đến hai tiếng ba mẹ.

    Cầu mong rằng tất cả mọi người đều có một gia đình hạnh phúc và sức khỏe dồi dào. Cầu chúc cho mọi bậc cha mẹ trên khắp thế gian đều an yên hạnh phúc. Cũng mong rằng những ai đang có khúc mắt trong lòng sẽ nhẹ nhàng mà buông bỏ được quá khứ, tiếp nhận và sống hết mình cho tương lai.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/con-yeu-ba-hay-me-nhieu-hon-nw246696.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