Nhớ lắm những bài học tình yêu từ ông bà nội
Gia đình tôi sống gần nội. Thế nên, ngày còn bé, tôi hay đến nhà nội chơi. Tôi cũng từng chứng kiến ông nội nhiều lúc trái tính trái nếp, hay nhậu nhẹt, rồi về nhà đập phá hết thứ này đến cái khác. Bà tôi cũng chịu không ít lời mắng nhiếc từ ông. Hồi đó, tôi giận lắm. Tôi chỉ ước tôi lớn thật nhanh để có sức mà can ngăn tình huống như vậy. Nhưng hôm sau, bà chỉ tâm sự với ông vài câu rồi mọi thứ lại trở về quỹ đạo hằng ngày.
Nhiều lần thắc mắc, tôi quyết định thì thầm với nội rằng “Nếu bị đánh, chịu cảnh như vậy, sao nội không bỏ ông đi, sống cuộc sống mới?”. Nội cười trừ “Chuyện vợ chồng đâu phải ngày một ngày hai đâu con. Nhiều khi không còn tình cũng còn nghĩa. Cái duyên, cái nợ còn đó đâu phải xa là xa nhau được.”
Tôi tặc lưỡi thầm nghĩ sao người lớn khó hiểu như vậy. Rồi nội kéo tôi ngồi xuống, nội kể cho tôi nghe hàng tá chuyện ngày trẻ khi hai người quen nhau, khi cả hai cùng vượt qua rào cản cuộc sống khốn khó để đến với nhau, cả những lần ông lỡ hẹn và hối hả chạy đến xin lỗi nội như thế nào. Nội nhớ hết, nhưng nội kể cho tôi nghe toàn những kí ức đẹp của cả hai.
Có lẽ, thanh xuân của bà tôi dành hết cho ông. Bà sống hết mực vì chồng, vì con. Nội tôi hay hoài niệm lại những ký ức tươi đẹp để kéo nó về thực tại, làm nguồn sống mà tiếp tục.
Câu chuyện đó là của gia đình ông bà nội lúc tôi còn chập chững bước vào đời. Còn bây giờ, đã khác. Ông đi đâu, bà theo đến đó. Bà mới ra ngoài một chút, ông đã đi tìm. Ông thay đổi khẩu vị cho giống bà luôn. Ông bỏ nốt rượu bia, thuốc lá, thay ly cà phê mỗi sáng bằng cốc sữa nóng. Có lẽ, từ lúc bà trải qua cơn bệnh sinh tử đó, ông sợ mất bà. Phải chăng, đó cũng là sức mạnh của tình yêu tạo nên những điều kỳ diệu đến như vậy?
Mùa hạ năm nay, giếng nước nhà nội lại cạn, ông tôi gánh nước về để dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Ông gánh ở cái giếng làng - cả làng đào thêm một cái giếng để trữ nước khi cần. Ông tuy lớn tuổi rồi, nhưng trông vẫn còn mạnh lắm. Nội xách từng gàu nước cho vào thùng chứa rồi gánh về.
Tôi than thở với nội về chuyện tình yêu của tôi sao trắc trở quá. Nội cười, khoe rằng ông với bà cũng bên nhau hơn 50 năm rồi. Ngần ấy thời gian với bao chuyện vui, chuyện buồn đương nhiên không tránh khỏi. Ông nói rằng ông may mắn khi gặp được bà và an ủi tôi rồi sẽ gặp người cùng đi với nhau hết kiếp.
Ông kể tôi nghe lúc mới quen bà, cả hai cũng không nghĩ sẽ tiến xa hơn. Bởi lúc ấy, nhà còn nghèo lắm, ai cũng bận bươn chải kiếm sống, thời gian đâu mà hẹn hò, yêu đương. Nhưng có lẽ, đó cũng là định mệnh cho ông gặp bà để cả hai cùng cố gắng.
Hồi đó, cả hai cùng làm thuê chung một địa điểm, thế là tranh thủ lúc nghỉ ngơi, ông tâm sự với bà nhiều hơn. Ông cũng hay chọc ghẹo bà để tạo sự chú ý của bà dành cho mình. Cứ thế, mỗi ngày, ông đợi sẵn dưới sân, cùng bà đi làm, rồi cùng về. Nhiều lúc tranh luận, đấu khẩu cũng dữ lắm, rồi giận nhau, nhưng không quá năm phút, ông và bà chủ động làm hòa. Hôn lễ của hai người chỉ đơn giản là lễ ra mắt hai họ với nhau. Vậy là ông và bà nên vợ nên chồng.
Tôi cười thích thú câu chuyện yêu nhau của nội. Hỏi nội có bí quyết gì để tình yêu luôn mới, luôn hấp dẫn? Nội cũng cười khà như thể đứa cháu hỏi trúng câu “tủ” của nội vậy. Xua tay một cái, nội nói chỉ cần mỗi người hiểu đối phương mà nhường nhịn một chút. Ông nói “Thời đó, điều kiện vật chất quan trọng lắm, vì ngoài nuôi bản thân còn phải chăm sóc, vun đắp gia đình nhỏ của mình. Thật không dễ dàng chút nào”.
Vợ chồng nội đi làm suốt ngày để trang trải mà nhiều lúc còn túng thiếu đủ thứ. Bởi thế, nhiều khi không như ý, thêm tính hơi nóng của ông nên hay gây sự với bà. Rồi ông tôi dần sửa đổi.
