Nhóm thám báo và phản kháng tự phát trên bán đảo Crimea

10:00' 17-01-2024
Nhóm phản kháng trên bán đảo Crimea, hoạt động hơn một năm qua, có thể đã giữ vai trò quan trọng trong những vụ tập kích của Ukraine.


    Ukraine thời gian qua nhiều lần tổ chức tập kích vào hạ tầng và khí tài quân sự Nga trên bán đảo Crimea gây thiệt hại nghiêm trọng. Nổi bật trong số đó là những vụ tấn công căn cứ Hạm đội Biển Đen, nhà máy đóng tàu, làm hư hại tàu tên lửa Askold vào tháng 11/2023 và đánh chìm tàu đổ bộ Novocherkassk vào tháng 12/2023.

    Lần gần nhất Kiev công khai nhận trách nhiệm là vụ tập kích sân bay Saky, nơi đóng quân của Trung đoàn Tiêm kích 43 thuộc không quân Nga. Quan chức Ukraine tuyên bố đợt tấn công ngày 5/1 đã "phá hủy hệ thống kiểm soát" của đối phương trên bán đảo.

    Ngoài hậu thuẫn từ mạng lưới tình báo và vệ tinh của phương Tây, những nguồn lực khác giúp Ukraine xác định chính xác mục tiêu sâu trong vùng do quân đội Nga kiểm soát vẫn là ẩn số. Quân đội Ukraine khi lên kế hoạch hành động có thể đã nhận sự hỗ trợ từ Atesh, nhóm thám báo và phản kháng tự phát trên bán đảo Crimea.

    Vị trí khí tài trong căn cứ Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 810 của Nga, tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea, do Atesh công bố vào tháng 12/2023. Ảnh: Telegram/Atesh

    Vị trí khí tài trong căn cứ Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 810 của Nga, tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea, do Atesh công bố vào tháng 12/2023. Ảnh: Telegram/Atesh

    Giới blogger quân sự Nga cho rằng Atesh thực chất không tồn tại và chỉ là chiến thuật tuyên truyền của Ukraine, tương tự câu chuyện phi công tiêm kích "bóng ma Kiev" trong giai đoạn đầu chiến sự. Trong khi đó, truyền thông Nga và Điện Kremlin từng đề cập Atesh là "nhóm khủng bố", gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của tổ chức này.

    Người phát ngôn mang bí danh "Ostap" của Trung tâm Phản kháng Quốc gia, trực thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của quân đội Ukraine, khẳng định với BBC rằng Atesh không phải chiến dịch tuyên truyền của Kiev. Ông nói tổ chức này đã cung cấp nhiều thông tin tình báo có giá trị cao cho quân đội Ukraine thời gian qua.

    "Mỗi lần phóng tên lửa Storm Shadow hay pháo HIMARS đều vô cùng tốn kém. Chúng tôi không thể phung phí đạn dược như cách tác chiến của người Nga. Chúng tôi cần một lực lượng xác minh mọi thông tin mình nhận được", Ostap cho biết.

    Atesh có nghĩa là "ngọn lửa" trong tiếng Tatar, cộng đồng thiểu số gốc Turk trên bán đảo Crimea. Mustafa Dzemilev, thủ lĩnh cộng đồng Tatar đã bỏ trốn về Kiev, nói tổ chức du kích được thành lập vào tháng 9/2022 và khởi nguồn từ phong trào phản kháng ôn hòa sau khi Nga sáp nhập bán đảo vào năm 2014.

    "Các thành viên Atesh ẩn mình rất tinh vi. Chưa có thành viên nào của Atesh bị bắt, nhưng họ đang xâm nhập sâu vào bố phòng tại Crimea để phá hủy nhiều mục tiêu", Dzhemilev bình luận vào tháng 7/2023.

    Nhóm tập hợp thành viên là người Tatar, người Ukraine và người Nga sống trên bán đảo Crimea, đặt mục tiêu xâm nhập cơ sở quân sự Nga và phá hoại hạ tầng. Trong đầu năm 2023, nhóm từng nhận trách nhiệm một số vụ tấn công nhỏ trên bán đảo như đánh bom chốt kiểm soát, phóng hỏa doanh trại và ám sát quan chức địa phương.

    Người phát ngôn mang bí danh Ostap của Trung tâm Phản kháng Quốc gia, trực thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của quân đội Ukraine, trả lời BBC vào tháng 1. Ảnh: BBC

    Người phát ngôn mang bí danh Ostap của của Trung tâm Phản kháng Quốc gia trả lời BBC vào tháng 1. Ảnh: BBC

    Theo tiết lộ từ đại diện Atesh, nhóm đã đẩy mạnh theo dõi các động thái quân sự ở Crimea cùng khu vực Nga kiểm soát ở 4 vùng Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk.

