Con lớn rồi mới hiểu bữa cơm gia đình ấm áp thế nào
Mẹ tôi có chút kém may mắn hơn về ngoại hình. Lần đổ bệnh năm đó khiến mẹ bị dị tật ở miệng. Nghe mẹ kể, tôi mới biết, chỉ một khuyết điểm nhỏ như vậy cũng khiến con người ta cảm thấy tự ti. Nhưng bấy lâu, nếu không tâm sự, tôi chả biết điều này đâu. Cứ tưởng chỉ trẻ em mới biết than phiền, mới vỡ òa lên khóc bất cứ lúc nào. Nhưng không phải thế. Người lớn cũng có nỗi buồn riêng, là do họ không nói ra mà thôi; cũng không phải họ chưa bao giờ khóc, có điều họ đang kìm nén cảm xúc của mình. Bởi họ còn gánh trên vai trách nhiệm và nghĩa vụ gia đình.
Ngày còn nhỏ, mỗi lúc nhận lời khen từ những người xung quanh “Con bé này giỏi - rất giống mẹ” hay “Càng lớn càng xinh - giống mẹ nó”, tôi mừng lắm. Nhiều lúc nhảy cẫng lên như nhận được quà, cảm giác lòng nhẹ tênh. Hôm đó, chắc chắn sẽ là một ngày đầy năng lượng. Tôi thầm nghĩ “Lúc nhỏ, có lẽ mẹ vượt qua được mặc cảm ngoại hình cũng một phần nhờ vào lời động viên để rồi tiếp năng lượng cho hành trình mới”.
Rồi mẹ tìm được chân ái, là ba tôi bây giờ. Ba là mối tình đầu của mẹ. Hỏi mẹ có hạnh phúc không? Tay vẫn thái bẹ chuối cho kịp gà ăn, mẹ kể tôi nghe hàng loạt câu chuyện. Có những chuyện có bắt đầu nhưng kết thúc của nó còn ở tương lai, ví như hôn nhân của mẹ và ba.
Gắn bó với nhau hăm mấy năm, vợ chồng nhiều lúc cũng cãi vã nhưng điều sau cùng là cùng ngồi lại với nhau để làm hòa. Có sao đâu chứ, những cuộc nhậu làm ba về khuya, nhưng điều sau cùng là nhẹ nhàng mở cửa, nhìn vợ con ngủ ngon rồi mới đi ngủ. Có sao đâu chứ, khi cả hai cùng nheo mắt cười vì lỡ trượt chân lúc nhổ mạ dưới cái nắng oi bức của mùa hè.
Tất nhiên, áp lực và lo toan là gánh nặng của nhiều gia đình. Thế nhưng, nó cũng tạo ra hạnh phúc khi ai cũng cố gắng. Nhiều khi, hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt tích góp lại qua ngần ấy năm tháng chúng ta sống chung dưới một mái nhà. Ba tôi ít nói, vì thế tôi hay tâm sự với mẹ hơn. Tôi hỏi mẹ về những câu chuyện ngày xưa, mẹ bảo hồi nhỏ mẹ tự ti dữ lắm, không phải như bây giờ đâu.
Mẹ tâm sự đôi lúc mệt chứ, nhưng chồng cũng đang quần quật lo kinh tế, bôn ba ngoài kia, biết thủ thỉ cùng ai. Nhưng rồi nghĩ về con cái mà cả hai cùng cố gắng. Tôi thấy đúng và tôi rất muốn nói với mẹ “Mẹ à, cả ba và mẹ đã vất vả rồi. Con cũng đã lớn, ba mẹ sống cho mình đi, đừng lo cho tụi con nữa".
Sáng nay, lướt facebook tôi thấy nhiều người bạn đăng bài viết, vài tấm ảnh về gia đình. Rồi một người bạn facebook đăng một đoạn clip ngắn, đáng yêu của cô con gái mới đến tuổi tập nói, bập bẹ tiếng “mẹ” đầu đời. Cô ấy chia sẻ rằng “Muốn lưu lại mọi khoảnh khắc đáng yêu để sau này nhìn lại có cái để nhớ và mình biết mình đã sống một thời thanh xuân như thế nào”. Phải chăng, đó là hạnh phúc, hạnh phúc khi được làm mẹ.
Ba từng nói với tôi rằng làm gì cũng được, miễn có nơi để quay về thì là hạnh phúc. Dạo gần đây, tình hình covid -19 diễn biến phức tạp, câu khẩu hiệu: “Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch” được tuyên truyền và hướng ứng rộng khắp. Các công trình cũng tạm ngưng, ba tôi cũng không đi làm mướn nữa để tránh tập trung đông người. Ba hay xem tin tức trên đài, trên báo online. Có thông tin gì mới, ba nhắc cả nhà để cùng nắm bắt.
Thế rồi, bữa cơm gia đình sao đơn giản mà thật đậm đà với món rau luộc hái ngoài vườn, vài con cá kho tiêu bắt ngoài suối. Nuốt miếng cơm, ba nói “Bữa cơm như thế này vừa ngon, vừa hạn chế tập trung đông người như đề nghị của chính phủ”. Tôi cười hỏi nhỏ “Vậy tương lại ba dự định như thế nào?”. Ba thở dài nói mong sao dịch chóng qua, để tất cả ổn định trở lại, rồi ba làm thuê vài năm nữa, nuôi chị em tôi ăn học xong sẽ nghỉ việc. Lúc đó, ba mở cho mình một chuồng trại chăn nuôi quy mô nhỏ, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Cũng đúng, ở cái tuổi sắp ngũ tuần, ai mà chả ao ước dành phần đời còn lại với quê nhà, với người bạn đời của mình nhiều hơn. Đó là ước vọng của ba cũng là ước vọng của tôi.
Tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng về tương lai liệu tìm được công việc ổn định, lo cho các em tôi để ba mẹ đỡ gồng gánh. Thương lắm. Đôi với một đứa đi học xa nhà, tôi hay hoài niệm quá khứ, nhớ lại cử chỉ hành động dù nhỏ nhặt. Chẳng ai nói ra nhưng tôi cảm nhận đó là tình thương gia đình. Tiếc lắm vì bản thân đã bỏ lỡ một thời ngây dại mãi đến lúc lớn, tôi mới biết trân quý bữa cơm sum họp như thế này.
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/con-lon-roi-moi-hieu-bua-com-gia-dinh-am-ap-the-nao-nw232244.html