Nội sinh bốn người con. Thế nhưng căn nhà nội ở còn mỗi cặp vợ chồng nội. Ông bà cũng không còn lo lắng cái ăn cái mặc như trước. Ông nghẹn lòng “Con cháu lớn hết rồi, mình không cần lo lắng nữa. Với cái tuổi này, nội chỉ mong mỗi ngày còn nhìn thấy bà, rồi cùng nhau già đi, thế là vui rồi”. Đúng thế. Ở độ tuổi gần đất, xa trời, ai mà chả muốn được khỏe mạnh, được nhìn con cháu thành công, nhất là được chứng kiến người bạn đời của mình luôn hạnh phúc mỗi ngày.
Vất vả một đời, nhưng ông tôi vui vì có bà đồng hành mỗi ngày. Sáng sớm, ông pha cho bà cốc sữa nóng. Chiều đến, ông cùng bà chuốt lá dừa. Căn nhà nhỏ cuối xóm của nội tôi không lạnh tanh với tiếng ly vỡ, chén tan mà đổi lại là cách chăm sóc, nụ cười cả hai dành cho nhau.
Có lẽ, gắn bó thêm lâu, tình cảm không nhạt đi mà càng da diết hơn. Người già cũng biết thổ lộ tình yêu của mình dành cho người bạn đời, chỉ là thể hiện theo một cách riêng của họ mà thôi. Có điều, không lãng mạng, cũng không xa hoa như ngày trước nhưng ân cần và ấm cúng vô cùng.
Ba mẹ tôi cũng từng can ngăn nội đi kiếm tàu dừa, chỉ nên ở nhà tận hưởng tuổi già. Phận làm con cháu, ai mà không xót thương khi thấy bố mẹ tuổi già nhưng vẫn phải bươn chải, kiếm sống. Thế nhưng, theo quan điểm vợ chồng nội tôi, được đi đây đi đó là một niềm vui. “Ở nhà không làm gì lại rối tay rối chân. Còn sức thì cứ lao động thôi”, câu nói khẳng định chắc nịch của nội khiến mấy đứa con của nội hiểu vấn đề. À, thì ra ai cũng có cuộc sống riêng, sở thích riêng, nội tôi cũng vậy.
Những lần hai ông bà chuốt tàu dừa ngoài sân, tay làm nhưng không bao giờ để không khí chùng xuống. Nội tôi nói hết chuyện này, đến chuyện khác, từ chuyện ngày xưa đến chuyện hôm nay. Lúc ghé nhà nội lấy cái ấm đun nước, tôi nghe thoáng qua bà hỏi ông “Ông thấy tui còn đẹp không?”. Ông cười khà “Bà đẹp nhất lòng tôi”, rồi cả hai cùng cười hằn lên những vết nhăn trên gương mặt. Tôi cười thầm, lòng tôi chộn rộn cả lên, thầm mong cuộc sống cứ bình dị mà tươi đẹp như này mãi.
Sức khỏe bà yếu hơn ông một chút. Ông nói ngày trước toàn bà chăm sóc ông, đến lúc để ông bù đắp lại phần nào. Ông quán xuyến việc nhà, đảm nhận luôn vai trò đầu bếp. Nhiều lúc tâm sự cùng nhau, bà nhắc đến chuyện đi trước, ông chỉ gạt phắt cho qua và tỉ tê rằng “Nếu đi cũng đi cùng đi, đi một mình sẽ lạnh lắm. Bà gắn bó với tôi cả đời rồi, để bà đi một mình tôi không quen”. Rồi ông chuyển sang chủ đề khác, lảng tránh câu hỏi đau lòng của bà.
So với việc lo toan kinh tế, điều kiện vật chất thì ở độ tuổi xế chiều của nội tôi, họ sợ mất nhau nhiều hơn. Chắc rằng thời gian đã ăn mòn đi nhiều thứ từ sắc đẹp, sức khỏe nhưng chắc chắn một điều rằng những kỷ niệm của cả hai chưa bao giờ ngừng lại. Mỗi ngày, trang kỷ niệm ấy sẽ dày hơn một chút để tình cảm nội tôi dành cho đối phương mãi luôn đong đầy.
Cơn gió chiều nay thổi đìu hiu, nằm trước hiên nhà, tôi miên man nghĩ về tình yêu của tôi và câu chuyện yêu nhau của nội. Thoáng nghĩ nếu lỡ sau này, một người đi trước, một người làm tổn thương một người ở lại thì sao? Tuy rằng cả hai cũng đã trải qua vô vàn trắc trở trong mấy mươi năm ở chung một nhà. Thế nhưng cú sốc này sẽ là sự đau buồn cuối cùng, tình cảm cuối cùng mà nội tôi dành cho nhau chưa? Rồi chiếc lá vàng rơi chạm nhẹ vào tay, kéo tôi về thực tại.
Mùa thu sắp đến rồi. Mùa của yêu thương và mùa của những cuộc chia ly. Tôi cũng sắp quay lại thành phố để tiếp tục công tác. Nhớ lắm những năm đầu đi học xa nhà, cách dăm ba bữa, nội lại gọi cho tôi. Lúc đó, câu đầu tiên đường dây bên kia cất lên luôn là: "Nội nè con".
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/nhung-bai-hoc-tinh-yeu-toi-da-hoc-duoc-tu-ong-ba-noi-nw232555.html