    Họ khẳng định thông tin của mình đã đóng vai trò quan trọng trong một số vụ tập kích lớn trên bán đảo Crimea, trong đó có hai vụ tập kích tàu ngầm Rostov-on-Don và sở chỉ huy Hạm đội Biển Đen vào tháng 9/2023, cuộc tấn công tàu đổ bộ Minsk vào tháng 11/2023 và đòn không kích trạm radar ở Yevpatoria vào ngày 5/1.

    Thành viên Atesh mang mật hiệu "Đặc vụ 5" tự nhận mình đang làm việc cho quân đội Nga nhưng vẫn hợp tác với Ukraine vì không ủng hộ cuộc chiến kéo dài hai năm qua. "Tôi phải đối diện với rất nhiều rủi ro. Tôi không muốn ngồi tù, nên nhất cử nhất động đều cần sự tỉnh táo và cẩn trọng. Công việc này không có chỗ cho sai lầm", anh nói.

    Chiêu mộ quân nhân Nga làm gián điệp không phải nhiệm vụ bất khả thi. Tình báo quân đội Ukraine vào tháng 8/2023 từng dụ hàng thành công một phi công Nga đào tẩu và giao nộp trực thăng Mi-8. Atesh vào năm 2023 tuyên bố chương trình "hướng dẫn sinh tồn", thực chất là chương trình tuyên truyền chiêu hàng và dụ dỗ phá hoại vũ khí, có hơn 4.000 quân nhân Nga liên hệ.

    "Đặc vụ 2", người tự nhận là thành viên điều phối của Atesh và đang ẩn nấp trong vùng Nga kiểm soát, phải giấu kín thân phận với cả gia đình mình. Anh nói cơ quan phản gián của Nga đang ráo riết truy lùng mọi tổ chức phản kháng và Atesh luôn lo sợ điệp viên Nga trà trộn vào hàng ngũ.

    Một thành viên Atesh nói anh hiểu rõ "quay phim quân đội giữa thời chiến là hành động tự sát" và anh chắc chắn chịu tội phản bội tổ quốc nếu bị Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) phát hiện. Các thành viên làm nhiệm vụ do thám thường truyền thông tin và nhận chỉ thị qua những những thành viên làm nhiệm vụ "giao liên" trong mạng lưới.

    "Chúng tôi vì vậy không hé lộ kế hoạch và chiến lược cho các thành viên đang chịu nhiều rủi ro bị bắt. Mỗi thành viên chỉ được quyền biết đúng phần việc của mình", "Đặc vụ 2" nói.

    Vị trí thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea. Đồ họa: RYV

    Vị trí thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea. Đồ họa: RYV

    Những cuộc do thám thời gian qua của Atesh đang tập trung vào hệ thống phòng không, kho hậu cần, căn cứ quân sự và thay đổi hành quân của Nga. Các thành viên Atesh thường dành nhiều tuần để theo dõi mục tiêu, tìm cách xâm nhập, ghi hình ở nhiều vị trí, đánh giá mức độ quan trọng của mục tiêu và các lớp bảo vệ.

    Những đòn tập kích vào Crimea được xem là diễn biến tích cực hiếm hoi đối với quân đội Ukraine trong cuộc phản công năm 2023, vốn đã chịu nhiều chỉ trích từ đồng minh phương Tây về hiệu quả khiêm tốn lẫn mức độ tổn thất.

    Andriy Ryzhenko, cựu sĩ quan hải quân Ukraine từng đóng tại Crimea, đánh giá bán đảo có ý nghĩa chiến lược như "tàu sân bay không thể đánh chìm" giữa Biển Đen và Biển Azov, giúp Nga triển khai sức mạnh trên toàn khu vực. Hỏa lực của Ukraine đã buộc Nga chuyển dần Hạm đội Biển Đen từ Sevastopol về Novorossiysk ở bờ đông eo biển Kerch, qua đó giảm áp lực lên hành lang vận tải qua Biển Đen do Ukraine bảo hộ.

    "Dù Nga vẫn đang kiểm soát chặt chẽ toàn diện bán đảo, tôi tin rằng chúng tôi đang góp công từng bước đưa Crimea đến mục tiêu buộc Nga rút quân", một đặc vụ Atesh chia sẻ.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/atesh-nhom-tham-bao-chi-diem-ukraine-tap-kich-o-crimea-4698808.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